"Tôi đi học" - Tác phẩm để đời của thầy Nguyễn Ngọc Ký
(Dân trí) - Với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, biến cố vào năm 4 tuổi lại là một sự khởi đầu cho một cuộc đời mới. Và đó cũng là lý do để có tự truyện "Tôi đi học", được xem là cuốn sách để đời của Nguyễn Ngọc Ký.
Ước mơ giỏi toán
Không ngờ khi học lên lớp Sáu rồi lớp Bảy một loạt khó khăn mới lại đến với tôi. Môn toán không đơn thuần chỉ là số học nữa. Nó đã thêm bộ môn hình học và đại số. Đáng ngại nhất là hình học. Song chính hình học lại là môn tôi thích thú nhất.
Nói đến hình học là phải nói đến hình vẽ. Vẽ hình có tốt thì bài giải mới tốt được. Với đôi chân, chỉ cần cặp chiếc thước, kẻ một đường thẳng cũng khó, huống hồ phải kẻ những đường ngang dọc lắt léo đòi hỏi thật chính xác.
Công việc của tôi là phải tập giữ thước thế nào cho chắc khi đặt xuống giấy. Các bạn có thể dang rộng hai ngón tay đè thước dễ dàng. Còn tôi chỉ dùng được ngón cái chân trái để giữ, nên khi đưa bút kẻ, thước thường bị chệch. Thế là bỗng chốc đường thẳng hóa thành đường gấp khúc. Nhiều lần chiếc hình cứ gần vẽ xong lại phải bỏ đi vẽ lại. Có hình vẽ tới năm bảy lần vẫn chưa được. Thấy mất thời gian lại tốn giấy hao công, tôi nghĩ ra cách vẽ hình không cần thước. Lúc đầu vẽ bằng bút mực, nét hình run run nhiều khi mất chính xác.
Về sau tôi bỏ bút mực dùng bút chì. Khi vẽ có bị hỏng tôi tẩy đi vẽ lại. Cách vẽ này giúp tôi vẽ được những hình tương đối chính xác, khi giải bài tập khỏi phải nhờ các bạn vẽ hộ. Nhưng chưa thể thỏa mãn với kết quả đó được. Tôi suy nghĩ phải tìm cách vẽ bằng được những hình đẹp như các bạn. Nghĩa là tôi phải tập để có thể dùng thước và bút mực khi vẽ.
Tôi chuyển sang tập giữ thước kẻ bằng gót chân trái. Khi vẽ, thước không bị xê xích như trước nữa.
Nhưng một khó khăn mới lại xảy ra: Chiếc thước quá nhỏ bản nên gót chân thường che khuất cả hình. Thành ra tôi toàn phải kẻ phóng vì không nhìn rõ gì cả. Kết quả có những đoạn thẳng cần ngắn thì lại kẻ dài, có những đoạn cần dài lại kẻ quá ngắn. Thậm chí có khi muốn vẽ đường thẳng lại ngoặc luôn cả hình gót chân vào bài thành hình vòng cung.
Khắc phục bằng cách nào đây?
Thao thức mãi tôi mới nghĩ ra cách làm một cái thước thật rộng bản, có chuôi cắm bên trên. Bây giờ tôi không tì thước bằng gót chân nữa. Tôi dùng ngay ngón chân trỏ và ngón cái cặp lấy chuôi ấn thật chắc xuống giấy. Với sáng kiến này, tôi đã vẽ được những hình khá chuẩn xác.
Tôi tưởng thế là mọi chuyện đã ổn, tôi không lo về việc vẽ hình nữa. Nhưng không. Cặp mãi chiếc com-pa trong chân mà tôi vẫn loay hoay không biết quay thế nào. Quay phải cũng vướng, quay trái cũng vướng. Ngón chân tôi cứ cứng đờ, không tài nào xoay com-pa đi được. Luống cuống mãi, mũi com-pa đã xé toạc cả mấy trang vở mà tôi vẫn chưa vẽ được một vòng tròn nào.
Kể từ hôm được mẹ mua cho com-pa, ngày nào tôi cũng tập quay như vậy. Không kể trưa, tối, hễ lúc nào rỗi tôi lại tập. Tập cả lúc chờ bữa ăn. Nếu mẹ không giục đi ngủ thì có lẽ nhiều đêm tôi thức trắng để tập. Thế mà đã hơn một tuần liền vẫn chưa có kết quả gì. Nhiều lần, Phụ nói:
- Để tớ quay giúp cho.
- Không, nhất định tớ phải tập quay cho được.
