Ngày nắng lên sau bão: Tình đồng bào làm ấm, lành những vết đau
(Dân trí) - Những sẻ chia, đồng cảm, sự ủng hộ của đồng bào khắp nơi, góp phần giúp các gia đình không may mất người thân, mất nhà ở huyện Lục Yên, Yên Bái vơi đi nỗi đau, mạnh mẽ bước tiếp.
Lục Yên là một trong ba huyện của tỉnh Yên Bái chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 (Yagi) gây ra. Ông Đoàn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết, theo thống kê, toàn huyện có 14 người chết, 3 người bị thương, 75 ngôi nhà sạt lở hoàn toàn, 33 nhà hư hỏng nặng, 1.650 ngôi nhà ngập lụt và trôi tài sản.
Hơn 1.000 ha lúa và hoa màu bị vùi lấp. Nhiều công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, đường sá, thủy lợi... chịu nhiều thiệt hại.
Từ những ngày đầu của thảm họa thiên tai tại huyện Lục Yên, nhóm phóng viên Dân trí đã tiếp cận hiện trường, phối hợp chính quyền địa phương viết bài kêu gọi, giúp đỡ các hoàn cảnh chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Ngày 8/11, đại diện báo Dân trí đã thăm lại và trao bảng biểu trưng số tiền ủng hộ từ độc giả, mạnh thường quân khắp cả nước tới 6 gia đình bị thiệt hại nặng nề, mất nhà, mất người thân do bão lũ, sạt lở đất gây ra. Toàn bộ số tiền trên đã được báo kết chuyển đến số tài khoản của 6 hộ gia đình.
Tình người giúp góa phụ trẻ vượt qua nỗi đau mất chồng, mất nhà
Trở lại thôn Át Thượng (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên) sau hơn một tháng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng, phóng viên báo Dân trí thăm chị Hoàng Thị Nhiên (25 tuổi) khi nỗi đau mất chồng, mất nhà chưa thể nguôi ngoai.
Chị Nhiên không còn suy sụp, đôi mắt ánh lên sự cứng cỏi, song vẫn không ngăn được dòng lệ khi nhắc lại biến cố ập đến với gia đình.
"Mẹ chồng và mẹ con tôi vẫn nương nhờ nhà anh trai chồng. Tôi đã đi làm công ty trở lại, con trai tiếp tục đến trường. Cuộc sống của cả nhà cũng dần ổn định", người phụ nữ nắm chặt đôi bàn tay, chia sẻ.
Chị Hoàng Thị Nhiên là nhân vật trong bài viết "Ôm con thơ mỏi mòn ngóng chồng nằm dưới biển đất mênh mông", được báo Dân trí đăng tải trước đó.
Thông qua bài viết, báo Dân trí đã vận động được 77.403.964 đồng ủng hộ gia đình chị Nhiên. Toàn bộ số tiền đã được kết chuyển tới số tài khoản của chị.
Thay mặt gia đình nhận khoản tiền ủng hộ, chị Nhiên xúc động: "Tôi xin cảm ơn báo Dân trí đã viết bài kêu gọi cho gia đình, cảm ơn các mạnh thường quân giúp đỡ gia đình tôi trong thời gian qua.
Sau khi cơn bão số 3 đi qua, rất nhiều người không may mất nhà, mất người thân. Chúng tôi cũng cảm nhận rõ hơn sự ấm áp của tình đồng bào khắp nơi. Nhờ đó, mẹ con tôi và những người bị nạn có thêm động lực, mạnh mẽ bước tiếp".
Trở thành góa phụ khi tuổi đời còn quá trẻ, chị Nhiên không thể đong đếm nỗi đau xót trong lòng. Thế nhưng, chị thấy bản thân vẫn may mắn vì còn con trai bên cạnh làm điểm tựa, là động lực để bước tiếp.
Đau thương sẽ dần lùi về sau, điều chị Nhiên mong mỏi lúc này là sớm có ngôi nhà mới để ổn định cuộc sống, an tâm phụng dưỡng mẹ già, lo cho con thơ...
"Nhờ bạn đọc báo Dân trí giúp đỡ, tôi sắp có mái nhà để thờ bố"
Sau trận sạt lở đất kinh hoàng xảy ra ở thôn Kéo Quạng (xã Minh Xuân) ngày 10/9, chị Hoàng Thị Linh (30 tuổi) và em trai Hoàng Văn Huy (26 tuổi) đã vĩnh viễn mất đi người cha kính yêu, căn nhà gỗ ba gian cũng bị sập hoàn toàn.
