Tâm điểm
Phạm Hoàng Phương

Từ chuyện "nhảy đèn giao thông" đến đô thị thông minh

Thời gian vừa qua dư luận quan tâm đến một số vụ việc "nhảy đèn giao thông" có thể do sự cố kỹ thuật hoặc con người can thiệp. Ví dụ, trong tháng 1 trên mạng xã hội lan truyền clip xe Audi đi đến đâu, đèn tín hiệu giao thông xanh đến đó ở TP Thủ Đức (TPHCM). Lực lượng chức năng đã vào cuộc, tuy nhiên có khó khăn trong quá trình làm rõ do chưa xác định được thời gian cụ thể. Không loại trừ trường hợp clip này bị cắt ghép, dàn dựng nhưng một số chuyên gia kỹ thuật hạ tầng giao thông cũng nhân đây đưa ra cảnh báo nguy cơ hệ thống đèn giao thông có thể bị chiếm quyền điều khiển từ xa.

Một vụ việc khác là tài xế công nghệ dù không được giao nhiệm vụ, nhưng đã dễ dàng đứng bấm đèn điều khiển giao thông ở giao lộ Võ Nguyên Giáp - Đỗ Xuân Hợp (TPHCM).

Từ chuyện nhảy đèn giao thông đến đô thị thông minh - 1

Người đàn ông tự ý bấm đèn giao thông (Nguồn: Mạng xã hội).

Trong bối cảnh TPHCM và nhiều đô thị lớn trên cả nước đang triển khai thử nghiệm đèn giao thông thông minh (có khả năng quét lưu lượng và tự động điều chỉnh tín hiệu) tại một số điểm ngã tư giao cắt, thì những sự việc trên đặt ra vấn đề cần chú trọng hơn đến bảo mật và an toàn hệ thống hạ tầng nền tảng kỹ thuật số của đô thị thông minh.

Tại Hoa Kỳ, cách đây nhiều năm, với sự cho phép của cơ quan quản lý đường bộ, các nhà nghiên cứu về khoa học máy tính Đại học Michigan do giáo sư J. Alex Halderman chủ trì đã thử nghiệm tấn công điều khiển vào gần 100 đèn giao thông kết nối mạng không dây. Nhóm nghiên cứu này phát hiện ra rằng, tại thời điểm đó, bất kỳ ai có máy tính có thể giao tiếp ở cùng tần số với sóng kết nối không dây của hệ thống đèn tín hiệu (trong trường hợp nghiên cứu là 5,8 GHz) đều có thể đột nhập vào hệ thống, nhất là khi toàn bộ hệ thống chỉ được mã hóa, bảo mật ở mức đơn giản.

Ba điểm yếu trong hệ thống đèn giao thông được chỉ ra là: kết nối không dây không được mã hóa; sử dụng tên người dùng và mật khẩu mặc định có thể dễ dàng dò xét; và cổng kết nối truy cập hệ thống điều khiển dễ bị tấn công. Sau khi truy cập vào bộ điều khiển trong hệ thống, nhóm nghiên cứu có thể dễ dàng chuyển tất cả đèn sang màu đỏ hoặc thay đổi thời gian chuyển tín hiệu đèn giao thông ở các giao lộ.

Các nhà nghiên cứu đặc biệt lưu ý rằng thử nghiệm của họ có ý nghĩa vượt ra ngoài đèn giao thông, bởi ngày càng có nhiều thiết bị công cộng như hệ thống cấp thoát nước, ô tô và thiết bị y tế được điều khiển tự động bằng công nghệ số và kết nối mạng. Do vậy, nếu không chú trọng công tác bảo mật và an toàn hệ thống thì có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng.

Hồi tháng 5/2023, Chính phủ Anh cũng đã nêu ra một số cảnh báo và hướng dẫn đảm bảo an ninh, an toàn trước nguy cơ bị tấn công đối với các hệ thống công nghệ số của đô thị thông minh. Hướng dẫn này là một phần của chiến lược an ninh mạng quốc gia Vương quốc Anh, trong bối cảnh các thành phố ngày càng tích hợp công nghệ kết nối và thiết bị Internet vạn vật (IoT) để xây dựng đô thị thông minh.

Cùng với đó, Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ (DSIT) của Vương quốc Anh đã ra mắt phiên bản đầu tiên của sổ tay hướng dẫn về cách bảo vệ "thành phố thông minh" khỏi các mối đe dọa từ môi trường mạng. Các kịch bản ví dụ trong sổ tay hướng dẫn này bao gồm việc hệ thống đèn giao thông bị đột nhập và tấn công để có thể gây ra tình trạng hỗn loạn trên đường, gây nguy hiểm đến tính mạng tài xế.

Hệ thống hạ tầng liên quan xe điện cũng cần được bảo vệ khi hacker (tin tặc) có thể thao túng bật tất cả các bộ sạc cùng một lúc dẫn đến quá tải, sập nguồn hệ thống cấp điện đô thị trên diện rộng…

Tại Việt Nam, quy định pháp luật đối với các hệ thống đèn tín hiệu giao thông đã quy định rõ lực lượng chuyên trách tham mưu, đề xuất, kiến nghị về chính sách quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ phù hợp với tổ chức, hạ tầng giao thông; vận hành, khai thác có hiệu quả các thiết bị của hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ, nghiên cứu áp dụng điều khiển giao thông thông minh. Như vậy chỉ có lực lượng chuyên trách mới được vận hành, khai thác hệ thống đèn tín hiệu giao thông, các cá nhân, tổ chức khác chỉ tham gia khi có ủy quyền, giao trách nhiệm rõ ràng.  

Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh xây dựng, phát triển các đô thị thông minh, đến hết năm 2023 đã có 48/63 tỉnh, thành phố triển khai đề án về nội dung này và hơn 40 địa phương triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh, gần 100 IOC cấp huyện, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục… Chúng ta cần lường trước các vấn đề về an ninh, an toàn hệ thống và có giải pháp hữu hiệu để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Trong đó, điểm mấu chốt là xây dựng nền tảng an ninh mạng phù hợp, thiết lập quy trình và văn hóa bảo mật vững chắc.

Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!