Tôi không quay com-pa bằng một chân nữa, đổi sang tập quay bằng hai chân. Tôi dùng chân phải giữ chuôi và đưa chân trái cặp vào càng có gắn bút chì để quay. Nhưng rồi tôi vẫn không vẽ được. Cố gắng gò bàn chân, tôi cũng chỉ vạch được nửa vòng tròn là hết cỡ, mà nửa vòng tròn đó cũng chệch choạc đứt quãng rất nhiều. Tôi chợt nảy ra cách quay hai lần. Sau khi quay được nửa vòng, tôi nhấc com-pa lên xoay tờ giấy lại quay tiếp nửa kia. Giá có chiếc com-pa tốt không thay đổi khẩu độ thì có lẽ tôi đã thành công rồi. Biết làm sao bây giờ?
Chiếc Com-pa của người bạn thân chưa quen
Giữa lúc đó một chuyện tình cờ đã xảy ra. Thường lệ như bao trưa khác, trưa hôm ấy đi học về, trong lúc chờ cơm tôi lục sách ra "xào" bài, thì ôi, một chiếc hộp to gần bằng trang vở, màu đỏ sẫm nằm ngay dưới đáy túi sách. Tôi ngẩn người không biết ai đã bỏ vào đấy. Tôi run run mở ra và ngạc nhiên thấy một chiếc com-pa Trung Quốc mạ kền sáng loáng, cùng một chiếc bưu ảnh hoa hồng và một bức thư ngắn. Tôi vội vàng cầm lá thư:
"Thân tặng NNK, người bạn mến phục, món quà nhỏ này làm kỷ niệm. Chúc bạn mãi mãi vui khỏe và vươn lên không ngừng. Người bạn thân chưa quen của bạn.
Ký tên: L."
Đọc xong bức thư tôi xúc động đến ứa nước mắt. Tôi nghĩ mãi vẫn không đoán ra L. là ai. Chắc một bạn trong lớp. Nhưng tại sao lại là "người bạn thân chưa quen biết"? Trong lớp này có ai mình chưa quen đâu nhỉ. Một năm lớp Sáu học với nhau rồi chứ ít gì. Mà sao bạn ấy lại tặng mình chiếc com-pa? Có phải bạn biết mình đang cần có một chiếc com-pa thật tốt như thế này? Buổi học hôm sau tôi mới vỡ lẽ: L. không phải ai khác mà chính là Liễu, một bạn gái cùng lớp. Tôi nhận ra điều đó khi thấy mấy bạn gái ngồi bàn bên cứ chằm chằm nhìn vào chiếc "com-pa kỷ niệm" tôi đang tập quay, cười khúc khích.
Từ khi có chiếc com-pa của Liễu, công việc tập luyện của tôi có phần dễ dàng hơn. Lúc quay, tôi không còn sợ com-pa thay đổi khoảng cách nữa, vì nó được điều khiển bằng xoáy ốc.
Bây giờ tôi chuyển sang tập quay com-pa bằng cách khác. Tôi dùng hai ngón chân cái kẹp đuôi com-pa và quay. Tôi đã quay trọn được các hình tròn to nhỏ vừa ý.
Song, đó chỉ là thành công khi quay trên vở để làm bài tập bình thường. Còn gặp những bài kiểm tra thì tôi lại bị lúng túng. Vì phải quay com-pa trên các tờ giấy lẻ, nên khi mũi com-pa quay, tờ giấy cũng xoay theo. Thành ra tôi rất khó điều khiển cho mũi chì vạch ra trên giấy. Tôi lại suy nghĩ: tôi không làm các bài kiểm tra toán vào giấy rời nữa mà đóng thành một tập. Để khi làm bài xong nhanh chóng có bài nộp cho thầy tôi nghĩ ra cách dùng kim châm một đường thủng ở gáy quyển vở như đường viền những con tem. Làm xong bài tôi chỉ việc xé roạt một cái là đã có bài nộp cho thầy.
Song cách làm này vẫn chưa vừa ý, tôi cảm thấy còn bị bó buộc nhiều quá. Tôi muốn làm thế nào chỉ dùng một chân cũng quay được com-pa trên giấy như các bạn dùng tay. Quá trình tập quay từ trước đã làm ngón chân tôi trở nên mềm mại nên tôi tin là sẽ làm được.
Thấy tôi quay được com-pa bằng một chân, thầy Châu mừng lắm. Thầy đứng nhìn tôi làm bài dựng hình và gật đầu nói:
- Khá lắm, em có nhiều triển vọng tốt đấy!
