Vì sao bảo tàng này thu hút hàng chục vạn khách, bảo tàng kia lại hiu hắt?
Gần đây, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội), ngay khi mới mở cửa, đã nhanh chóng trở thành một điểm đến yêu thích của đông đảo người dân. Dịp cuối tuần vừa rồi, dù thời tiết nắng nóng, hanh khô nhưng hàng vạn người dân từ khắp nơi đã ùn ùn đổ về tham quan Bảo tàng này, khiến giao thông nhiều thời điểm ùn tắc.
Dễ dàng nhận thấy số lượng bảo tàng ở Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn khá nhiều, nhưng số nổi bật về sức thu hút lại khá khiêm tốn, có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay như Bảo tàng Dân tộc học tại Hà Nội hay Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tại TPHCM. Hai bảo tàng này là những nơi thu hút hơn một triệu lượt khách tham quan mỗi năm; phần lớn các bảo tàng còn lại thường rơi vào tình trạng vắng vẻ.
Theo quan sát của tôi, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là sự hạn chế trong thiết kế kiến trúc và cách tổ chức nội dung của các bảo tàng. Nhiều bảo tàng vẫn duy trì hình thức của những "hộp kính trưng bày" khô khan, với các phòng trưng bày tĩnh lặng, thiếu sức sống, chủ yếu được bố trí theo dạng hành lang trong các không gian được cải tạo hoặc tận dụng từ các công trình khác.
Khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng kỳ vọng nhiều hơn từ các bảo tàng hiện nay. Họ mong muốn có những trải nghiệm mới mẻ, được tương tác và khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa theo cách sinh động và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng phần lớn các bảo tàng tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng được những kỳ vọng này.
"Sức sống" của một bảo tàng có lẽ nói lên mức độ quan tâm và sự đầu tư của cơ quan quản lý cũng như cấp có thẩm quyền ở địa phương. Nhiều bảo tàng ở các địa phương không có đủ ngân sách để nâng cấp cơ sở vật chất hoặc đổi mới nội dung. Các cơ sở này hoạt động cầm chừng, với cách tổ chức sơ sài và gần như không có sự thay đổi trong nhiều năm.
Thực tế này là có thể hiểu được. Ngân sách dành cho bảo tàng thường bị coi là khoản đầu tư không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp, do đó, hiếm khi được ưu tiên. Hệ quả là một vòng luẩn quẩn: Thiếu đầu tư khiến sức hút giảm sút, ít khách tham quan dẫn đến ngân sách bị cắt giảm, và các bảo tàng tiếp tục rơi vào quên lãng.
Khi được quan tâm đầu tư thì một bảo tàng có thể không cần xây mới mà cải tạo từ công trình cũ cũng có thể trở nên nổi bật. Một ví dụ điển hình về bảo tàng cải tạo từ công trình cũ là bảo tàng Tate Modern ở London. Trước khi trở thành bảo tàng nghệ thuật đương đại nổi tiếng, tòa nhà này là một nhà máy điện cũ được thiết kế bởi kiến trúc sư Sir Giles Gilbert Scott. Với sự cải tạo của Herzog & de Meuron, không gian công nghiệp rộng lớn của nhà máy đã được biến thành một không gian bảo tàng hiện đại, giữ lại các đặc trưng như tường gạch thô và cửa sổ cao, đồng thời bổ sung các yếu tố mới như không gian triển lãm rộng mở và cầu thang kính. Bảo tàng Tate Modern không chỉ tôn vinh lịch sử công trình mà còn tạo ra một không gian phù hợp với xu hướng nghệ thuật đương đại, thu hút lượng lớn du khách quốc tế.
Ngoài yếu tố kiến trúc và nội dung trưng bày, việc thiếu ứng dụng công nghệ cũng là một điểm yếu lớn. Trong khi thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trở nên phổ biến trên thế giới, các bảo tàng quốc tế đã sử dụng những công nghệ này để tạo ra trải nghiệm tương tác và sinh động. Ví dụ, Bảo tàng Lịch sử Singapore sử dụng công nghệ kết hợp máy chiếu và màn hình cảm ứng để đưa khách tham quan quay trở lại thời kỳ thuộc địa. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các màn hình tương tác hay ứng dụng công nghệ vẫn còn rất hiếm. Điều này không chỉ làm giảm sự hấp dẫn mà còn khiến các bảo tàng trở nên lạc hậu so với xu hướng phát triển công nghệ hiện đại.
Một bảo tàng hiện đại không chỉ thu hút khách tham quan mà còn cần đảm bảo khả năng tiếp cận cho mọi đối tượng, đặc biệt là người cao tuổi và người khuyết tật.
Hiện nay, phần lớn bảo tàng tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc hỗ trợ nhóm khách này. Các lối đi thường thiếu đường dốc hoặc thang máy đủ rộng cho xe lăn, khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, không gian bảo tàng cũng thiếu các khu vực nghỉ chân dọc hành lang hoặc trong phòng trưng bày, gây bất tiện cho người khuyết tật, trẻ em và đặc biệt là người cao tuổi. Ngay cả các bảng thông tin cũng chưa thân thiện, với chữ quá nhỏ hoặc không có hỗ trợ ngôn ngữ ký hiệu và bản đồ chữ nổi dành cho người khiếm thị.
