Sức mạnh "cư dân mạng" sau AFF CUP
Ở các cuộc bầu chọn những danh hiệu hay nhất AFF Cup 2024 đang được tổ chức trên trang web chính thức của giải đấu này, các cầu thủ Việt Nam đều nhận được tỷ lệ phiếu bầu áp đảo đối thủ. Chỉ một danh hiệu khả năng cao sẽ rơi khỏi tay các cầu thủ Việt Nam, đó là danh hiệu bàn thắng đẹp nhất: Supachok Sarachat (Thái Lan) đang dẫn đầu cuộc bầu chọn cho danh hiệu này.
Tất nhiên là các danh hiệu trên đều đến chủ yếu từ phiếu bầu online của người hâm mộ Việt Nam, mà chúng ta vẫn quen gọi là "cư dân mạng". Danh hiệu với Supachok Sarachat cũng là một cách cư dân mạng Việt Nam chơi khăm cầu thủ này.
Một tuần sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan ở trận chung kết lượt về AFF CUP, dư âm niềm vui vẫn còn xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội. Và "sức mạnh" của các cư dân mạng Việt Nam đã phần nào được thể hiện ở cuộc bầu chọn kể trên.
Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sức mạnh trên môi trường Internet của người Việt là vào năm 2007, khi diễn ra cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới và trong danh sách đề cử có vịnh Hạ Long. Internet thời điểm đó chưa phát triển như bây giờ nên việc bình chọn trực tuyến không đơn giản, nhưng cư dân mạng Việt Nam vẫn tham gia rất nhiệt tình và đưa vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Kể từ đó, mỗi lần đại diện Việt Nam tham gia ở các đấu trường quốc tế có hạng mục bình chọn của khán giả, từ thi hoa hậu cho đến thi đấu thể thao, cư dân mạng người Việt lại cùng nhau tham gia bình chọn rất rôm rả.
Ở góc độ như nêu trên thì sức mạnh của cộng đồng mạng ít nhiều mang ý nghĩa tích cực. Song, sức mạnh của cộng đồng mạng như con dao hai lưỡi, nhiều khi kết thành làn sóng lớn biểu dương vẻ đẹp của sự đoàn kết, nhưng cũng có lúc lại mang đến những hình ảnh không được đẹp.
Chúng ta đã không ít lần chứng kiến câu chuyện về những người hâm mộ trên mạng, vì cay cú, sẵn sàng tràn vào trang cá nhân của cầu thủ đội bạn, của trọng tài để buông những lời xúc phạm, thậm chí hô hào nhau sử dụng "sức mạnh online" và nhân danh tình yêu thể thao để đẩy sự việc đi xa hơn, khiến "đối tượng" phải đóng trang cá nhân. Điều này đi ngược lại với tinh thần "Fair play - chơi đẹp" trong thể thao, hay nói cách khác là cách hành xử trên môi trường mạng của một bộ phận người Việt đã quá cực đoan, thiếu đi sự công bằng, tôn trọng đối thủ, luật lệ và các giá trị đạo đức. Cách hành xử đó đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp, văn minh và để lại những hình ảnh xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế.
Không phải tự nhiên mà Việt Nam nằm trong nhóm những nước có đông người dùng "nghiện" mạng xã hội nhất. Và chúng ta cũng từng bị xếp nằm trong nhóm các nước có chỉ số văn minh trên không gian mạng cao nhất thế giới (chỉ số càng cao, mức độ văn minh càng thấp).
Công bằng mà nói, những cá nhân cực đoan không đại diện cho số đông, cũng không đại diện cho người hâm mộ của bất cứ môn thể thao nào, nhưng "con sâu làm rầu nồi canh". Trên không gian mạng, bạn bè quốc tế đọc được những lời lẽ tiêu cực từ một bộ phận cư dân mạng sẽ không chỉ nghĩ "đó là một người tên X, tên Y", họ sẽ nghĩ đó là một người đến từ Việt Nam đang trút những bực dọc, giận dữ của mình.
