1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Gói 120.000 tỷ đồng "bơm" cho nhà ở xã hội được thực hiện như thế nào?

Trần Kháng

(Dân trí) - Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn thị trường.

Khẩn trương hoàn thiện đề án 1 triệu nhà ở xã hội

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là phát triển nhà ở xã hội.

Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở sửa đổi để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng, Chính phủ đã xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Gói 120.000 tỷ đồng bơm cho nhà ở xã hội được thực hiện như thế nào? - 1

Phát triển nhà ở là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để phát triển thị trường bất động sản bền vững (Ảnh minh họa: Trần Kháng).

Những vướng mắc cụ thể cần tháo gỡ gồm: Về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; về quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; về quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội...

Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể trong phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người có nhu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở có thể tiếp cận.

Xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.

Ngân hàng Nhà nước chủ trì

Để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng. Số tiền này tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030.

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước, chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank.

Gói tín dụng này cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng chương trình này.

Gói 120.000 tỷ đồng bơm cho nhà ở xã hội được thực hiện như thế nào? - 2

Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn)

Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng, phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi hơn lãi suất thị trường.

Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng này.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là liều thuốc bổ có giá trị đối với thị trường. Tuy nhiên, cần quy định rất cụ thể, trong đó quy định rõ đối tượng những nhóm được tiếp cận nguồn vốn này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, chủ trương đưa gói 120.000 tỷ đồng mà 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cam kết vào Nghị quyết là rất tốt. Gói hỗ trợ này là giải pháp ngắn hạn mà Chính phủ và các ngân hàng có thể thực hiện ngay để giúp đỡ thị trường.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, đối với gói 120.000 tỷ này lãi suất sẽ không cố định, nó chỉ thấp hơn lãi suất thị trường. Như vậy bài toán kinh doanh của doanh nghiệp cần lưu ý, nếu tập trung sang nhà ở xã hội rất cần chú ý bởi rất còn nhiều vấn đề phải xử lý để làm sao phát triển phân khúc này bền vững.