Để trở nên thân thiện hơn, bảo tàng cần được thiết kế với lối đi không rào cản, tích hợp thang máy, đường dốc, khu vực nghỉ ngơi, và cải thiện cách trình bày thông tin để đảm bảo mọi người đều cảm thấy được chào đón và thoải mái khi tham quan. Đây không chỉ là sự cải tiến về thiết kế mà còn là bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vai trò giáo dục và phục vụ cộng đồng của bảo tàng.
Không gian ăn uống trong bảo tàng không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của khách tham quan mà còn có thể trở thành điểm nhấn, góp phần nâng cao trải nghiệm và tạo nguồn thu bền vững. Việc bố trí khu ăn uống tại đầu và cuối hành trình tham quan là một giải pháp hiệu quả. Ở điểm đầu, các quán cà phê nhỏ gọn hoặc khu vực ăn nhẹ có thể chào đón khách, tạo cảm giác thân thiện và mời gọi. Trong khi đó, tại điểm cuối, một khu vực ăn uống rộng rãi, kết hợp với cửa hàng bán đồ lưu niệm, sẽ là nơi khách dừng chân nghỉ ngơi, đồng thời tìm kiếm những kỷ vật gắn liền với trải nghiệm của họ tại bảo tàng.
Thay vì chỉ dựa vào nguồn thu từ vé vào cổng, mô hình vừa nêu không chỉ làm tăng tính thân thiện mà còn khuyến khích khách tham quan ở lại lâu hơn và gắn bó hơn với bảo tàng. Đây không chỉ là giải pháp về kinh tế mà còn là cách để bảo tàng thể hiện vai trò gắn kết cộng đồng trong một không gian cởi mở và sáng tạo.
Hệ thống đặt vé online cho bảo tàng sử dụng QR và ví điện tử mang lại nhiều tiện lợi cho du khách, từ việc đặt vé và thanh toán trực tuyến cho đến việc sử dụng mã QR để vào cửa mà không cần xếp hàng. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí in ấn vé giấy và bảo vệ sức khỏe thông qua thanh toán không tiếp xúc. Hệ thống cũng hỗ trợ dễ dàng quản lý số lượng vé, cung cấp các dịch vụ bổ sung, và thu thập dữ liệu để cải thiện trải nghiệm khách hàng. Tính linh hoạt của hệ thống còn cho phép du khách thay đổi hoặc hoàn vé một cách thuận tiện.
Ngoài ra, bảo tàng cũng cần tích hợp nhiều không gian chức năng hơn, chẳng hạn như khu vực tổ chức hội thảo, hay các khu vực chụp hình lưu niệm được thiết kế sáng tạo. Những yếu tố này không chỉ thu hút khách tham quan mà còn biến bảo tàng thành một phần trong đời sống hàng ngày của cộng đồng, thay vì chỉ là một nơi đến rồi đi.
Bảo tàng hiện đại cần tích hợp các khu vui chơi dành riêng cho trẻ em và các khu triển lãm tương tác nhằm tạo sự hấp dẫn và khuyến khích học hỏi. Những khu vực này không chỉ giúp trẻ nhỏ tiếp cận kiến thức một cách sinh động mà còn mang lại trải nghiệm mới mẻ cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, cần phân tách rõ ràng giữa các khu vực tương tác và khu triển lãm hiện vật nhằm bảo tồn tính trang trọng và nguyên vẹn của hiện vật lịch sử.
Bảo tàng nên được định vị như một điểm đến đầu tiên dành cho du khách khi đến Việt Nam, nơi họ có thể bắt đầu hành trình khám phá văn hóa, lịch sử và con người đất nước. Một bảo tàng với thiết kế hiện đại, trưng bày sáng tạo và dịch vụ thân thiện sẽ để lại ấn tượng sâu sắc, đồng thời giúp khách du lịch hiểu hơn về bối cảnh văn hóa mà họ sắp trải nghiệm.
Và tất nhiên, không chỉ dành cho du khách, bảo tàng cũng có thể trở thành điểm đến cuối tuần lành mạnh và ý nghĩa cho giới trẻ, người lớn tuổi, và các gia đình. Những chương trình như triển lãm tương tác, hội thảo nghệ thuật, hay không gian thư giãn ngoài trời sẽ giúp bảo tàng phục vụ đa dạng các đối tượng và trở thành một phần của đời sống thường nhật.
Tác giả: Trình Phương Quân (Kiến trúc sư) tốt nghiệp thạc sĩ ngành kỹ thuật xây dựng và môi trường tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Trước đó, Quân theo học ngành thiết kế bền vững tại Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Kiến trúc TPHCM. Quân tham gia thiết kế kiến trúc, quy hoạch, đồng thời là tác giả cộng tác với nhiều tờ báo, tập trung vào các chủ đề về môi trường, thiết kế và văn hóa.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!