Tiềm ẩn mối nguy từ thói quen nhiều người Việt vẫn làm mỗi ngày
(Dân trí) - Phơi quần áo trong nhà có thể là giải pháp thuận tiện cho một số gia đình, nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe.
Do điều kiện diện tích sinh hoạt hạn chế, nhiều gia đình, đặc biệt là các hộ sinh sống tại khu dân cư đông đúc, chật chội, đã buộc phải chọn phương án phơi quần áo trong nhà thay vì ngoài trời. Nhưng ít ai biết rằng thói quen này có thể gây hại cho sức khỏe.
Việc phơi quần áo ở những khu vực kém thông gió là nguyên nhân chính làm tăng độ ẩm, cũng như hỗ trợ sự sinh sôi của nấm mốc. Mốc có thể xuất hiện dưới dạng những mảng màu đen hoặc xanh rêu trên tường, tạo ra mùi hôi khó chịu.
Nấm mốc: Mối nguy hiểm tiềm tàng cho sức khỏe
Mốc, hay nấm mốc, là tên gọi chung cho nhiều loài nấm sinh sản bằng bào tử. Khi hít phải một lượng bào tử lớn qua mũi, con người có thể gặp vấn đề hô hấp nghiêm trọng, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh về hô hấp như hen suyễn, xơ nang phổi hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Có nhiều loại nấm mốc khác nhau. Song, các loài phổ biến nhất, thường gây ra vấn đề về sức khỏe trong môi trường sống của con người, gồm penicillium và aspergillus. Người ta ước tính rằng, chúng ta luôn hít phải một lượng nhỏ bào tử từ những loại nấm này mỗi ngày.
Thông thường, hệ miễn dịch của con người sẽ loại bỏ các bào tử nấm khi chẳng may hít phải. Nhưng đối với những người có sức đề kháng kém, các bào tử sẽ lọt qua hệ thống phòng vệ, có thể phát triển trong phổi, gây nhiễm trùng.
Đối với bệnh nhân mắc chứng hen suyễn, bào tử nấm mốc có thể kích hoạt hệ miễn dịch, dẫn đến viêm đường hô hấp và khó thở nghiêm trọng.
Đáng chú ý, việc tiếp xúc với nấm mốc trong thời gian dài cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng ngay cả với những người không có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, bào tử nấm không chỉ gây viêm, mà còn có thể xâm nhập vào đường hô hấp và chặn quá trình lưu thông máu trong phổi. Lúc này, bào tử nảy mầm và hình thành các phần nhô ra giống như mạng nhện, gọi là sợi nấm.
Quá trình này tạo thành các lớp ngăn cản đường hô hấp, và làm hỏng các mô mỏng manh bên trong phổi.
Vào năm 2020, một bé trai sống ở Anh đã tử vong do tiếp xúc trực tiếp với bào tử nấm. Nguyên nhân là do độ ẩm và nấm mốc quá cao trong căn phòng.
Một yếu tố khác là biến đổi khí hậu cũng góp phần thúc đẩy tình trạng phát triển và kháng thuốc ở nấm mốc. Gần đây, người ta phát hiện ra rằng tiếp xúc với nhiệt độ cao giúp nấm mốc phát triển khả năng kháng các loại thuốc chống nấm thông thường.
Trong đó, nhiều loại nấm mốc như Aspergillus đang ngày càng kháng thuốc nhiều hơn, gây khó khăn trong điều trị.
Cách giảm thiểu nguy cơ phát triển nấm mốc trong nhà
Như đã đề cập, việc phơi quần áo trong nhà tưởng chừng là giải pháp thuận tiện nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, cần có những biện pháp phòng ngừa hợp lý để đảm bảo môi trường sống an toàn và lành mạnh.
Đối với các hộ gia đình, để giảm thiểu nguy cơ nấm mốc, cần tăng cường thông gió bằng cách mở cửa sổ hoặc sử dụng quạt thông gió nhằm giảm độ ẩm trong phòng.
Tuy nhiên, trong những ngày nồm ẩm, vốn dĩ là kiểu khí hậu đặc trưng của các tỉnh miền Bắc trong mùa xuân, lại cần lưu ý đóng kín cửa sổ để ngăn không khí ẩm lọt vào phòng.
Việc hạn chế phơi quần áo trong nhà cũng là một biện pháp quan trọng. Nếu bắt buộc phải phơi trong nhà, nên chọn khu vực thoáng khí. Đồng thời, cần vệ sinh nhà ở thường xuyên để loại bỏ nấm mốc ngay khi chúng vừa phát triển.
Bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng máy hút ẩm hoặc máy sưởi để giúp quần áo khô nhanh hơn và hạn chế sự tích tụ độ ẩm.