Khi thiên tai xảy ra trên quê hương, chị Linh đang làm thuê tận TPHCM, còn anh Huy phụ hồ ở Hà Giang nên may mắn thoát nạn.
Giờ đây, nhà cửa không còn, anh Huy phải dọn về sống trong căn lều được dựng tạm trên mảnh đất của cô ruột. Anh cùng bà nội, hai chú và cô ruột chia nhau không gian chật hẹp, tạm bợ, chen chúc qua ngày.
Ngày 8/11, tại nhà văn hóa UBND xã Minh Xuân, anh Huy thay mặt gia đình trân trọng đón nhận số tiền 48.372.713 đồng do bạn đọc giúp đỡ gia đình anh thông qua số tài khoản của báo Dân trí.
Anh xúc động gửi lời cảm ơn báo Dân trí cùng các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ với nỗi mất mát của gia đình. Bên cạnh đó, báo Dân trí cũng đã kêu gọi, kết nối bạn đọc hỗ trợ xây ngôi nhà Nhân ái cho gia đình anh.
"Cơn bão số 3 đi qua để lại nỗi đau tột cùng, giờ mong ước lớn nhất của tôi là có căn nhà mới để thờ bố, vơi bớt khó khăn và ổn định cuộc sống. Nhờ bạn đọc báo Dân trí và các nhà hảo tâm giúp đỡ, tôi mới có thể thực hiện được điều này", anh Huy nghẹn ngào.
Chị Hoàng Thị Linh và anh Hoàng Văn Huy là hoàn cảnh trong bài viết "Bố tôi tai điếc, không nghe thấy tiếng đất đồi sạt lở để mà chạy đi", được báo Dân trí đăng tải trước đó.
Mẹ anh Huy bỏ đi biệt tích hơn 10 năm nay, chị gái đi lấy chồng nên chỉ còn bố con anh sống trong căn nhà gỗ ba gian. Vì hoàn cảnh, anh đi làm phụ hồ ở Hà Giang, thu nhập mỗi tháng ngót nghét 5 triệu đồng.
Trưa 10/9, ông Hoàng Văn Nhị (SN 1951, bố anh Huy), khi đang ngồi bên dưới nhà sàn thì bị đất trên đồi đổ ập xuống, chôn vùi ông cùng với ngôi nhà. Ông Nhị tai điếc, không nghe thấy tiếng đất đồi sạt lở để mà chạy đi.
Khi những hình ảnh đau lòng về hoàn cảnh của gia đình anh Huy được đăng tải, anh đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của đông đảo bạn đọc. Số tiền mà bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ giúp anh Huy gắng gượng vượt qua nỗi đau.
Niềm an ủi đến với bà lão mất con, mất nhà, phải dựng túp lều ở vì sạt lở
Ở tuổi gần đất xa trời, bà Hoàng Thị Mừng (72 tuổi, thôn Kéo Quạng, xã Minh Xuân) không thể ngờ chỉ trong một ngày, bà phải đối diện với nỗi đau tột cùng khi mất đi người con trai cả, mất ngôi nhà gắn bó hơn nửa cuộc đời vì thảm họa sạt lở.
Từ khi xảy ra chuyện, bà Mừng cùng 3 người con và cháu nội chen chúc trong túp lều dựng tạm ven đường, cách nhà cũ chừng 300m. Hàng xóm thương cảm, gom góp những thanh gỗ cũ ghép tạm cho bà chiếc phản để nằm ngủ.
Mất mát vượt quá sức chịu đựng, bà Mừng chưa đêm nào có một giấc ngủ ngon. Ngày qua ngày, sức khỏe của bà bị bào mòn, đến gần đây thì ngã quỵ.
"Mẹ tôi nằm viện hơn 10 ngày nay vì suy nhược cơ thể, đau đại tràng, đau dạ dày, thoái hóa 3 đốt sống thắt lưng, chân đau không đi lại được. Anh trai tôi mới mổ não nên cả nhà mấy nay vẫn chưa thể ổn định", chị Hoàng Thị Nhiều (con gái bà Mừng) chia sẻ.
Thay mặt cho bà Mừng, nhận bảng biểu trưng số tiền bạn đọc ủng hộ, chị Nhiều xúc động: "Tôi xin cảm ơn độc giả báo Dân trí, các mạnh thường quân, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện giúp đỡ gia đình tôi trong lúc hoạn nạn. Thay mặt mẹ, tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn mọi người".