Và những bài toán khó
Quả thật bài kiểm tra ấy tôi đạt điểm năm (Thời kỳ này các trường học ở miền Bắc vẫn dùng thang điểm 5: điểm 5 là điểm tối đa, như điểm 10 ngày nay). Thầy Châu rất mến tôi. Thầy có gì cũng dành cho tôi. Tôi thiếu giấy thiếu mực, thầy đều mua cho cả. Các bạn thường gọi đùa tôi là "con cưng của thầy". Dù phải đi bộ tới 5 cây số tôi vẫn rất thích đến nhà thầy chơi vào chiều thứ bảy. Nhất là được thầy cho thêm các đề toán khó về làm là tôi khoái lắm. Biết ý nên mỗi lần tôi chào thầy ra vế, bao giờ thầy cũng bỏ vào túi cho tôi một món quà rất đặc biệt. Thầy nói vui:
- Đây, quà của Ký đây. Khi nào "ăn" xong nhớ cho thầy biết nhé! - Thầy vừa cười vừa bảo tôi.
Món quà đó chính là một mảnh giấy nho nhỏ, chép sẵn các đề toán khó thầy mới sưu tầm, chọn lọc. Tôi hớn hở đi nhanh về nhà, háo hức mở ra đọc đi đọc lại những đề toán đó tới thuộc lòng. Bài toán dù khó thế nào tôi cũng đinh ninh sẽ làm được. Chiều nghĩ chưa được, tôi để tối. Nếu tối chưa giải xong sáng hôm sau tôi hẹn mẹ gọi dậy thật sớm làm lại. Ngày hôm nay chưa xong ngày mai tiếp tục. Cứ như vậy, đi đâu, đứng đâu, ngồi đâu không mấy lúc trong đầu tôi không thao thức nghĩ về một bài toán khó. Có bài toán lúc thức hoài vẫn bí rị, vậy mà trong giấc mơ bỗng lại tìm ra cách giải ngon lành.
Thầy Châu rất hài lòng thấy tôi làm được bài hình ấy. Một buổi chiều tôi lên trình bày cặn kẽ cách giải với thầy. Hai thầy trò mải mê quá, trời tối lúc nào không hay. Vừa lúc có gió mùa đông bắc tràn về kèm theo mưa phùn. Sợ tôi đi về một mình không an toàn thầy liền cầm đèn pin, hai thầy trò khoác chung một chiếc áo mưa, thầy dẫn tôi về tận nhà. Vừa đi hai thầy trò vừa tỉ tê tâm sự đủ chuyện.
Chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi môn toán cấp huyện năm đó tôi được thầy Châu chọn vào danh sách dự khuyết. Tôi vừa vui vừa buồn, vừa mừng vừa tủi. Tại sao thầy thương mình đến vậy mà lại không nương tay xếp cho mình được ở danh sách chính thức. Sau này tôi mới hiểu: khoa học là khoa học, tình thương là tình thương. Với thầy hai khái niệm đó không bao giờ lẫn lộn. Mọi sự nuông chiều, chiếu cố đối với khoa học đều là lưỡi dao tự sát với chính nó.
Và quả thật chính với quyết định đó thầy Châu đã cứu tôi thoát khỏi chủ quan ảo tưởng, làm bừng cháy mãnh liệt thêm trong tôi ngọn lửa tự trọng, tự ái, quyết chí không ỷ lại mà tự vượt mình bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới. Ngày đêm tôi miệt mài đắm say thao thức và hạnh phúc đến rơi nước mắt khi tìm ra cách giải mới cho một bài toán khó. Sự tiến bộ về môn toán của tôi cứ thế vượt lên từng ngày. Và một ngày kia cả lớp tôi reo lên sung sướng khi nhà trường thông báo: kỳ thi học sinh giỏi toán vừa qua tôi đạt giải nhất toàn huyện, rồi giải ba toàn tỉnh.
Nguyễn Ngọc Ký (SN 28/06/1947) tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Ông bị liệt đôi tay từ năm 4 tuổi; 7 tuổi đi học dùng chân viết. Hai lần ông được Bác Hồ thưởng huy hiệu vì thành tích vượt khó học giỏi. Năm 1970, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, khoa Ngữ Văn, sau đó đi dạy và trở thành Nhà giáo Ưu tú năm 1992. Ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân.
Trích tác phẩm "Tôi đi học" - nhà văn Nguyễn Ngọc Ký
Theo NXB First News