1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo chí Trung Quốc đưa đậm nét về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình

Quốc Đạt

(Dân trí) - Báo chí Trung Quốc dành sự quan tâm đặc biệt tới chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, cho rằng chuyến đi giúp xác định con đường mới cho tăng cường hợp tác Việt - Trung.

"Chủ tịch Tập Cận Bình bước xuống từ cầu thang máy bay giữa những lá quốc kỳ của hai nước và cờ đỏ búa liềm của Đảng Cộng sản phấp phới trong làn gió nhẹ", báo People's Daily mô tả khi máy bay Air China chở Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Giáo sư, Phu nhân Bành Lệ Viên hạ cánh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội vào trưa ngày 12/12. 

Sau khi hạ cánh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện một số hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm vào buổi chiều ngày 12/12, như dự lễ đón chính thức và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xem và nghe giới thiệu về 36 văn kiện mà hai nước ký kết nhân dịp này.

Báo chí Trung Quốc đưa đậm nét về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình trong lễ đón chính thức tại Hà Nội ngày 12/12 (Ảnh: Xinhua).

Trang chủ các cơ quan báo chí lớn của Trung Quốc như Xinhua, People's Daily, CCTV… đã đưa tin đậm nét về chuyến thăm. Các hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đều được cập nhật nhanh chóng, kể cả hoạt động bên lề như lãnh đạo 2 nước thưởng trà.

Từ trước thềm chuyến thăm, mỗi cơ quan báo chí Trung Quốc đều có cách khai thác riêng về quan hệ Việt - Trung để nêu bật các góc độ hợp tác của hai nước.

Chẳng hạn, Xinhua có bài viết về phố phường Hà Nội đã "mặc áo mới" để chào đón ông Tập Cận Bình, hay China Daily chỉ ra rằng ở Việt Nam và Trung Quốc đều có hồ lớn có tên gọi tương tự nhau, lần lượt là Hồ Tây và Tây Hồ. Hai hồ đều gắn liền với các thần thoại dân gian, thể hiện điểm chung về văn hóa của 2 nước.

Đồng thời, các cơ quan báo chí Trung Quốc đều thống nhất về một điểm: Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẽ giúp tăng cường hơn nữa quan hệ song phương Việt - Trung.

"Đối với lãnh đạo cấp cao của một nước, điểm đến của các chuyến thăm cấp nhà nước vào đầu hoặc cuối năm có những cân nhắc và ý nghĩa chiến lược", Shen Yi, Giáo sư Đại học Phúc Đán của Trung Quốc, nói với Global Times.

Vì thế, việc Việt Nam là điểm đến trong chuyến thăm cuối năm 2023 của ông Tập truyền tải thông điệp rõ ràng rằng Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với các nước láng giềng.

Báo chí Trung Quốc đưa đậm nét về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình - 2

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch chiều ngày 12/12 (Ảnh: Xinhua).

Trong bài bình luận ngày 12/12 trên CGTN, Azhar Azam, nhà bình luận về các vấn đề thời sự, chỉ ra rằng chuyến thăm của ông Tập đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc củng cố quan hệ chiến lược lâu đời giữa hai nước, giúp vạch ra lộ trình mới cho tăng trưởng kinh tế song phương và ổn định khu vực.

Trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình vào chiều 12/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định chuyến thăm thể hiện tình cảm đặc biệt của ông Tập Cận Bình đối với truyền thống hữu nghị, tầm vóc quan hệ song phương hiện nay cũng như triển vọng tốt đẹp trong thời gian tới của quan hệ hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng chuyến thăm là dấu mốc lịch sử mới, đưa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Không chỉ nói về sự tin cậy chính trị giữa 2 Đảng, 2 nước, báo chí Trung Quốc còn nhấn mạnh về hợp tác kinh tế, phương diện hợp tác không thể không nhắc đến khi nói về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc đưa đậm nét về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình - 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem các bản văn kiện ký kết giữa hai bên dịp này (Ảnh: Xinhua).

Xinhua dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 12/12 cho biết thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam duy trì mức tăng trưởng ổn định trong 11 tháng đầu năm nay. Trao đổi hàng hóa giữa hai nước đạt khoảng 203,73 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 11, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Chỉ riêng tháng 11, thương mại song phương đã tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục hàng tháng là 161,92 tỷ nhân dân tệ", Xinhua  viết.

Kể từ năm 2016, Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Thương mại song phương Việt - Trung chiếm 25% tổng thương mại của Trung Quốc với khối này trong 11 tháng đầu năm.

Hai nước còn có không gian hợp tác rộng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Xinhua. Trong 11 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu 44,62 tỷ nhân dân tệ nông sản Việt Nam, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, rau củ, trái cây ôn đới của Trung Quốc cũng được thị trường Việt Nam đón nhận. Trung Quốc xuất khẩu 34,31 tỷ nhân dân tệ nông sản sang Việt Nam trong cùng thời gian, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

"Kể từ đầu mùa đông, trái cây và rau quả sản xuất tại tỉnh Vân Nam đã bước vào mùa xuất khẩu cao điểm và được thị trường Việt Nam ưa chuộng", Wang Xin, một quan chức tại trạm kiểm soát cửa khẩu Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nói với Xinhua.

Theo CGTN, People's Daily, Xinhua, China Daily