Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký: Thần tượng, nhìn từ cự ly gần
Ông là nhà văn, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký- người đã dùng đôi chân kỳ diệu để viết lên những kỳ tích cuộc đời. Tinh thần Nguyễn Ngọc Ký chắc chắn sẽ luôn còn mãi, cổ vũ những người trẻ của hôm nay, những người sống trong một thời đại đủ đầy về vật chất, nhưng đâu đó lại thiếu đi sức mạnh trong tinh thần. Những người rất nhiều khi cảm thấy hoang mang trống vắng, loay hoay tìm kiếm một tấm gương, một thần tượng để soi mình.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, như chúng ta đã biết, bị liệt cả đôi tay từ khi còn rất nhỏ. Nhưng bằng nghị lực phi thường, bằng trái tim quả cảm, bằng ý chí mạnh mẽ không gì lay chuyển, thầy đã tập luyện đôi chân để chúng có thể làm mọi việc thay đôi tay, để sống, lao động và cống hiến một đời vẻ vang cho sự nghiệp giáo dục, cho văn học.
Tôi có một may mắn lớn trong đời, được làm học trò của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, suốt những năm tuổi thơ. Thầy Nguyễn Ngọc Ký là thần tượng của tôi theo đúng nghĩa của từ này.
Ngay từ những năm đầu tiểu học, tôi đã được học về tấm gương vượt khó của thầy qua những bài giảng của thầy cô giáo trường làng, đã đọc về thầy qua cuốn hồi ký "Tôi đi học". Tôi vẫn luôn nghĩ thầy Nguyễn Ngọc Ký ở đâu đó rất xa, cho đến một ngày tôi thi đỗ vào trường Năng khiếu Hải Hậu (Nam Định)- ngôi trường mà thầy Nguyễn Ngọc Ký đã có nhiều năm tháng gắn bó.
Lần đầu nhìn thấy thầy Nguyễn Ngọc Ký thân thiện đón học sinh, tôi xúc động rưng rưng, cảm giác như gặp một người thầy bước ra từ cổ tích. Thật khó để tin rằng, thầy Ký ở đây và từ nay sẽ là thầy giáo dạy Văn của tôi, mà thầy lại giản dị, gần gũi, ân cần đến vậy.
Trường cách xa nhà nên lũ trẻ chúng tôi sẽ phải ở nội trú. Chúng tôi phải tự lo cho mình, tự rửa bát, giặt quần áo. Thầy Ký cũng có một căn phòng nhỏ tại trường, là nơi thầy soạn giáo án, nghỉ ngơi. Phòng ở của thầy gần sát phòng học của chúng tôi. Những tối đầu tiên xa nhà, một vài bạn nhớ mẹ nức nở khóc. Thầy Ký sang lớp, mang theo vài cuốn sách. Thầy đọc thơ, kể chuyện giúp bọn trẻ chúng tôi xua đi nỗi nhớ nhà. Chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn khi có thầy ở cạnh.
Trường nghèo, khu vệ sinh ở xa lớp học. Ban đêm muốn ra ngoài giải quyết "nhu cầu khó nói" đó, chúng tôi đứng bên này gọi thật to: "Thầy ơi, chúng con muốn đi vệ sinh". Thầy Ký trở dậy, mở cửa, đi ra sân trường, dẫn chúng tôi đi qua khu đất cỏ mọc rậm rì để đến nhà vệ sinh. Thầy đứng ngoài, nói vài câu vu vơ thật to cho chúng tôi đỡ sợ ma, rồi lại dẫn tụi trẻ về phòng, dặn dò khóa cửa, sau đó thầy mới trở về phòng của mình.
Thầy Ký đối với chúng tôi không chỉ là một người thầy, mà còn giống như một người cha, chia sẻ bao điều. Những năm tháng được sống gần thầy, chứng kiến sự tận tình của thầy với học trò, và những nỗ lực của thầy mỗi ngày vượt qua mọi khó khăn, dùng đôi chân để làm mọi việc, tôi càng thêm kính yêu thầy. Ánh sáng của tinh thần hiếu học và tình yêu với cuộc đời từ thầy đã dẫn dắt tôi và nhiều thế hệ học trò để tự tin đi trên cuộc đời trên đôi chân của chính mình, bằng sức mạnh tinh thần không khi nào lùi bước trước khó khăn.
Đôi chân viết chữ đã đưa thầy Nguyễn Ngọc Ký đến với cổng trường Đại học, rồi lại đưa thầy trở về quê nhà dạy dỗ các thế hệ tương lai, và sau này đưa thầy đến mọi miền tổ quốc, gặp gỡ hàng triệu học trò ở nhiều ngôi trường, truyền cho các em cảm hứng học tập, vượt mọi khó khăn để vươn lên.