Thông qua bài viết "Mất con, mất cả ngôi nhà sau cơn bão, bà cụ 72 tuổi dựng lều sống ven đường", bạn đọc báo Dân trí đã chung tay ủng hộ, chia sẻ với nỗi mất mát của gia đình bà Hoàng Thị Mừng.
Bà Mừng thuộc hộ khó khăn của xã Minh Xuân. Bà có 7 người con nhưng ai nấy đều khó khăn. Thời gian qua, cả gia đình bà chủ yếu sống nhờ số tiền được các nhà hảo tâm hỗ trợ để trang trải sinh hoạt.
"Mẹ tôi đã lớn tuổi, cứ ốm đau, đi viện triền miên mà phải sống trong điều kiện kham khổ, sinh hoạt bất tiện, tôi nghĩ thấy xót xa quá. Tôi không mong ước gì hơn ngoài việc mẹ có căn nhà, yên tâm sống tiếp quãng đời về sau", chị Nhiều trải lòng.
"Mọi người đã cứu tôi khỏi bờ vực đau khổ, giúp tôi thêm động lực..."
Chị Hoàng Thị Nhài (46 tuổi, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên) là nhân vật trong bài viết "Con trai còn nằm lạnh ngoài suối, lòng tôi đau như dao cắt", đã được báo Dân trí đăng tải trước đó.
Ngày 8/9, cơn bão số 3 ập đến đã cuốn anh Lý Phương Vang (46 tuổi, chồng chị Nhài) đi mất. 10 ngày sau, thi thể anh Vang được tìm thấy ven suối cách nhà khoảng 2km. Sau những đau đớn tột cùng, chị Nhài vẫn phải mạnh mẽ đứng lên, gồng gánh toàn bộ trách nhiệm gia đình, lo toan kinh tế, thay chồng phụng dưỡng bố mẹ và nuôi hai con ăn học.
Trong khoảnh khắc trân trọng đón nhận số tiền 52.189.000 đồng ủng hộ từ bạn đọc báo Dân trí, chị Nhài bật khóc nức nở, xúc động cảm ơn cộng đồng đã chung tay giúp đỡ gia đình chị trong lúc hoạn nạn.
"Khoản tiền này có giá trị rất lớn đối với gia đình. Mọi người đã cứu tôi khỏi bờ vực đau khổ, giúp tôi thêm động lực phụng dưỡng bố mẹ chồng và nuôi hai con ăn học", chị Nhài nói.
Nghĩ về tương lai của hai con và sức khỏe bố mẹ chồng đã ngoài 70, người phụ nữ mạnh mẽ đứng lên làm trụ cột gia đình. Chị nói, sự quan tâm của độc giả báo Dân trí đã giúp chị vơi bớt gánh nặng, bớt những đêm mất ngủ trằn trọc, để nhìn về ngày nắng dần lên sau bão lũ.
Trước đó, tại nhà văn hóa UBND xã Minh Xuân, báo Dân trí cũng đã trao bảng biểu trưng số tiền 91.972.114 đồng cho gia đình chị Hoàng Thị Ngọc Duyễn (24 tuổi, thôn Át Thượng, xã Minh Xuân) và trao 94.464.700 đồng cho gia đình chiến sĩ nghĩa vụ Hoàng Trọng Diệp (19 tuổi, cùng thôn Át Thượng).
Ông Nguyễn Thanh Đạo, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Minh Xuân bày tỏ: "Thay mặt địa phương, tôi xin cảm ơn độc giả báo Dân trí cùng các mạnh thường quân đã giúp đỡ người dân vơi bớt khó khăn, tái thiết cuộc sống sau thảm họa sạt lở ở thôn Át Thượng và Kéo Quạng".
Xã Minh Xuân (huyện Lục Yên) là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi). Mưa lũ kéo theo sạt lở đã vùi lấp hoàn toàn 8 ngôi nhà, khiến 10 người dân tại thôn Át Thượng và thôn Kéo Quạng tử vong.
Trên địa bàn xã, nhiều ngôi nhà sạt lở và hư hỏng, hàng trăm người dân phải di dời đến nơi an toàn. Hơn 60ha hoa màu ngập úng, người dân chịu nhiều thiệt hại về tài sản và gia súc, gia cầm...