Sinh viên nợ học phí: Bêu tên hay không?
Khi đọc thông tin Loạt đại học "bêu" tên sinh viên nợ học phí lên mạng, tôi cảm thấy không tin vào mắt mình. Hiện nay, hầu hết các trường có cổng thông tin, ứng dụng tra cứu (môn học, điểm số, học phí,…) dành cho cá nhân sinh viên; hà cớ gì trường phải làm một việc vừa thiếu hiệu quả thông tin, vừa không tôn trọng phẩm giá, vừa vi phạm nguyên tắc tối thiểu về bảo mật dữ liệu cá nhân.
Thiếu hiệu quả bởi hệ thống nội bộ trường có thể tự động xuất email riêng từng sinh viên nợ học phí (dựa trên bảng kê học phí) vào hòm thư cá nhân sinh viên, vào số điện thoại của phụ huynh; thay vì mong mọi sinh viên sẽ tự có ý thức vào trang chủ, tải danh sách, tra cứu tên mỗi khi cần đóng tiền học.
Không tôn trọng phẩm giá bởi có những sinh viên vì hoàn cảnh kinh tế, vì tai nạn đột xuất,… không thể hoàn thành học phí. Khi tên bị "bêu" công khai, các bạn này vừa mặc cảm thêm vì hoàn cảnh; vừa dễ thành đối tượng bị cười chê trong lớp.
Vi phạm về bảo mật dữ liệu bởi danh sách sinh viên nợ học phí có đầy đủ thông tin cơ bản: họ tên, ngày sinh, mã sinh viên (đôi khi trùng với số tài khoản ngân hàng), lớp,… đủ để kẻ gian có thể mua bán dữ liệu hoặc mạo danh sinh viên đăng ký các app vay tiền trực tuyến. Tròn một năm trước, vấn đề bảo mật này đã được luật hóa trong Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tại sao một phương pháp nhiều nhược điểm như vậy vẫn còn tồn tại, với danh sách được báo chí thống kê lên đến hơn chục trường đại học lớn?
Tôi phỏng vấn một số bạn bè đang phụ trách thu học phí tại đại học thì nhận được câu trả lời: ý thức của sinh viên. Những sinh viên bị 'bêu' tên hầu hết là sinh viên đã bỏ học rồi nhưng không thông báo chính thức cho nhà trường. Do đó, các em chẳng bao giờ kiểm tra hòm thư/tài khoản được trường cấp. Nhưng một số em lại đột ngột đi học trở lại và khiếu nại lại nhà trường rằng trường đã không thông báo gì cho em mà lại cấm thi em. Khi hỏi tài khoản thì các bạn này chống chế rằng làm mất mật khẩu tài khoản nên không truy cập được.
Thông báo công khai lên internet là biện pháp cuối cùng và dễ chứng tỏ rằng nhà trường đã hoàn thành nghĩa vụ thông tin, từ đó yên tâm thực hiện các lệnh cấm (cấm thi, cấm đăng ký môn mới,…). Họ thực hiện dù cho biết rằng có lẫn số ít trường hợp gặp hoàn cảnh khó khăn.
Những nhân viên trẻ hơn thì cho rằng 'bêu tên' lên mạng là quán tính làm việc của các thủ quỹ lớn tuổi, những người đã quen với việc công khai tên mà không để lại danh tính từ thời "tiền internet".
Khoảng trước năm 2005, do chưa có cổng thông tin trực tuyến, danh sách sinh viên nợ môn được in phóng to và dán công khai tại cửa phòng kế toán. Đến mùa thi, sinh viên phải đứng chen chúc trước bản in đó để tra tên mình. "Đông vui như một ngày hội và chẳng ai thấy vấn đề gì," một thủ quỹ chia sẻ. Do không ý thức được các vấn để của thời đại số, nhiều thủ quỹ đã coi việc đăng công khai thông tin như vậy chỉ là trực tuyến hóa các bản in công khai từ thời trước mà thôi.
Liệu có thể đơn giản giải thích vấn đề này bằng nguyên nhân "ý thức" (dù là ý thức của sinh viên hay giáo vụ chăng nữa)?
