Những vấn đề cần quan tâm về nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội là vấn đề luôn được quan tâm qua nhiều thời kỳ khác nhau. Trong lịch sử đô thị hóa, Hà Nội từng có một số mô hình nhà ở giá rẻ (bán và cho thuê). Điển hình là phong trào nhà Ánh Sáng do các kiến trúc sư Việt Nam tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương thực hiện tại bãi Phúc Xá và vận động mở rộng tới các khu vực đô thị và thôn quê (năm 1938-1939)
Năm 1942, Văn phòng Nhà ở giá rẻ và Công ty Nhà ở giá rẻ ra đời; một số dự án đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Thế chiến II lan rộng nên các dự án đều phải dừng lại. Trong bản đồ Quy hoạch Hà Nội công bố năm 1943 cho thấy một khu đất rộng hàng chục ha tô màu với chú thích "xây dựng nhà ở cho Công nhân Hỏa xa".
Khi chính quyền cách mạng tiếp quản Thủ đô (1954), nhiều khu nhà ở cho công nhân viên, quân đội, công an được xây dựng tại Hà Nội và các thành phố công nghiệp với quy mô thấp tầng đến cao tầng theo mô hình các nước XHCN.
Sau chiến tranh phá hoại (1965-1972) các khu nhà lắp ghép cao 5 tầng theo mô hình Sô-Viết được xây dựng quy mô lớn. Hà Nội cung cấp hàng triệu m2 nhà ở cho cán bộ, công nhân thuê giá rẻ. Điều đáng chú ý là với công cụ thô sơ, trình độ khoa học công nghệ hạn chế…, nhưng lúc đó phần lớn những người được nhận nhà do Nhà nước cấp hoặc cho thuê giá rẻ đều khá công bằng.
Sau hàng chục năm sử dụng, các ngôi nhà xây với chất lượng kém, tiện nghi tối thiểu đã hư hỏng, xuống cấp… Nhà nước bán cho những người ở thuê giá rẻ để họ tự quản lý. Năm 2003, Hà Nội lập kế hoạch cải tạo 1.500 chung cư cao tầng nguy hiểm nhất thành nhà cao tầng bán giá cao, đền bù lại cho chủ cũ căn hộ rộng hơn chất lượng tốt hơn… Tuy vậy cư dân chung cư cũ không mặn mà, nên sau 20 năm (2003-2023) chỉ có 15 dự án thực hiện, đạt 1%.
Điểm qua vài nét lịch sử xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp nói chung, cán bộ, công nhân nói riêng ở Hà Nội giai đoạn trước đây, thiết nghĩ hữu ích cho việc triển khai các dự án nhà ở xã hội hiện nay. Ít nhất hai vấn đề cần được quan tâm, đó là chất lượng kiến trúc, xây dựng của các dự án nhà ở xã hội và phân phối sao cho công bằng, vì nguồn cung có hạn trong khi nhu cầu rất lớn.
Với các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hiện nay, nếu chúng ta không quan tâm đúng mức đến chất lượng kiến trúc, xây dựng và hạ tầng dân sinh, không gian sống của người dân, thì chỉ 15-20 năm sau chính quyền đã phải tính đến việc giải quyết các khu nhà đó như thế nào, tương tự hiện nay Hà Nội đau đầu với bài toán chung cư cũ xuống cấp.
Gần đây Hà Nội công bố bán nhà ở xã hội của một dự án tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, nhiều người dân xếp hàng từ 2 giờ sáng để đăng ký. Điều đó phần nào cho thấy cách mua/bán nhà ở xã hội của chúng ta vẫn rất lạc hậu; không có hệ thống thông tin dữ liệu số hóa về đối tượng được mua nhà giá rẻ - tiềm tàng nguy cơ bất bình đẳng trong việc thực hiện chủ trương tốt đẹp này.
Khi nói đến nhà ở xã hội thì bên cạnh người thu nhập thấp đô thị, còn một nhóm đối tượng rất quan trọng là công nhân ở các khu công nghiệp. Theo thống kê của bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước có 1,7 triệu công nhân có nhu cầu nhà ở; tức là cần xây dựng ít nhất 700.000 căn hộ; trong khi hiện chỉ có 330.000 công nhân trong các khu công nghiệp có nhà ở giá rẻ tại chỗ, trên diện tích đất 250ha.
Nhìn chung trên thị trường bất động sản nhiều năm nay, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc trung - cao cấp, rất thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp bao gồm công nhân. Đơn cử, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương đi đầu trong công nghiệp hóa ở nước ta, sau 20 năm (2002-2023) dân số tăng gấp 3 lần (từ 0,9 triệu lên 2,7 triệu); hơn 50% là lao động nhập cư. Số liệu thống kê cho thấy 74% công nhân ở Bình Dương (khoảng 550.000 người) ở trong các phòng trọ do người dân tự xây, số còn lại mua hoặc thuê nhà ở xã hội, nhà ở do doanh nghiệp cung cấp.
Bình Dương đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2030 xây mới 84.000 nhà ở xã hội (48m2/căn), tạo chỗ ở cho 336.000 người, đầu tư khoảng 45.000 tỷ đồng. Cho dù nỗ lực trong 10 năm tới thì nhà nước và doanh nghiệp mới lo được 40%, còn 60% nhu cầu vẫn dựa vào nhà trọ do người dân địa phương xây cho thuê - tất nhiên là giá rẻ tới mức công nhân trả được.
Các hộ dân có đất, tiền đầu tư và vận hành nhà trọ, họ cũng tự dỡ đi khi không còn công nhân thuê nữa (do mất việc, thu nhập thấp)… Nhìn từ góc độ này, bên cạnh các dự án xây mới nhà ở xã hội, rõ ràng chúng ta cần quan tâm đến hệ thống nhà trọ, bởi đây cũng là nơi ăn ở của đa số công nhân tại địa phương.
Tín hiệu đáng mừng và được người dân quan tâm, đó là ngày 3/4 vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Chính phủ cũng đã đề xuất triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp.
Thiết nghĩ trong chương trình nhà ở xã hội lần này, nên bố trí một phần kinh phí hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng nhà trọ; đồng thời dùng vốn ngân sách hoặc xã hội hóa vào việc bổ sung hạ tầng xã hội: nhà trẻ, trường học, trạm y tế, công viên… xung quanh các khu nhà trọ này.
Bên cạnh nhóm công nhân có nhu cầu định cư lâu dài, một bộ phận đáng kể công nhân xác định "đi làm công ty" vài năm. Thu nhập của họ chỉ đủ sinh hoạt và tích lũy ở mức tối thiểu, ở quê họ đã có nhà ở ổn định rồi, vì vậy chắc chắn là nhu cầu có một căn hộ (giá rẻ cũng từ 200 triệu đồng trở lên) tại khu công nghiệp là không cao. Rõ ràng để hướng sự hỗ trợ đến nhóm công nhân này thì thiết thực nhất là hỗ trợ cải thiện chất lượng nhà trọ và hạ tầng xã hội xung quanh.
Tác giả: Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, là nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc và quy hoạch, xây dựng đô thị.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!