Từ hơn nửa thế kỷ về trước, thầy Nguyễn Ngọc Ký đã là một tấm gương, một "thần tượng"- như cách nói của hôm nay. Những khái niệm ấy là do xã hội đưa ra, vì ngưỡng mộ ý chí và trân trọng nhân cách của thầy, chứ thầy Ký không khi nào tự nghĩ mình như vậy. Vào lúc thầy Nguyễn Ngọc Ký lớn lên, đất nước còn chiến tranh, sách báo còn hiếm, thông tin còn khó khăn, nhưng có hàng triệu người đã biết đến thầy, xem thầy như nguồn động lực để cổ vũ mình sống lạc quan tích cực, vượt lên số phận.
Trở thành một người nổi tiếng, một thần tượng đúng nghĩa, nhưng thầy Nguyễn Ngọc Ký chưa khi nào cần "soạn sửa" mình theo khái niệm đó. Sống một đời hồn nhiên, chân thật, mạnh mẽ hướng về phía trước, không ràng buộc vào những danh hiệu được cuộc đời đặt cho, đấy chính là lý do thầy Nguyễn Ngọc Ký được nhiều người yêu mến đến vậy. Đặc biệt với những ai từng có cơ hội được sống gần thầy Ký, càng thêm yêu mến quý trọng thầy, càng nhận ra thầy thực sự là một tấm gương sáng để soi vào.
Từ câu chuyện cuộc đời thầy Nguyễn Ngọc Ký, nghĩ về hai chữ thần tượng trong đời sống hôm nay. Thời nào, xã hội nào, mỗi cá nhân cũng đều có nhu cầu lựa chọn những hình mẫu phù hợp để được truyền cảm hứng sống. Nhất là khi người ta còn trẻ, nhu cầu tìm kiếm thần tượng vô cùng quan trọng. Mỗi người trẻ đều muốn tìm thấy một ai đó có tầm ảnh hưởng với mình, tạo ra những giá trị phù hợp với mong muốn của mình để phấn đấu, vươn lên.
Sự phát triển của một xã hội tương lai luôn trông đợi vào lớp trẻ, trong khi đó lớp trẻ lại luôn chịu tác động bởi những thần tượng mà họ chọn để ngưỡng mộ, đi theo. Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến bao chuyện khóc cười liên quan đến thần tượng và chọn thần tượng trong giới trẻ. Trong đó nổi lên nhất là việc một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ chạy đuổi theo những ngôi sao giải trí, chọn họ làm thần tượng. Nào là nhịn đói cả ngày đứng trong mưa để đợi gặp thần tượng, nào là cúi xuống hôn ghế thần tượng đã ngồi, nào là bỏ học, thức trắng đêm để "cày view" cho sản phẩm mới của thần tượng, nào là không còn thiết sống khi thần tượng của mình gặp chuyện...
Các chuyên gia báo động về tình trạng "cuồng thần tượng", chọn thần tượng theo hiệu ứng đám đông, theo trào lưu, mà không hề gắn với nhu cầu cá nhân của người trẻ. Thậm chí có những bạn trẻ coi ai đó là thần tượng nhưng không thực sự biết về những giá trị thực mà thần tượng của mình đang có. Đơn giản họ cần có một thần tượng, "cho bằng bạn bằng bè".
Ở góc độ ngược lại, chúng ta cũng không khó để thấy rằng, công nghệ đã giúp cho việc tạo thần tượng dễ dàng hơn. Nhờ truyền thông, không ít nhân vật đã trở thành idol của giới trẻ sau một thời gian rất ngắn. Nhờ truyền thông, một "thần tượng" có thể dẫn dắt một lượng fan hùng hậu, đi theo và khóc cười cùng mình. Thần tượng dễ đến và cũng dễ đi, chỉ sau một cú ngã ngựa, một xì căng đan, hay một sơ sểnh truyền thông, để lại đằng sau một đám đông bạn trẻ hoang mang trong trồi-sụt cảm xúc. Những biểu hiện thực tế đó không thể không khiến chúng ta buồn lòng.
Trong thực tế cuộc sống, chúng ta cũng từng không ít lần nghe ai đó than thở, rằng họ đã yêu mến, ngưỡng mộ, thần tượng một nhân vật nào đó lúc "xa xa". Nhưng khi có cơ hội ở gần, thì tất cả những gì là hào quang, là ánh sáng của thần tượng biến mất. Hóa ra, người ta như con chim tô điểm cho bộ lông để nhận được sự ngưỡng mộ một đám đông. Để rồi khi vô tình để tuột chiếc áo mỹ miều đó, thần tượng để lại nỗi thất vọng ê chề trong lòng người hâm mộ.
Nghĩa là, chúng ta vốn quen nhìn thần tượng từ xa. Nhưng thần tượng chỉ thực sự là thần tượng khi chúng ta nhìn gần, mà ánh sáng của họ vẫn đủ soi chiếu ấm áp trái tim và tình cảm của mình, thậm chí nhân lên niềm yêu mến của mình. Bởi vì, chúng ta nhìn thần tượng để thấy mình. Giống như soi gương, hình ảnh của chúng ta trong gương phải là chân thực nhất.
