Khi lãnh đạo cấp cao nước ngoài dạo phố, uống bia hơi ở Việt Nam
Cá nhân tôi rất ấn tượng và nhiều người cũng chia sẻ với tôi rằng, họ cảm thấy thích thú với loạt hoạt động ngoại giao bên lề (cùng với hoạt động chính thức) của lãnh đạo các nước khi đến thăm Việt Nam như đi dạo phố, thăm bảo tàng, tìm hiểu văn hóa, thưởng thức ẩm thực...
Chỉ tính từ đầu năm đến nay thì đã thấy nhiều sự kiện như vậy: Thủ tướng Malaysia cùng Thủ tướng ta đi phố sách, uống cà phê; Tổng thống Hàn Quốc cùng Chủ tịch nước đi dạo ven hồ Hoàn Kiếm, điểm tâm sáng ở một nhà hàng Việt Nam; Thủ tướng Luxembourg cùng Thủ tướng ta đi thăm Văn Miếu, bảo tàng Mỹ thuật.
Rồi Thủ tướng Úc tự mình đi tìm hiểu một món rất dân dã, phổ biến của Hà Nội là bia hơi, bánh mì; hay trước đó, cuối năm 2022, Thủ tướng Đức cũng đi dạo phố từ Hàng Gai đến Bờ Hồ, thăm Văn Miếu và được tặng thư pháp.
Đó là những hình ảnh rất đẹp, từ hoạt động hàng ngày được nâng lên tầm lãnh đạo cấp cao, hàm chứa thông điệp và có tính biểu tượng sâu sắc.
Trước hết, đó là những hình ảnh về một Việt Nam thật thanh bình, hấp dẫn và mến khách. Việc lãnh đạo ta và bạn đồng hành trong một hoạt động bên lề nào đó cho thấy sự thân tình, hữu nghị, sẻ chia giữa hai nước và hai nhà lãnh đạo. Còn khi lãnh đạo các nước thăm ta, có chương trình riêng, cũng là một cách chủ động nêu thông điệp.
Điểm chung của các hoạt động này là sự trân trọng, khám phá và hòa đồng với đất nước, người dân nơi mình đến thăm. Như Thủ tướng Úc, khi đi thưởng thức vị bia hơi, bánh mỳ Việt Nam, thì cùng với sự gần gũi, bình dị, cũng đã liên hệ ngay tới sự gắn kết giữa hai nước, với việc Úc là nước xuất khẩu về mạch nha và bột mỳ tới Việt Nam, nguyên liệu chính của bia hơi và bánh mỳ.
Qua cuộc trò chuyện bên cốc bia hơi, còn là thông điệp hai nước đã và còn có thể bổ sung và hỗ trợ cho nhau rất nhiều về kinh tế và thương mại.
Những hình ảnh trên làm tôi nhớ lại đất nước thời kỳ đầu đổi mới. Khi đó chúng ta còn khó khăn lắm. Về đối ngoại, cũng phải đến giữa những năm 1990, mới thực sự phá thế bao vây và bình thường hóa quan hệ với Đông Nam Á và với các nước lớn.
Lúc ấy, có một sự kiện rất quan trọng là Tổng thống Pháp Francois Mitterrand thăm Việt Nam. Nghe chuyện từ các thế hệ đi trước trong ngành ngoại giao đã lâu mà đến giờ tôi vẫn luôn ghi nhớ. Vào năm 1993, Tổng thống Pháp có lẽ là nguyên thủ một nước phương Tây đầu tiên đến Việt Nam kể từ sau chiến tranh.
Cùng với chương trình chính thức, Tổng thống Mitterrand cũng được bố trí tham quan bằng ô tô tới phố cổ Hà Nội, nơi có rất nhiều dấu ấn của kiến trúc thời Pháp. Khi đến khu chợ Đồng Xuân, Tổng thống Mitterrand bỗng đề nghị xuống đi bộ dạo phố, trong một bối cảnh chưa được chuẩn bị trước từ phía chủ nhà.
Lúc đó ta cũng có phút ngần ngại, vì điều này không trong kịch bản, nhưng cuối cùng đề nghị của Tổng thống Pháp vẫn được thực hiện. Một vị Tổng thống đi dạo phố cổ Hà Nội khi đó là hình ảnh rất ý nghĩa về mối quan hệ mới giữa hai nước, vốn là cựu thù, về một Việt Nam vượt qua những khó khăn của chiến tranh, bao vây, cấm vận, nay đổi mới, mở rộng cửa đối ngoại và hội nhập.
Một câu chuyện khác, cách đây hơn hai thập kỷ, vào năm 2000, ông Bill Clinton là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ sau khi chấm dứt chiến tranh. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ và hàn gắn vết thương chiến tranh, đối với cả hai phía. Có một câu chuyện mà báo chí khi đó đăng tải khá đậm nét, là hình ảnh Tổng thống Clinton vươn qua ban công, bắt tay với các thanh niên Việt Nam ở nhà bên, khi ông đến tòa nhà đối diện với Văn Miếu.
