Sông Tô Lịch bắt đầu hồi sinh
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngày 27/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành nhiều thời gian nói về hai vấn đề ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt là xử lý ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là sông Tô Lịch.
5 ngày sau cuộc làm việc này, lãnh đạo thành phố đã có chuyến thị sát tiến độ dự án xử lý nước thải Yên Xá - một dự án được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng ô nhiễm trên sông Tô Lịch.
Con sông vốn là điểm đen về môi trường tồn tại hàng chục năm nay giữa lòng Thủ đô. Vì vậy, những chuyển động nêu trên mang lại cho người dân Hà Nội niềm hy vọng về một giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nhằm làm sống lại sông Tô Lịch nói riêng và những dòng sông trong lòng thành phố nói chung.
Bản thân tôi quá nửa đời người ở Hà Nội thì có đến 4 năm sinh sống gần sông Tô Lịch. Mỗi ngày đi làm, đưa đón con đi học, phải đi dọc bờ sông từ Cầu Lủ đến Ngã Tư Sở, tôi từng hít thở cái mùi tanh nồng bốc lên từ dòng sông.
Sông Tô Lịch xanh trong ngày xưa là một phụ lưu của sông Hồng nối qua Hồ Tây, nhưng đã dần trở thành "dòng sông cụt" sau mấy lần sông Hồng đổi dòng. Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng mấy thập niên gần đây, Tô Lịch phải hứng toàn bộ nguồn nước thải sinh hoạt và sản xuất khoảng 150.000 m3/ngày đêm của người dân 6 quận huyện, kéo dài từ Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì…
Hồi sinh sông Tô Lịch là niềm mơ ước của hàng triệu người dân, là nỗi trăn trở bao năm của chính quyền thành phố về một Hà Nội văn minh, hiện đại với không gian xanh mát của những dòng sông. Nhưng, không chặn triệt để nguồn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, xả trực tiếp xuống lòng sông như lâu nay thì thật khó có thể làm sống lại sông Tô Lịch và các dòng sông đang trong tình trạng tương tự.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đã được xây dựng trong bối cảnh đó, với quy mô thu gom, xử lý nước thải trên phạm vi khoảng 4.874ha, gồm nhà máy công suất 270.000m3/ngày đêm và hệ thống cống thu gom nước thải, cống bao, hệ thống cống đấu nối dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ, quận Hà Đông và các khu đô thị mới. Tổng chiều dài cống các loại khoảng 41,362km, đường kính từ 400mm-2.400mm.
Sau thời gian dài chậm tiến độ, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu vận hành thử từ sáng 1/12. Những khối nước thải được xử lý từ nhà máy đã bắt đầu chảy lại vào sông Tô Lịch, hứa hẹn sẽ góp phần cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ.
Nói "góp phần" là bởi với chiều dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, hiện vẫn còn 32 trong tổng số 151 họng cống xả thải trực tiếp ra sông Tô Lịch (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường giao Láng Hạ) chưa được đấu nối vào hệ thống thu gom chung, vì thuộc dự án khác. Hơn nữa, cho dù khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoạt động hết công suất, thì lượng nước đổ ra sông Tô Lịch mỗi ngày cũng không đủ sức tạo thành dòng chảy để có thể rửa sạch lòng sông.
Vì vậy, sông Tô Lịch vẫn cần thêm một nguồn nước trợ lực đủ mạnh nữa.
Nhiều người Hà Nội hẳn chưa quên, hồi đầu tháng 7 năm nay, sông Tô Lịch đã có một ngày xanh trong, khi có nguồn nước từ Hồ Tây đổ vào. Dù chỉ là một ngày xanh, dù chỉ là một đoạn so với chiều dài cả dòng sông gần 14km, song khoảng thời gian xanh trong ngắn ngủi ấy cũng đủ gợi lên bao suy nghĩ về một cách làm sạch sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng.
Phương án này cũng đã từng được tính đến từ mấy năm trước, song vì nhiều lý do, mà từ bấy đến nay, vẫn chưa triển khai. Nhưng giờ thì nút thắt ấy đã được mở. Sau khi thị sát, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã quyết định triển khai khẩn cấp dự án đưa nước từ sông Hồng bằng hệ thống đường ống ngầm xuyên qua Hồ Tây, cấp nước cho sông Tô Lịch. Thời gian chuẩn bị và triển khai chỉ trong 9 tháng, chốt lịch đúng dịp Quốc khánh 2/9/2025 phải xong.
Như vậy, cùng với việc đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, kết hợp với đẩy nhanh tiến độ dự án bổ sung nguồn nước đủ mạnh từ sông Hồng vào để tạo dòng chảy liên tục, người dân thủ đô có thể kỳ vọng một ngày không xa, sông Tô Lịch sẽ sống trở lại với màu nước xanh trong. Càng vui hơn khi Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, cứu các dòng sông chảy qua nội đô.
Những người đứng đầu thành phố Hà Nội đã "bắt được bệnh, đã bốc được thuốc". Vấn đề còn lại là quá trình thực thi, hy vọng cũng sẽ được triển khai một cách quyết liệt, rốt ráo. Để một ngày không xa người dân Thủ đô và du khách sẽ tìm đến sông Tô Lịch chứ không phải tìm cách tránh xa con sông này.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!