Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Lời hứa "không tăng học phí"

Thời điểm cận kề kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, bài toán chọn trường, chọn ngành lại được thí sinh và phụ huynh cân đong đo đếm. 13 năm trước khi chuẩn bị thi đại học, việc cân đong đo đếm với tôi chủ yếu nằm ở việc xem chất lượng trường nào tốt và phù hợp hơn. Học phí không phải vấn đề chính khi số trường tư còn hạn chế trong khi các trường công có mức học phí khá tương đồng - trừ một vài trường được hỗ trợ hoàn toàn từ Nhà nước như sư phạm, quân sự…

Bài toán của 14 năm trước dễ giải hơn rất nhiều so với bài toán các em học sinh phải loay hoay ở thời điểm hiện tại. Khi mô hình tự chủ tài chính ngày càng được khuyến khích trong khối trường công lập, việc tăng học phí là điều dễ hiểu. Nếu không tăng học phí, khó có thể đòi hỏi chất lượng giáo dục sẽ tăng cao. Song, tăng học phí đặt ra nhiều áp lực với học sinh và phụ huynh. 

Đằng sau câu chuyện tăng học phí là nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Lời hứa không tăng học phí - 1

Hiện nay việc tự chủ tài chính của nhiều trường đại học phụ thuộc vào học phí sinh viên (Ảnh minh họa: Canva)

Thứ nhất, học phí tăng luôn được đánh giá theo một "lộ trình được đề ra". Nhưng lộ trình đó dựa trên cơ sở nào là điều nhiều người còn mù mờ: Dựa trên lạm phát? Tăng trưởng kinh tế? Cơ chế thị trường?

Với sinh viên, học sinh và phụ huynh, thứ dễ nhất để đặt lên bàn cân so sánh với việc tăng học phí là mức tăng thu nhập vì rõ ràng, tăng học phí sẽ ảnh hưởng ngay vào thu nhập, chi tiêu của cả gia đình. Là cựu sinh viên của một trường tự chủ tài chính với mức tăng học phí vài năm một lần, tôi phải đóng số học phí chỉ bằng ⅓ hay 1/4 lần số học phí các bạn sinh viên hiện tại phải nộp. Tuy nhiên, thu nhập của nhiều gia đình không có những mức tăng trưởng tương xứng như vậy, đặc biệt với học sinh ở khu vực nông thôn.

Nhiều người sẽ phản đối rằng: Học phí Việt Nam như vậy là rẻ hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Nhưng nếu so sánh, thì cũng phải nói rằng ngân sách chi cho giáo dục đại học ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chưa nói tới các quốc gia phát triển. Mức đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam trong năm 2020 chỉ đạt khoảng 0,27% GDP, chiếm khoảng 4,6% ngân sách chi cho giáo dục. Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị rằng Việt Nam cần tăng đầu tư với tỷ trọng ngân sách giáo dục đại học từ 0,23% lên ít nhất 0,8-1% GDP trước năm 2030.

Một bài toán đơn giản là muốn nâng tầm chất lượng giáo dục đại học thì phải tăng cường ngân sách đầu tư, và qua đó san sẻ áp lực tài chính với sinh viên.

Thứ hai, trong tiến trình "tự chủ ngân sách" ở bậc đại học, liệu các trường đã có những kế hoạch tự chủ để giảm áp lực nguồn thu chỉ từ học phí của sinh viên?

Tại nhiều trường đại học trên thế giới, học phí không phải nguồn thu chính trong trường học trong khi tại Việt Nam, các trường đại học dựa phần nhiều vào học phí. Ví dụ, trung tâm thống kê giáo dục quốc gia Mỹ cho biết trong năm học 2019-2020, chỉ 20% nguồn thu của các trường công lập đến từ học phí và chi phí khác người học phải nộp. Số còn lại đến từ đâu? Trợ cấp của chính phủ, trợ cấp của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đầu tư, các nguồn vốn nghiên cứu, các khoản quà tặng, đóng góp từ cựu sinh viên hay những nhà hảo tâm….

Tôi cho rằng khi đã quyết định tự chủ tài chính, các trường đại học Việt Nam cũng nên tìm cách đa dạng hóa nguồn thu hơn việc phụ thuộc vào học phí sinh viên. Tuy nhiên, khi nhìn vào số liệu báo cáo nguồn thu các trường đại học, học phí vẫn là khoản thu chính, dẫn đến áp lực đè nặng lên vai sinh viên.

Trong cuộc tranh luận về giáo dục đại học, nhiều người cho rằng, Nhà nước không có trách nhiệm phổ cập giáo dục đại học và việc tăng học phí cũng có thể tác động tích cực tới việc nhiều học sinh sẽ chuyển sang các trường nghề, các mô hình đào tạo phi đại học. Song, học nghề hay hình thức khác nên là một "lựa chọn", thay vì là bước đường cùng khi không thể đáp ứng được học phí đại học công lập.

Ngay cả ở Mỹ, một nước thường được đưa ra làm "chuẩn mực" cho học phí đắt đỏ, các trường đại học có nhiều mức độ hỗ trợ cho sinh viên: Sinh viên người Mỹ phải chi trả mức học phí thấp hơn nhiều so với sinh viên quốc tế, sinh viên học đại học tại bang mình sinh sống sẽ phải trả mức học phí thấp hơn, các khoản học bổng tài chính cũng khá dồi dào… 

Tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, giáo dục đại học thực sự là một khoản "đầu tư" đúng nghĩa, có thể rủi ro khi mất một số tiền lớn, không như thời của chúng tôi chỉ cách đây khoảng hơn 10 năm. Bố mẹ tôi - một gia đình bình dân, coi đại học chỉ như việc "phổ cập giáo dục" khi mức học phí còn nhẹ nhàng, không phải đau đầu xem khoản đầu tư đó có xứng đáng không. 

Vay nợ học đại học sẽ trở nên phổ biến hơn, khoảng cách giáo dục cũng sẽ được nới rộng, mức độ phân hóa giáo dục sau phổ thông cũng sẽ cao hơn. Đây sẽ là những thực tế sinh viên và nhiều gia đình phải chấp nhận. Với nhiều gia đình nông thôn vốn trông chờ vào việc con cái học đại học để có thay đổi cuộc sống, con đường trên có thể sẽ nhọc nhằn hơn đôi chút.

Tôi nhớ đến câu chuyện của trường Đại học Hà Nội - trường đại học nơi tôi gắn bó 4 năm. Mức tăng học phí 10-25% trong năm 2024 khiến nhiều sinh viên phản đối. Bên cạnh việc học phí tăng, điều khiến nhiều sinh viên bực bội là cảm giác nhà trường thất hứa khi hồi năm 2022, nhà trường có nói về việc không tăng học phí 4 năm học trong một video truyền thông tuyển sinh trực tuyến.

Đại diện nhà trường chia sẻ rằng đó có thể là một sự "thiếu sót" khi tư vấn trực tuyến đã quên không nói chữ "dự kiến" khi nói về học phí. Nhà trường khẳng định chắc chắn không làm sai quy định pháp luật khi đã đăng tải mọi thông tin chính thức trên website.

Với nhà trường, đó đơn thuần là một "thiếu sót" nhưng với học sinh, đó là một lời hứa, một cam kết.

Tăng học phí không chỉ là câu chuyện về tài chính hay những điều vĩ mô chưa có câu trả lời bên trên. Tăng học phí còn là câu chuyện của niềm tin và trách nhiệm của một trường đại học. Trao tương lai giáo dục của bản thân cho một ngôi trường, sinh viên cần biết rằng mình đã trao gửi niềm tin đúng chỗ.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!