Quay trở lại câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người thầy đầu tiên viết bằng đôi chân, người đã suốt đời sống với một niềm tin mạnh mẽ, một tinh thần lạc quan, một ý chí bền bỉ hướng đến những giá trị tốt đẹp. Cá nhân tôi, người viết bài báo này đã được nhìn thần tượng của mình - thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, ở một cự ly thật gần, suốt những năm tuổi mới lớn, lứa tuổi mà người ta dễ dàng bị hấp dẫn bởi một câu chuyện đẹp và cũng dễ dàng vỡ mộng vì thần tượng. Và năm tháng qua đi, nhớ lại những kỷ niệm thời đi học tôi càng nhận ra sự lớn lao của thầy. Lòng kính yêu thầy chưa khi nào vơi cạn. Trong sự trưởng thành của tôi hôm nay, không thể nói rằng không có bóng dáng của những thầy cô, đặc biệt là thầy Nguyễn Ngọc Ký.
Thầy Ký trở thành một nhân vật của sách giáo khoa, nhiều thế hệ đã học, đã đọc và yêu mến thầy. Nhưng thầy Ký chưa bao giờ chỉ là nhân vật trong sách, thầy là người bước đi trong cuộc đời, hiện diện gần gũi, giản dị ân cần với bất kỳ ai thầy gặp. Nhiều thế hệ học trò của thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn luôn nhớ về thầy với những kỷ niệm sâu sắc, gần gũi. Con đường đến với học trò của thầy Nguyễn Ngọc Ký là tình thương. Mọi phương pháp giáo dục, mọi sáng tạo đều phát triển trên cội rễ tình thương.
Từ việc dạy học, soạn giáo án, viết văn đến những chi tiết nhỏ nhất trong đời thường như chăm sóc gia đình, quan tâm đến từng hoàn cảnh cụ thể của học trò, thầy Ký đều cố gắng gieo vào đó một mầm cây của sự tận tâm. Phương pháp của tình thương chính là thông điệp của nhà giáo dục Nguyễn Ngọc Ký, giống như câu danh ngôn đâu đó ta từng đọc: "Không thể trồng cây ở nơi thiếu ánh sáng, cũng như không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình".
Câu chuyện chọn thần tượng của giới trẻ hôm nay giúp chúng ta nhận ra không ít vấn đề của xã hội. Khi gia đình trở nên lỏng lẻo hơn trong các mối liên kết, cha mẹ thì bận rộn, con cái thì dường như đang có nguy cơ bị thế giới của công nghệ "nuốt chửng". Nhà trường có xu hướng biến thành nơi nhồi nhét kiến thức để thi cử là chính, vấn đề đạo đức, kỹ năng, các giá trị nền tảng để làm người bị bỏ quên. Người trẻ lớn lên trong bối cảnh như vậy, họ có không ít khó khăn cần phải được thấu hiểu. Họ no đủ về vật chất nhưng lại thiếu nơi nương tựa tinh thần, thiếu niềm tin cũng như động lực để phấn đấu. Việc họ bị cuốn theo những trào lưu, ngay cả trong chọn thần tượng cũng là điều dễ hiểu.
Vậy tấm gương nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký có thể giúp gì cho thế hệ trẻ hôm nay? Trước tiên, câu chuyện về thầy Nguyễn Ngọc Ký có thể giúp mỗi bạn trẻ hôm nay có thêm niềm tin vào chính bản thân mình. Hoài nghi sức mạnh của bản thân chính là lý do mỗi chúng ta bị chới với trong hành động, và đôi khi không sáng suốt trong lựa chọn.
Một niềm tin nền tảng, vững chắc vào chính mình sẽ là kim chỉ nam, là ngọn lửa soi đường để mỗi người trẻ tin rằng họ sẽ vượt qua những thử thách, vốn không thể không gặp trên đường đời. Câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký hơn nửa thế kỷ qua chưa bao giờ vơi cạn niềm hứng cho xã hội, là động lực cho tất cả những ai đang gặp phải khó khăn, nghịch cảnh.
Hơn 1.500 buổi nói chuyện của thầy Nguyễn Ngọc Ký tại hàng trăm ngôi trường ở khắp các tỉnh thành là minh chứng cho thấy, giới trẻ vẫn luôn khát khao một thần tượng, một tấm gương vĩ đại mà gần gũi, chân thật để noi theo.
Tác giả: Bình Nguyên Trang tên thật là Vũ Thị Quỳnh Trang, tác giả của nhiều tập thơ, truyện ngắn, ký chân dung. Chị từng đoạt giải thưởng văn chương của báo Hoa Học Trò, Áo Trắng, Mực Tím, Tiền Phong, giải B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ "Những bông hoa đang thiền". Hiện nhà văn Bình Nguyên Trang công tác tại báo Nhân Dân.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!