Valentine chỉ là "ngày tốn tiền"?
Ngày lễ tình nhân - Valentine vào Việt Nam có lẽ là theo những người lính Mỹ tại các thành phố phía Nam trước năm 1975. Nhưng nó chỉ thực sự phổ biến và thành "ngày đặc biệt" khoảng 20 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của Internet.
Tôi nhớ những năm 2000, trên tờ báo Hoa Học Trò của chúng tôi hồi đó, những câu chuyện, hình ảnh về Valentine bắt đầu tràn ngập từ chính các bài viết của độc giả, những cô bé, cậu bé teen ngày ấy. Năm 2000, tôi và vài cậu bạn chung tiền mở một cửa hàng lưu niệm ở ngõ 295 Bạch Mai (Hà Nội), ngày Valentine chúng tôi đã đạt doanh số gấp 3 lần số tiền đầu tư ban đầu.
Những năm đó, Valentine thuộc về giới trẻ thành thị nhiều hơn. Còn bây giờ, Valentine thực sự đã thành ngày lễ khắp mọi miền. Khi mà trên tivi, báo, đài, mạng xã hội người ta ra rả nói về Valentine. Về mức độ phổ biến của nó, tôi tin rằng chỉ đứng sau lễ Giáng sinh và 20/10, 8/3 - những ngày thị trường quà tặng và nhà hàng ăn uống bùng nổ.
Thậm chí, vào các trường tiểu học ngày này, bạn hỏi bất cứ đứa trẻ con nào chúng cũng đều biết 14/2 là ngày Valentine. Mức độ phổ biến của ngày Valentine mạnh đến mức, ngày này, trên mạng xã hội, những bức ảnh các cụ ông 70, cụ bà 80 được tặng hoa, tặng chocolate nhiều dần lên.
Việc Valentine ngày càng phổ biến có lẽ công đầu phải thuộc về truyền thông và tiếp thị. Một báo cáo của trang tài chính cá nhân The Blance cho biết, năm 2022, khi cả thế giới vẫn đang trong đại dịch Covid-19, người Mỹ đã chi tiêu đến 24 tỷ USD cho ngày này. Theo liên đoàn bán lẻ quốc gia của Mỹ, mỗi người dân Mỹ đã chi tiêu 175 USD cho ngày này, cao hơn mức 165 USD của cùng kỳ năm trước. Ở Việt Nam, đương nhiên, doanh số ngày Valentine cũng cao hơn ngày thường với những ngành hàng liên quan. Giai đoạn 2013-2019, khi tôi còn kinh doanh nhà hàng, hệ thống nhà hàng của tôi những ngày Valentine đều đông nghẹt khách đôi và khách gia đình.
Nhưng nói vậy không có nghĩa Valentine chỉ là cơ hội kinh doanh. Dù nhiều người tự cho rằng mình tỉnh táo, lý trí đã từ chối ngày Valentine trong hệ thống lịch ngày lễ của họ. Cũng như các nước châu Á khác, Valentine khi du nhập vào mỗi quốc gia, nó đều tự "biến hình" để phù hợp với văn hóa của quốc gia đó. Việt Nam cũng vậy, Valentine không phải là ngày lễ thánh với mọi người, nó đã mang nhiều ý nghĩa khác. Như:
- Là ngày để thể hiện tình yêu
- Là dịp để hâm nóng tình cảm với người yêu - bạn đời
- Là ngày lãng mạn nhất trong năm
- Là dịp để không chỉ tình nhân mà còn cả bạn bè đi ăn uống, gặp gỡ nhau. Đặc biệt là với hội độc thân cùng đang không có người yêu.
Phải chăng nhu cầu yêu và được yêu mới chính là lý do khiến Valentine trở nên phổ biến như vậy, tôi nghĩ thế!
Việc có một ngày gọi là Ngày lễ tình yêu trở nên ý nghĩa hơn trong hệ thống lịch ngày lễ của người Việt, vốn cũng có rất nhiều ngày lễ được du nhập từ nước ngoài vào. Bên cạnh những ngày lễ thuần Việt như 20/10, 20/11, 2/9, giỗ Tổ 10/3 Âm lịch, 30/4 - 1/5… thì những ngày lễ quốc tế - toàn cầu cũng chiếm chỗ đứng như Giáng sinh, Ngày của mẹ, Halloween… Đó thực sự là một tín hiệu đáng mừng chứ không phải và không đáng bị kỳ thị chỉ vì nó là văn hóa ngoại lai.
