"Gọn" càng phải "tinh"
Tinh gọn bộ máy là chủ trương rất đúng đắn và cấp thiết, là ưu tiên của cả hệ thống chính trị. Nhưng để chủ trương này đạt hiệu quả, còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết thật kỹ lưỡng và thấu đáo. Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh băn khoăn: "Tôi e là người tốt lại từ công sang tư, còn người không tốt, người trung bình thì ở lại". "Nếu không có chính sách tốt thì chúng ta không giữ được những cán bộ cần giữ và không ra được cán bộ cần chuyển sang lĩnh vực khác"…
Chuyện làm khu vực công hay tư khiến tôi nhớ đến câu chuyện về một doanh nhân có tên tuổi. Doanh nghiệp của ông cần tuyển nhiều lái xe chở hàng xuyên Bắc Nam. Câu hỏi tuyển dụng của ông bao giờ cũng là: "Anh đã gây tai nạn bao giờ chưa?" Nếu câu trả lời là "chưa", thì ứng viên còn phải qua các vòng kiểm tra sau. Còn nếu câu trả lời là "có", lập tức ứng viên được tiếp nhận, ký hợp đồng và giao xe ngay. Ông giải thích: "Cả xe và hàng giao vào tay lái xe thì mình phải tin họ. Người từng gây tai nạn, nhất là tai nạn nghiêm trọng sẽ luôn bị ám ảnh. Họ đã phải trả giá nên chắc chắn sẽ cẩn trọng, không dám sơ sẩy thêm lần nữa".
Tôi thử đặt ra tình huống, nếu một cơ quan nhà nước tuyển dụng vị trí lái xe, chắc chắn người đã từng gây tai nạn sẽ bị loại đầu tiên. Đương nhiên, cơ quan nhà nước phải có những nguyên tắc riêng, không thể giống với doanh nghiệp bên ngoài. Bằng cấp chuyên môn đầy đủ, chưa có khuyết điểm gì sẽ là điểm cộng để họ có thể được tuyển dụng. Đó là vì uy tín của cơ quan và cũng bảo đảm tiêu chí rõ ràng để phân loại cán bộ khi cần…
Thế nhưng, cơ quan nhà nước đã không còn là môi trường quá hấp dẫn. Làn sóng bỏ việc, nghỉ việc ở cơ quan nhà nước đã diễn ra trong những năm gần đây. Không chỉ những cán bộ cấp thấp, lương ít, môi trường làm việc hạn hẹp, khó khăn mới dứt áo ra đi mà nhiều cơ quan đã chứng kiến vụ trưởng, vụ phó, giám đốc sở… cũng sẵn sàng thôi làm nhà nước. Thường người ra đi là người làm được việc, nếu chưa dám nói là nhân tài thì cũng là người giàu kinh nghiệm, hiểu việc, hiểu người.
Cho nên tình trạng "chảy máu" nhân lực chất lượng hay "người tốt ra đi, người trung bình ở lại" là chuyện có thật ở nhiều nơi. Còn lý do để "rời công ra tư"? Ngoài chuyện lương thưởng cao hơn, thước đo hiệu quả công việc rõ hơn thì môi trường tư hấp dẫn còn vì nguyên tắc người dân được làm mọi việc pháp luật không cấm, còn công chức, viên chức chỉ được làm những việc pháp luật cho phép. Tất nhiên, khu vực tư không phải gì cũng tốt nhưng khoảng cách từ "không cấm" đến "cho phép" đủ để người có óc sáng tạo, không chịu sự gò bó của khuôn mẫu cứng nhắc phát huy và để lại dấu ấn rõ nét của mình.
Đơn cử, khi bệnh viện nhà nước thiếu thuốc và vật tư y tế trầm trọng vì ách tắc ở các thủ tục đấu thầu thì bệnh viện tư không hề thiếu thuốc, nhiều bệnh viện tư có tiềm lực còn đưa ra chính sách lương thưởng cao hơn hẳn để hút được các bác sĩ giỏi từ bệnh viện công ra làm việc. Năm trước, khi tham gia đoàn giám sát về thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, chúng tôi cũng thấy thực trạng trong khi trường công kêu khó đủ bề: giáo viên dạy các môn mới thiếu hụt, thiết bị giảng dạy chậm trang bị, tài liệu giáo dục địa phương không có cơ chế để in…, thì nhiều trường tư lại rất thảnh thơi vì cái gì cần là quyết mua, giáo viên thiếu thì quyết tuyển, không phải xin ai rồi lại vòng vo đổ cho cơ chế!
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với lộ trình và tiến độ rõ ràng cho từng đầu mối, việc tinh gọn bộ máy chắc chắn sẽ diễn ra rất nhanh chóng. Nhưng động chạm đến con người thì phải rất kỹ lưỡng, thấu tình, đạt lý, nhân văn thì kết quả mới trọn vẹn. Bộ Nội vụ đã khẳng định sẽ có chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội cho những trường hợp phải tinh giản vì sáp nhập, kết thúc nhiệm vụ, trường hợp phải rời chức vụ vì cái chung... Nhưng dù có vượt trội thế nào thì sự hy sinh của những người đang rất yêu công việc, tràn đầy năng lượng và ý tưởng cống hiến là khó để bù đắp. Nhiều người có hoàn cảnh riêng, hai vợ chồng cùng làm một cơ quan phải tinh gọn trong khi con nhỏ, phải nuôi bố mẹ già yếu… Ngoài việc được ghi nhận đã "hy sinh" vì cái chung thì điều cấp thiết hơn là những chính sách hỗ trợ trước mắt và lâu dài, sự chia sẻ để họ tìm việc mới.
Trở lại câu chuyện giữ chân nhân tài trong khu vực công, trong khi vẫn phát huy khu vực tư, cần một chiến lược đồng bộ với quyết tâm cao không kém gì việc tinh gọn bộ máy. Tất nhiên, phải chấp nhận có những người giỏi ra đi vì không còn chỗ, vì nguyện vọng cá nhân… nhưng không thể để đó là tình trạng phổ biến. Chọn người đứng đầu các cơ quan thật xứng tầm, mỗi cơ quan xác định rõ lĩnh vực ưu tiên, chuyên môn ưu tiên, trên cơ sở đó chọn nhân sự cụ thể. Phát huy tính tự giác, tự nguyện, "người về vì người ở", "người ở chia sẻ với người về", hạn chế tâm lý nặng nề. Lẽ thường, lãnh đạo cần quan tâm đến những đơn vị khó khăn nhất, những nơi hy sinh lợi ích nhiều nhất, để có phương hướng xử lý nhân văn, trách nhiệm.
Việc tạm dừng tuyển dụng, đề bạt chỉ là tình huống cấp bách, cần sớm tiếp tục khơi thông cơ chế tuyển người giỏi, tránh nguy cơ hụt hẫng thế hệ… Chủ trương đã rất đúng thì thực hiện phải chuẩn xác và hiệu quả. Điều quan trọng là sau sắp xếp, bộ máy thật sự "gọn" và "tinh", vận hành thông suốt, đặc biệt không có chuyện "người tốt ra đi, người trung bình ở lại". Chỉ như thế, người rời vị trí mới thấy nhẹ nhàng vì sự hy sinh của mình xứng đáng và có ý nghĩa!
Tác giả: Ông Đỗ Chí Nghĩa là PGS.TS chuyên ngành báo chí; từng có nhiều năm công tác tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Bên cạnh nghề giáo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cũng từng giữ chức Tổng biên tập Thời báo Doanh nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân. Hiện PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!