Tiết kiệm điện nhìn từ cơ cấu kinh tế
Tình trạng thiếu điện đã trở thành chủ đề nóng của mùa hè này. Vì đâu nên nỗi, tại sao lại thiếu điện, ngành điện kém ở đâu, gốc rễ của vấn đề là gì?
Để trả lời câu hỏi này tôi lần tìm số liệu của Tổ chức Năng lượng Quốc tế - IEA (International Energy Agency) về sản lượng điện tiêu thụ hàng năm từ năm 1990 đến nay của Việt Nam và các nước Đông Nam Á, một số nước châu Á cũng như một số nước có mức sống tương đương hoặc cao hơn Việt Nam để phân tích và so sánh.
Tôi nhận ra, có rất nhiều điều bất ngờ và đáng suy ngẫm.
Về sản lượng điện tiêu thụ cuối cùng (Electricity Final Consumption), trong 30 năm (1990-2020), Việt Nam đã có sự tăng trưởng cao nhất thế giới, cao đến kinh ngạc, không có bất cứ quốc gia nào ở bất cứ khu vực nào, ở bất cứ nhóm quốc gia nào có thể so sánh với Việt Nam.
Dưới đây là con số tăng trưởng về điện giai đoạn 1990-2020: Việt Nam tăng trưởng 3.387%; nhóm thứ 2 là Trung Quốc 1.181%, Bangladesh 1.496%; nhóm thứ 3 là Indonesia 810%, Malaysia 707%, Paraguay 564%; nhóm thứ 4 là Jordan 468%, Hàn Quốc 450%, Ấn Độ 446%, Thái Lan 382%, Ai Cập 315%, Philippines 311%; nhóm thứ 5 là Singapore 248%, Albania 267%, Brazil 148% (hầu hết nước Âu Mỹ hoặc tăng trưởng âm hoặc tăng trưởng dưới 50%).
Về giá trị tuyệt đối, số điện làm ra năm 2020 nhiều hơn so với năm 1990: Việt Nam chỉ thua Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Brazil, hơn Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Ai Cập, Bangladesh, Ba Lan, Rumania, Albania, Paraguay, Jordan.
Về điện tiêu thụ trên đầu người năm 2020, con số tại Việt Nam là 2.321 KWh, nhiều gấp 2,4 lần Indonesia (980 KWh), gấp 2,8 lần Philippines (839,7 KWh), gấp 2,5 lần Ấn Độ (928 KWh), gấp 4,7 lần Bangladesh (498 KWh), nhiều hơn cả các nước có GDP đầu người cao hơn Việt Nam như Ai Cập, Jordan, Paraguay, tương đương Albania.
Những con số trên nói lên rằng, trong 30 năm (1990-2020), ngành Điện Việt Nam đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ, tốt hơn rất nhiều các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng như các quốc gia cạnh tranh kinh tế với Việt Nam, có mức sống cao hơn Việt Nam. Không thể phủ nhận sự tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong hơn 30 năm qua có phần đóng góp rất lớn của ngành điện.
Như vậy EVN bị "đem lên bàn mổ xẻ" là do là ngành điện của chúng ta phát triển chưa đáp ứng kịp nhu cầu tăng trưởng kinh tế của đất nước, cũng như nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của người dân.
Thế nhưng có một điều rất đáng suy ngẫm.
Tôi thử tính tiêu chí: Cần bao nhiêu GWh điện để làm ra một triệu USD cho GDP quốc gia thì Việt Nam lại cần nhiều nhất (trong nhóm 18 quốc gia nghiên cứu), cũng có nghĩa là chúng ta dùng điện không hiệu quả nhất (Việt Nam cần 652,5 GWh, 17 nước còn lại chỉ cần có 151,8 GWh đến 543,8 GWh mà thôi).
Như vậy là việc dùng điện của Việt Nam chưa thật hợp lý, chưa thật hiệu quả. Tại sao chúng ta lại cần nhiều điện gấp 1,5 lần, gấp 2, gấp 3, thậm chí gấp 4 lần các quốc gia khác để làm ra một triệu USD cho GDP quốc gia?
Phải chăng vì cơ cấu kinh tế của chúng ta chưa hợp lý? Do chúng ta dùng quá nhiều điện cho các nhà máy sản xuất gia công của FDI? Do người dân dùng quá nhiều điện cho sinh hoạt, doanh nghiệp dùng quá nhiều điện cho quảng cáo (nhiều so với GDP đầu người)? Hay là do GDP quốc gia bị tính sót, tính thiếu, còn thực tế cao hơn?
Bởi vậy, phải chăng chúng ta nên xem xét lại cơ cấu kinh tế, bớt thu hút đầu tư FDI các dự án sản xuất gia công cần nhiều điện, nhưng có giá trị gia tăng thấp? Nếu làm như vậy thì có thể chúng ta không cần nhiều điện và không thiếu điện như hiện nay.
Tất nhiên, để giải bài toán đó không phải ngày một ngày hai mà cần phải thay đổi tư duy phát triển của các địa phương, cần chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế, khuyến khích sáng tạo và phát triển "xanh". Các ưu đãi nên tập trung nhiều hơn cho những ngành nghề, doanh nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao, ít tiêu thụ điện năng và bớt ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Tôi cũng thấy rằng, người tiêu dùng nhiều nơi nhiều lúc vẫn còn lãng phí, coi rằng việc tiết kiệm điện là việc của ai đó chứ không phải việc nhà mình.
Khi xã hội càng phát triển, nhu cầu tiện nghi trong đời sống lại càng nâng cao, nhìn vào đâu cũng đều thấy điện, từ thiết bị chiếu sáng, tivi, tủ lạnh, điều hòa, bếp nấu cho đến máy rửa bát, robot dọn nhà… Tuy nhiên, nhiều gia đình, nhiều văn phòng các doanh nghiệp vẫn còn dùng điện vô tội vạ: Điều hòa để chế độ thấp, bật xuyên ngày ngay cả khi không có người, thiết bị chiếu sáng, đèn trang trí, đèn led chăng khắp mọi nơi. Chúng ta không biết rằng, trong bối cảnh nguồn cung khó khăn, việc lãng phí điện như vậy là đang tước đoạt cơ hội dùng điện của những người dân nơi khác, những người thực sự cần điện cho nhu cầu thiết yếu.
Ý thức cộng đồng cần được xây dựng từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình, qua đó mới hình thành nên một xã hội văn minh. Đó cũng là nền tảng để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lành mạnh của thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai.
Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!