Phân tích từ góc độ quyền riêng tư (privacy) với dữ liệu cá nhân, hiện có ba cách tiếp cận cơ bản:
Một là dựa trên chủ thể (nắm giữ dữ liệu). Cách tiếp cận này cho rằng quyền riêng tư là một quyền phổ quát, ai cũng có và luật pháp phải bảo vệ quyền này một cách tuyệt đối. Điển hình là Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã ban hành Chỉ thị số 95/46/EC về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại điện toán. Tiền đề của chỉ thị này là: quyền riêng tư là quyền kiểm soát những thông tin về mình, và để làm được điều đó, cá nhân phải có quyền can thiệp và kiểm soát những dữ liệu phản ánh thông tin. Từ đó hướng đến việc bảo toàn phẩm giá trọn vẹn cho con người (không bị người khác soi mói, móc mỉa các thông tin chỉ riêng mình có).
Hai là dựa trên tài sản thông tin (dữ liệu cá nhân như là tài sản). Cách tiếp cận này phản đối cách trên khi cho rằng bảo vệ tuyệt đối thông tin của người này sẽ lấn quyền được biết thông tin của người khác. Từ đó, pháp luật chỉ kiểm soát việc sở hữu và trao đổi thông tin riêng tư như thể thông tin đó là "tài sản" của riêng cá nhân. Cách tiếp cận này ngày càng phát triển khi các bên thứ ba (nền tảng trực tuyến như Facebook hay Grab) coi dữ liệu người dùng là "mỏ vàng" để kiếm lời một cách thiếu minh bạch.
Ba là dựa trên bối cảnh (của cộng đồng trao đổi thông tin). Riêng tư, dù là vấn đề phổ quát, nhưng lại có biểu hiện rất đa dạng ở từng nền văn hóa. Ở một số nước, phụ nữ để ngực trần ra đường là phô chỗ riêng tư của thân thể, phải bị cấm; nhưng một số nước lại cho rằng chỗ đó không riêng tư, nên chẳng có gì để cấm hay lên án. Thế nên, cách cộng đồng thiết lập các quy tắc, nền tảng sẽ quyết định tính riêng tư, cũng như cách bảo vệ quyền riêng tư của các thành viên.
Quay lại với vụ việc bêu tên học sinh, tôi cho rằng tính bối cảnh (mà bị quy giản lệch về "ý thức") là thứ cần phải thay đổi để giải quyết vấn đề. Về chủ thể và tài sản thông tin, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã quy định rõ. Cái còn thiếu là thiết lập nền tảng cho các bên đang không có cùng một "văn hóa" thông tin cá nhân.
Với nhân viên nhà trường, cần ý thức được các hậu quả của công khai dữ liệu sinh viên lớn hơn nhiều so với một vài thuận tiện nho nhỏ mà nó mang lại. Với các nhân viên lớn tuổi, họ cần được nhà trường cập nhật, phổ biến các mối nguy hại mới của không gian dữ liệu trực tuyến.
Với sinh viên, họ cần được thống nhất quy cách nhận thông tin từ nhà trường: loại thông tin nào nhận qua kênh nào; đảm bảo kiểm tra hòm thư sinh viên ít nhất hai lần/tuần, chấp nhận các rủi ro học tập khi không đảm bảo liên lạc thường xuyên với nhà trường, quyền khiếu kiện nhà trường khi nhà trường làm lộ thông tin cá nhân,…
Các quy tắc trên không thể trông cậy vào "ý thức" mà phải được văn bản hóa rõ ràng ngay khi sinh viên năm nhất bước chân vào giảng đường dưới dạng sổ tay hướng dẫn. Không thiết lập một nền tảng văn hóa chung, việc kiểm soát dữ liệu cá nhân, cả ở phía nhà trường lẫn sinh viên, đều sẽ gặp rắc rối.
Nhìn rộng hơn khuôn viên nhà trường, các vấn đề về dữ liệu cá nhân ở xã hội Việt Nam đương đại cũng cần giải quyết theo cách đó. Luật hóa là chưa đủ, cần phải trang bị kiến thức để mọi công dân có chung tri thức về các thiết chế cơ sở đã tạo điều kiện cho việc ngăn chặn hay xâm phạm quyền riêng tư.
Tác giả: Lang Minh (Nguyễn Minh) là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh cũng là dịch giả - tác giả cộng tác với nhiều nhà xuất bản: Trẻ, Giáo dục, Tri thức...
Lang Minh ứng dụng lý thuyết ngành nhân văn vào việc giảng dạy tư duy phản biện và các năng lực của thế kỷ XXI: tri tạo truyền thông và tri tạo kỹ thuật số (media & digital literacy). Về định hướng nghiên cứu, Lang Minh tập trung vào phân ngành Nhân học phê phán (Critical Anthropology), hướng tới việc phê phán các mối quan hệ bất bình đẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!