Người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, luôn mở rộng cánh cửa với lòng hiếu khách để đón chào bè bạn trên toàn thế giới. Chúng ta không muốn chỉ vì một vài lời bình luận hay cách hành xử không hay - và không đại diện cho số đông - trên mạng xã hội mà làm cho hình ảnh của chúng ta trở nên méo mó.
Mạng xã hội là "quảng trường online" đối với người dùng, nơi những cá nhân dù là nhỏ bé nhất trong xã hội cũng có thể cất tiếng nói và cảm thấy tiếng nói của mình có giá trị. Khi những tiếng nói riêng lẻ cùng cộng hưởng, nó sẽ kết thành làn sóng còn lớn hơn nhiều lần - đó là những tiếng nói lên tiếng ủng hộ một người bị oan ức, chia sẻ tấm gương người tốt việc tốt, cùng nhau trợ giúp đồng bào gặp khó khăn, thiên tai…
Nhưng để sử dụng sức mạnh online của bản thân một cách hiệu quả, hãy luôn tự hỏi bản thân: Những điều chúng ta viết có đúng không? Những điều chúng ta chia sẻ có phải thông tin thật không? Chúng ta có đang sử dụng những ngôn ngữ gây hấn, giận dữ, văng tục không? Mục đích của những hoạt động trên mạng xã hội của chúng ta là gì, để chia sẻ những điều tốt đẹp hay góp phần gây kích động? Chúng ta có đang nhân danh một tập thể nào lớn hơn khi đưa ra những thông điệp trên mạng xã hội? Liệu những điều chúng ta đang làm có gây tổn thương tới một cá nhân, một tập thể, hay rộng hơn là cả một đất nước hay không?
Khi trao đổi với các bạn sinh viên về hate speech (ngôn ngữ thù địch) trên mạng xã hội, tôi thường nghe phản hồi rằng đây là vấn đề trừu tượng, lý thuyết. Trên thực tế, đây đều là những câu hỏi đơn giản mỗi người có thể dành ra vài phút để tự vấn bản thân trước khi vào không gian mạng. Chúng ta có đủ "tĩnh" để dừng lại và đánh giá việc mình làm hay không?
Tôi hiểu điều này không đơn giản. Theo nhiều nghiên cứu về truyền thông, tin giả và những tin kích động luôn có tốc độ lan truyền nhanh hơn trên Internet. Những nội dung mang tính kích động cũng dễ nhận được sự quan tâm của người dùng mạng xã hội với nhiều lượt tương tác, chia sẻ, bình luận. Và khi đang ở trong một trạng thái kích động, việc kiểm soát cảm xúc trở nên khó khăn hơn với nhiều người.
Đôi khi, việc lao vào đổ thêm những ngôn từ thù ghét là một cách nhiều người thể hiện việc mình là một phần của cộng đồng (in-group) với suy nghĩ "tất cả mọi người đang làm vậy, điều đó ắt hẳn là điều đúng. Tôi là một phần của cộng đồng, tôi cũng nên làm vậy".
Điều đơn giản nhất tôi nghĩ sẽ có ích cho mọi người là luôn chậm lại khi muốn làm bất cứ điều gì trên mạng xã hội. Lằn ranh giữa một sức mạnh tích cực và sức mạnh tiêu cực đôi khi quá đỗi mong manh và nếu không suy xét kỹ, chúng ta sẽ dễ "lỡ lời".
Như nhiều người Việt Nam, trong tôi luôn dâng lên một niềm xúc động khi thấy đồng bào kết nối những bàn tay vô hình để giúp nhau qua thời khắc khó khăn, bằng sức mạnh online - những câu chuyện tốt đẹp nhiều không kể xiết. Tôi chỉ mong rằng, chúng ta hãy dùng sức mạnh ấy một cách có trách nhiệm, không chỉ để giữ hình ảnh của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế mà quan trọng hơn, để phát huy những giá trị tốt đẹp của con người Việt: Sống với nhau bằng sự tử tế, nghĩa tình.
Tác giả: Bùi Minh Đức tốt nghiệp Thạc sĩ Truyền thông từ đại học Clark, Mỹ; hiện đang là quản lý truyền thông cho một công ty công nghệ đồng thời là giảng viên đại học. Anh cũng là tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách xuất bản tại Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!