1. Dòng sự kiện:
  2. Xưởng ma túy "khủng" ở Nha Trang
  3. Tài xế Lexus đánh shipper

Chủ tọa chúc mừng sinh nhật bị cáo vụ FLC: Hành động nhỏ mang ý nghĩa lớn

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo các luật sư, việc Thẩm phán, Chủ tọa phiên xét xử Trịnh Văn Quyết gửi lời chúc mừng sinh nhật bị cáo là cử chỉ, hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, thể hiện sự nhân văn của pháp luật.

Củng cố lòng tin vào sự công bằng, nhân đạo của tư pháp

Ngày 25/3, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Song do bị cáo Trịnh Văn Quyết mắc nhiều bệnh, sức khỏe yếu, nguy cơ tử vong cao; gia đình mong muốn có thêm thời gian để khắc phục triệt để hậu quả của vụ án, nên HĐXX phúc thẩm quyết định hoãn phiên tòa và sẽ mở lại vào tháng 6. 

Đáng chú ý, tại phần kiểm tra nhân thân, bị cáo Đỗ Như Tuấn, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros - Công ty Faros xác nhận ngày sinh 25/3 (trùng ngày diễn ra phiên phúc thẩm).

Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Võ Hồng Sơn nói: "Chúc mừng sinh nhật bị cáo".

Chủ tọa chúc mừng sinh nhật bị cáo vụ FLC: Hành động nhỏ mang ý nghĩa lớn - 1

Luật sư Nguyễn Thị Thúy, Công ty Luật TNHH Việt Phú Thịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 25/3 (Ảnh: Mạnh Hùng).

Là một trong những luật sư tham dự phiên tòa, luật sư Nguyễn Thị Thúy (Công ty Luật TNHH Việt Phú Thịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng việc thẩm phán gửi lời chúc mừng sinh nhật bị cáo đã thể hiện tính nhân văn, công tâm và tôn trọng nhân phẩm của Hội đồng xét xử đối với bị cáo, ngay cả trong bối cảnh xét xử một vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Theo luật sư Thúy, từ góc độ pháp lý và đạo lý, mọi bị cáo, dù đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vẫn là con người với đầy đủ các quyền nhân thân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trong đó có quyền được tôn trọng về danh dự, nhân phẩm.

"Việc chủ tọa chúc mừng sinh nhật bị cáo là cử chỉ mang tính biểu tượng và cảm xúc, thể hiện tòa án không nhìn bị cáo chỉ qua hành vi phạm tội mà vẫn nhìn họ như một con người với những giá trị cá nhân riêng biệt, với gia đình, với đời sống xã hội", luật sư Thúy nhấn mạnh.

Vị luật sư đánh giá, cử chỉ này còn là một biểu hiện rõ nét của tinh thần cải cách tư pháp, lấy con người làm trung tâm, đặt mục tiêu hướng thiện, giáo dục và cảm hóa người phạm tội song song với việc nghiêm minh áp dụng pháp luật.

Sự ứng xử đúng mực, có phần gần gũi và cảm thông từ phía Thẩm phán, Chủ tọa Võ Hồng Sơn không làm mất đi sự nghiêm trang của phiên tòa, mà trái lại còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào sự công bằng, nhân đạo của nền tư pháp.

Song để bảo đảm tính khách quan và tránh những hiểu lầm không đáng có trong dư luận, việc thể hiện tình cảm, dù là chính đáng và nhân văn, cũng cần được đặt trong giới hạn phù hợp với quy tắc ứng xử của người tiến hành tố tụng, bảo đảm sự liêm chính, chuẩn mực và uy nghiêm của tòa án.

Chủ tọa chúc mừng sinh nhật bị cáo vụ FLC: Hành động nhỏ mang ý nghĩa lớn - 2

Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: Minh Hùng).

Việc Thẩm phán Võ Hồng Sơn gửi lời chúc mừng sinh nhật bị cáo là một hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, thể hiện được sự nhân văn của HĐXX trong việc thực thi pháp luật - không chỉ xử lý hành vi vi phạm mà còn hướng đến phục hồi và giữ gìn phẩm giá con người, theo luật sư Thúy.

"Hành động tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại mang đến sự ấm áp, thấm đẫm nhân văn nơi công đường", luật sư Thúy chia sẻ.

Lời chúc mang đến sự thả lỏng hiếm hoi cho phiên tòa

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định pháp luật không cấm thẩm phán trong khi điều hành xét xử có lời chúc, động viên bị cáo,...

Việc Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Võ Hồng Sơn có lời chúc mừng sinh nhật đến bị cáo trong quá trình thẩm vấn lý lịch là một tình huống hiếm gặp và không phải thẩm phán nào cũng có thể bật ra luôn được lời chúc như vậy.

Là luật sư tham gia bào chữa trong vụ án, ông Giáp nhìn nhận, thời điểm đó phiên tòa đang diễn ra có tính chất trang nghiêm, căng thẳng nên lời chúc mừng sinh nhật khi đó có thể mang lại giây phút thoải mái, thả lỏng hiếm hoi cho những người tham gia phiên tòa.

Chủ tọa chúc mừng sinh nhật bị cáo vụ FLC: Hành động nhỏ mang ý nghĩa lớn - 3

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

"Lời chúc mừng sinh nhật tại phiên tòa cũng có thể xem như sự quan tâm cần thiết về mặt tinh thần từ phía người tiến hành tố tụng dành cho bị cáo. Là luật sư thường xuyên tham gia trong các vụ án hình sự, tôi thi thoảng gặp những tình huống HĐXX hướng mắt nhân văn, an ủi động viên cho phía bị cáo", luật sư Giáp chia sẻ.

Ông kể, quá trình tham gia bào chữa từng gặp trường hợp hi hữu là bị cáo N.K.L. sinh con trong trại tạm giam.

Khi ra tòa xét xử, bị cáo phải mang con cùng vì bé mới 2 tháng tuổi. Lúc đó cán bộ cảnh sát luôn ân cần, hỗ trợ bế cháu và chủ tọa có lời hỏi thăm sức khỏe của người mẹ, cháu bé đã thể hiện tính nhân văn.

"Những hành động này động viên phần nào đối với những người vi phạm, thể hiện sự nhân văn, nhân đạo nhưng cũng nghiêm minh của pháp luật", luật sư Giáp nói.

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2022, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.

Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 8/2024, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 21 năm tù đối với 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.

Cùng bị kết án về 2 tội danh này, Trịnh Thị Minh Huế bị tòa tuyên phạt 14 năm tù, Trịnh Thị Thúy Nga bị áp dụng 8 năm tù.

Ngoài ra, bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS là 1.364 tỷ đồng, phải truy nộp số tiền 500 tỷ đồng thao túng chứng khoán. Như vậy, tổng số tiền mà ông Quyết phải khắc phục là hơn 1.800 tỷ đồng.