Tâm điểm
Vân Thiêng

Tinh gọn bộ máy: Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng

Cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này được xem là "cuộc cách mạng" khi tác động rất lớn đến cả hệ thống, nhằm tạo ra sự thay đổi về chất cho bộ máy lãnh đạo, điều hành đất nước.

Gọi là một cuộc cách mạng, bởi trong bối cảnh yêu cầu nhiệm vụ cao hơn, các điều kiện về vật chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý điều hành đã thay đổi theo hướng hiện đại, năng suất và chất lượng hơn, thì cơ cấu, hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị của chúng ta về cơ bản vẫn như nửa thế kỷ trước, với mô hình tổng thể cơ bản ổn định gồm 3 khối: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. 

Chỉ có điều là cơ cấu ấy ngày càng cồng kềnh, gây lãng phí (sử dụng đến 70% ngân sách), kìm hãm sự phát triển của đất nước do sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ; "lấn sân", cản trở, thậm chí "vô hiệu hóa" lẫn nhau; làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, phát sinh phiền nhiễu, hiệu lực, hiệu quả hoạt động không đáp ứng yêu cầu.

Tinh gọn bộ máy: Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng - 1

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 1/12 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bộ máy ấy cần phải thay đổi theo hướng tinh gọn về tổ chức và nhân lực, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bố trí đúng người đúng việc để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Phải gọi là một cuộc cách mạng, bởi đã đến lúc không thể trì hoãn được nữa. Đảng đã từng có nhiều chủ trương, nghị quyết về vấn đề này. Chúng ta từng triển khai thí điểm ở một số địa phương, bộ ngành, đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa tạo nên một sự thay đổi đáng kể nào. Càng hô hào giảm biên chế thì bộ máy lại càng phình ra.

Ví như tỉnh Lào Cai, năm 2018 từng nhập sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông Vận tải và Xây dựng, giảm được 4 lãnh đạo cấp sở, 9 lãnh đạo cấp phòng và nhiều công chức, viên chức. Nhưng rồi, cuối năm 2023, Lào Cai lại quay về "vạch xuất phát", 2 sở lại ra riêng.

Một tỉnh khác như Hà Giang, tháng 9/2018, thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức-Nội vụ; hợp nhất Thanh tra tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, thành Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, các cơ quan này đều đã được tái lập.

Ở phía Nam, tháng 11/2018, tỉnh Bạc Liêu cũng sáp nhập Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ, thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáp nhập với Sở Thông tin và Truyền thông thành Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch… nhưng cuối năm 2022, các sở này lại chia tách để trở về 4 sở cũ…

Vấn đề nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó theo tôi một trong những nguyên nhân là tâm lý "trông lên". Trung ương chưa làm, thì địa phương "dại gì mà làm trước", vừa vất vả, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi của anh em!

Cho nên, việc tinh gọn lần này tiến hành đồng bộ từ trên xuống, theo đúng phương châm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu". Trung ương đã tinh gọn thì không lý do gì địa phương chần chừ, đứng ngoài cuộc.

Đến cuối tháng 12, đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy các ban Đảng, Mặt trận đoàn thể; Chính phủ, Quốc hội cơ bản đã xong, với lộ trình, số lượng đơn vị cấp Ban, Bộ, Cục, Vụ, Viện phải sáp nhập, tinh giản đã được công bố trên các phương tiện truyền thông.

Ở địa phương, trên tinh thần không trông chờ cấp trên, không nhìn sang nhà bạn, các tỉnh, thành phố đều đã chủ động xây dựng đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy, giảm từ 15-20% đầu mối trong bộ máy. Mỗi tỉnh giảm bình quân 5- 7 Sở ngành và nhiều cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng- Mặt trận, đoàn thể; đồng thời giảm mạnh các tổ chức trung gian, các ban quản lý dự án, trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại tại các sở… nhằm tinh giản nhân sự, giảm tầng nấc, khắc phục tình trạng không rõ chức năng nhiệm vụ, chồng chéo trong quản lý điều hành…

Chỉ cần nêu ra đây một ví dụ như tỉnh Khánh Hòa, dự kiến sáp nhập, tinh giản 7 sở và 1 Ban quản lý dự án cấp tỉnh (giảm hơn 1/3 số cơ quan, đơn vị hành chính trực thuộc UBND tỉnh). Với khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị xã hội, tỉnh kết thúc hoạt động 16 cơ quan gồm các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Ban chỉ đạo; giải thể 2 đảng bộ là Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh... Đồng thời Khánh Hòa sẽ thực hiện hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Ban Dân vận Tỉnh ủy; nghiên cứu hợp nhất Đài Phát thanh Truyền hình Khánh Hòa với Báo Khánh Hòa…

Khánh Hòa làm được, tỉnh khác, tất cũng sẽ làm được, một khi tư tưởng đã thông, quyết tâm chính trị đã có và cơ hội đã chín muồi. Nhân lên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, số lượng đơn vị hành chính cấp ban, sở và đơn vị trực thuộc được tinh gọn sẽ lên đến hàng nghìn. Với phương châm "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng, tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng", cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã và đang chuyển động mạnh mẽ cả ở Trung ương và các địa phương.

Bước vào kỷ nguyên mới với bộ máy tinh gọn, chúng ta có điều kiện dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời hướng tới nền quản trị chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; môi trường sản xuất kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn… Thiết nghĩ đây là nền tảng quan trọng để đất nước vươn mình.

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!