Bởi dù sao những ngày lễ đó là dịp để chúng ta có cơ hội và thêm lý do quan tâm đến nhau hơn, đặc biệt trong thời công nghệ, internet như hiện nay. Đừng chỉ nghĩ đó là những "ngày tốn tiền", bởi tặng quà nhau cũng là một trong năm ngôn ngữ tình yêu mà tiến sỹ, diễn giả, tác giả Gary Chapman đưa ra từ năm 1992. Nếu bạn không tặng quà thì một lời chúc mừng hay một cử chỉ quan tâm như nấu bữa tối, dọn dẹp nhà cửa, rửa chén bát… cũng đều rất đáng làm.
Tôi vẫn nghĩ rằng 14/2 thực sự là một ngày nên được chấp nhận và sử dụng nhiều hơn ở Việt Nam. Valentine mang màu sắc Việt Nam. Là ngày mà không chỉ cánh đàn ông, con trai mua quà tặng chị em như ngày 20/10 hay 8/3, mà là để những người yêu nhau hãy tặng nhau một món quà nho nhỏ. Như một lời biết ơn và ghi nhận tình yêu, người mình nhất mực thương yêu. Như những người chồng, người vợ nhớ ra rằng hôn nhân không phải "mồ chôn" tình yêu như người ta hay nói. Như cả những cặp đôi đang yêu càng phải tặng quà nhau, nói lời chúc mừng tình yêu. Như một lời cam kết đúng ngày phải nói ra với nhau vậy.
Và nhiều hơn nữa, tôi cũng muốn ngày 14/2 thành ngày của tình yêu không phân biệt tình trạng kinh tế, vùng miền hay kể cả giới tính, độ tuổi. Những người già có thể nhớ lại hồi ức về thanh xuân của mình qua tình yêu. Những người trẻ sẽ học cách yêu nhau văn minh hơn, chân thành hơn, bền vững hơn. Cả những đứa trẻ con nữa, cũng cần học cách yêu thương không chỉ là giữa nam với nữ, giữa bản thân với một con người cụ thể nào đó. Mà còn là tình yêu lớn.
Như cái cách tôi hứa với 3 đứa nhỏ nhà mình ngay từ hồi chúng còn bé xíu. Rằng bố sẽ tặng quà Valentine cho 3 đứa cho đến khi các con được nhận quà Valentine từ một chàng trai, cô gái nào khác. Tôi muốn chúng hiểu ý nghĩa của ngày Valentine là dịp của tỏ bày tình yêu. Là những đứa con sẽ học được hạnh phúc từ ngày Valentine của bố mẹ. Khi mỗi đứa trẻ đều học được ý nghĩa yêu thương thông qua ngày 14/2, chúng sẽ bớt trở nên bạo lực, không còn sự kỳ thị hay phân biệt đối xử. Tình yêu luôn có phép nhiệm màu giúp con người trở nên gắn kết với nhau hơn vậy, nương nhẹ với nhau hơn vậy, tha thứ và bao dung, rộng lòng với nhau hơn vậy.
Valentine là cách chúng ta nói với nhau nhiều hơn về tình yêu thay vì những câu chuyện kiểu "cháy phòng nhà nghỉ dịp Valentine" hay nói về giá cả tăng gấp 3, 4 lần của hoa hồng, chocolate hay những nhà hàng không còn chỗ trống. Bởi tôi tin rằng những ai có tình yêu thì sẽ không nhìn tình yêu bằng sự tính toán và những mỉa mai, châm biếm.
Cuối cùng, hôm nay là Valentine, bạn sẽ yêu chính bản thân mình hơn những ngày thường chứ? Sẽ nói lời yêu thương đến những người bạn thương yêu chứ? Sẽ hòa mình vào không khí tình yêu đang tràn ngập trên khắp phố phường và cả trên mạng xã hội chứ?
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!