ChatToday: Thiếu điện, phải cắt điện luân phiên, ai chịu thiệt?

Văn Hưng

(Dân trí) - GS.TSKH Trần Đình Long cho rằng việc mất điện ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động xã hội. Sản xuất thì gặp nhiều khó khăn, trong khi tiêu dùng đối mặt với những bất cập trong sinh hoạt.

Chia sẻ tại ChatToday số ngày 16/6, GS.TSKH Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam, đánh giá cung ứng điện đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Việc mất điện ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động xã hội, từ sản xuất cho đến tiêu dùng.

Về nguyên nhân, ông Long cho rằng biến động của thời tiết, nắng nóng kéo dài đẩy nhiệt độ trung bình lên cao, nguồn nước ở các nhà máy thủy điện giảm thấp khiến khả năng phát điện sụt giảm. Bên cạnh đó, một số nhà máy nhiệt điện gặp sự cố, không thể vận hành bình thường…

GS.TSKH Trần Đình Long chia sẻ về câu chuyện thiếu điện tại ChatToday số ra ngày 16/6 (Video: Phạm Tiến - Minh Quang).

Trước thực trạng thiếu điện và phải cắt điện luân phiên, GS.TSKH Trần Đình Long nhìn nhận việc đảm bảo cung ứng điện có phần bị động. "Chúng ta đang dự đoán trước ở khu vực này, thời điểm này lượng điện tiêu thụ là bao nhiêu, rồi cố gắng đáp ứng nó", ông Long nói.

Tại một số nước có nền công nghiệp phát triển, họ chủ động điều khiển nhu cầu sử dụng điện ở mức hợp lý. Cụ thể, chính sách sẽ phân giao điện cho từng ngành theo tiềm năng, hoặc ưu tiên đối tượng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu khu vực ưu tiên không làm tốt sẽ bị hạn chế để đảm bảo cho bức tranh tổng thể.

Vị chuyên gia cũng ủng hộ việc nhập khẩu điện khi giá nhập khẩu rẻ hơn giá thành sản xuất trong nước, mà vẫn đảm bảo cung ứng điện.

Những ngày qua, miền Bắc có mưa lớn diện rộng. Ông Long phân tích đây là tín hiệu đáng mừng khi làm giảm bớt nắng nóng, kéo theo nhu cầu sử dụng điện giảm. Ngoài ra, lượng nước ở các hồ thủy điện lên cao, vượt qua mực nước chết. Khả năng phát điện của các nhà máy thủy điện sẽ dần được phục hồi.

GS.TSKH Trần Đình Long dự báo thời gian tới, tình hình cung ứng điện tại miền Bắc sẽ dễ thở hơn.