Tâm điểm
Phạm Tâm Long

Những yêu cầu cao với vùng phát thải thấp ở Hà Nội

Trên khắp thế giới, các phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí. Tại Nhật Bản nơi tôi đang làm việc, nhiều người không biết rằng vùng phát thải thấp (LEZ) lớn nhất thế giới chính là vùng Thủ đô Tokyo (Greater Tokyo Area). LEZ đã được thí điểm và ban hành rất sớm từ tháng 10/2003 tại 4 tỉnh thành bao gồm thủ đô Tokyo, Saitama, Kanagawa và Chiba. Những phương tiện sử dụng dầu Diesel gây ô nhiễm hạt PM10 (hạt bụi mịn có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet) bị cấm di chuyển tại các vùng chỉ định.

Với hơn 40 triệu người sinh sống, chiếm khoảng 1/3 dân số Nhật, sự thành công của mô hình LEZ tại Nhật đã gây ấn tượng mạnh cho nhiều nhà nghiên cứu, bởi dân số cao nhưng lượng phát thải thấp.

Những lợi ích của mô hình vùng phát thải thấp không chỉ dừng lại ở giảm thiểu ô nhiễm. Một báo cáo gần đây của các nhà khoa học Nhật Bản và Australia kết luận việc triển khai LEZ sớm gián tiếp đóng vai trò lớn tới sức khỏe của trẻ sơ sinh tại vùng Thủ đô Tokyo.

Những yêu cầu cao với vùng phát thải thấp ở Hà Nội - 1

Thiếu kết nối giao thông công cộng dẫn đến tình trạng nhiều người dân phải sử dụng xe máy để di chuyển (Ảnh minh họa: Mạnh Quân)

Với nhiều lợi ích, kế hoạch triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội, đặc biệt tại khu vực quận Hoàn Kiếm, thể hiện nỗ lực lớn và đáng hoan nghênh của chính quyền thành phố trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng sống của người dân. Vấn đề hiện nay là các bước triển khai như thế nào để đảm bảo tính khả thi của mô hình này.  

Tại các nước phát triển như Đức, Anh hay Hà Lan, mô hình LEZ đã được áp dụng thành công nhờ vào cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, ý thức bảo vệ môi trường cao của người dân và sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ chính phủ.

Ngược lại, các nước đang phát triển như Ấn Độ, Philippines hay Indonesia gặp nhiều thách thức. Lý do chính là cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, người dân phụ thuộc nhiều vào phương tiện cá nhân và sự chênh lệch giàu nghèo lớn. Tại Manila (Philippines), việc cấm xe cũ theo lộ trình và từng loại xe cụ thể vào khu trung tâm thành phố từng gây ra nhiều phản ứng trái chiều, khi người thu nhập thấp không đủ khả năng nâng cấp phương tiện, tuy nhiên chính quyền thành phố vẫn triển khai và đã thu được những kết quả ban đầu.

Thủ đô Jakarta (Indonesia) và Hà Nội có nhiều điểm tương đồng về mật độ dân số cao, giao thông phức tạp và mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Vì vậy, những kinh nghiệm từ Jakarta có thể giúp Hà Nội dự đoán trước những khó khăn và điều chỉnh chiến lược phù hợp. Một lợi ích lớn khi áp dụng LEZ tại Jakarta là cải thiện chất lượng không khí. Sau khi thành phố này triển khai một số khu vực hạn chế phương tiện gây ô nhiễm, nồng độ bụi PM2.5 đã giảm khoảng 20% tại một số điểm.

Tương tự, Hà Nội cũng có thể kỳ vọng giảm thiểu mức độ ô nhiễm nếu thực hiện LEZ một cách hiệu quả. Cả hai thành phố đều có cơ hội chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh như xe điện và xe đạp, tạo bước tiến mới trong xây dựng các thành phố bền vững.

Một thực tế đã diễn ra ở Jakarta mà Hà Nội nên tham khảo, đó là thiếu kết nối giao thông công cộng đã dẫn đến tình trạng nhiều người vẫn phải sử dụng xe máy để di chuyển, gây áp lực lên các khu vực xung quanh LEZ. Hà Nội dự kiến thí điểm LEZ ở quận Hoàn Kiếm và chắc chắn sẽ đối mặt với tình trạng tương tự, khi người dân vẫn dùng các phương tiện giao thông khác nhau (bao gồm cả xe cũ, không đáp ứng yêu cầu khí thải) di chuyển quanh quận Hoàn Kiếm.

Jakarta cũng đã gặp khó khăn trong việc giám sát và thực thi các quy định LEZ do thiếu công nghệ và nhân lực, điều mà Hà Nội cần rút kinh nghiệm.

Hai điểm cốt lõi "trợ lực" cho kế hoạch triển khai LEZ ở Hà Nội là đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tuyến tàu điện trên cao, mở rộng mạng lưới xe buýt; và phương án hỗ trợ tài chính để người dân có thể chuyển đổi sang các phương tiện thân thiện với môi trường, chẳng hạn như cung cấp khoản vay ưu đãi hoặc trợ cấp để mua xe máy điện, xe đạp điện.

Ngoài ra, Hà Nội cần thực hiện các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc giảm phát thải và lợi ích lâu dài của LEZ đối với sức khỏe và môi trường.

Việc triển khai LEZ theo từng giai đoạn, bắt đầu với khu vực nhỏ và tăng dần phạm vi khi đã có đủ điều kiện, sẽ giúp người dân và các doanh nghiệp có thời gian thích nghi. Hợp tác quốc tế để học hỏi và nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các thành phố đã triển khai thành công LEZ, như London hay Singapore, cũng là một cách để Hà Nội tránh được những sai lầm và tối ưu hóa nguồn lực.

Việc sử dụng công nghệ như camera nhận diện biển số và cảm biến khí thải để giám sát phương tiện vào khu vực LEZ cũng là một giải pháp cần thiết giúp giảm thiểu chi phí quản lý.

Mô hình LEZ sẽ mang lại lợi ích lớn cho Hà Nội, nhưng để đạt được mục tiêu này đòi hỏi yêu cầu rất cao, từ sự đầu tư bài bản và chiến lược thực thi phù hợp, đến vốn đầu tư. Quan trọng hơn, sự đồng thuận cao của người dân và cam kết mạnh mẽ từ chính quyền sẽ là yếu tố then chốt đảm bảo thành công của LEZ tại Thủ đô.

Tác giả: Phạm Tâm Long là tiến sĩ về Phát triển bền vững trong Quản trị Kinh doanh tại Đại học Osaka, Nhật Bản; hiện là giảng viên tại Trường quản trị Quốc tế - Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản.

Lĩnh vực nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Tâm Long là các vấn đề về Quản trị bền vững trong doanh nghiệp và Quản lý các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!