Rồi chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vào năm 2016, khi đó tôi là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ. Bên cạnh các hoạt động chính thức, ông Obama đã ghé một quán bún chả ở Hà Nội cùng với Anthony Bourdain - một đầu bếp nổi tiếng. Hình ảnh này đã lan truyền khắp thế giới và tạo hiệu ứng truyền thông rất lớn không chỉ với Tổng thống Obama mà cả về Việt Nam của chúng ta như một điểm đến hấp dẫn.
Cũng trong chuyến thăm, khi ông Obama đến TPHCM và gặp gỡ giao lưu với đông đảo thanh niên Việt Nam, rapper Suboi là một trong những bạn trẻ được đặt câu hỏi trực tiếp cho Tổng thống Mỹ. Ông Obama đã gợi ý: "Trước khi tôi trả lời câu hỏi của bạn, bạn hãy hát một đoạn rap được không?". Suboi đã rap và cả khán phòng ồ lên với lời yêu cầu thú vị lẫn đoạn rap giao lưu này.
Mới đây nhất, vào tháng 4 năm nay, khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Việt Nam, ông cũng đã có hoạt động đi bộ, ăn cơm ở phố Tràng Tiền và đặc biệt là nghe nhạc Jazz tại câu lạc bộ Quyền Văn Minh - một người đi tiên phong mang nhạc Jazz vào Việt Nam cách đây hơn 1/4 thế kỷ.
Tôi là một trong số những người được phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tổ chức buổi nghe nhạc này. Cuộc giao lưu thật thân tình, vượt qua các khoảng cách cả về ngôn ngữ, văn hóa, cấp bậc, chức danh. Ông Blinken nói: "Khi cùng nhau đến với âm nhạc như thế này, thì giữa chúng ta chỉ còn là sự chia sẻ và đồng cảm, mà không còn khoảng cách khác biệt về quốc tịch, màu da hay ngôn ngữ".
Đêm nhạc đó, đã có những bản nhạc Jazz, vừa của Mỹ, vừa của Việt Nam, kết thúc bằng bài hát "New York, New York", thành phố quê hương của Ngoại trưởng Blinken. Chúng tôi cũng chuẩn bị một chút rất tượng trưng, mừng sinh nhật ông vào ngày hôm sau. Với một "vòng nhạc" như vậy, ông Antony Blinken đã xúc động chia sẻ rằng: "Chúng ta đi từ Hà Nội, dạo một vòng quanh thế giới bằng âm nhạc, Việt, Mỹ và các nước, cuối cùng trở về quê hương tôi là New York".
Có thể khẳng định là trong đối ngoại, các nước đều rất chú trọng các hoạt động mang tính biểu tượng cũng như phát biểu của lãnh đạo cấp cao.
Đơn cử như khi các nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, thường trích dẫn truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du hay văn thơ của các nhà văn hóa nổi tiếng khác.
Hay như câu chuyện Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ, tháng 6 vừa rồi, trong một phát biểu chính trị tại hai Viện Quốc hội Mỹ, có một đoạn thú vị như sau: "Hai nước chúng ta còn chia sẻ, giao lưu văn hóa với nhau. Tôi là Tổng thống Hàn Quốc đến đây, có thể nhiều người chưa biết tên tôi, nhưng chắc chắn các bạn đã từng biết đến BTS hay Blackpink. BTS đã thắng tôi khi đến Nhà Trắng trước tôi, nhưng tôi đã thắng cả BTS và Blackpink khi tôi đến Quốc hội của các bạn trước họ". Bài phát biểu khi đến đoạn đó đã tạo nên một điểm nhấn nhận được sự hưởng ứng rất lớn của các nghị viên.
Như đã nêu ở trên, những năm gần đây trong các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, có một điểm cũng rất nổi bật, đó là sự tiếp xúc cởi mở, gần gũi giữa lãnh đạo các quốc gia và lãnh đạo nước ta với người dân, ngay trên phố và ở những nơi các vị đến thăm.
Những hình ảnh đó thật thanh bình, và tôi nghĩ rằng câu chuyện giữa các nhà lãnh đạo ở không gian ngoài trời, giữa thiên nhiên và trong bối cảnh có sự chứng kiến trực tiếp của người dân, sẽ mang tính chia sẻ về quan hệ hai nước thông qua các câu chuyện lịch sử, văn hóa.
Trong đối ngoại, những hoạt động tuy gọi là bên lề chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao, nhưng các nước đều phải lựa chọn rất tinh tế và chuẩn bị công phu. Câu chuyện quan trọng nhất ở đây luôn là nội hàm thông điệp và tính biểu tượng của các hoạt động này, gắn với lãnh đạo cấp cao và quan hệ hai nước; vừa thể hiện sự giao lưu thân thiện, gần gũi, chân thành, cởi mở, lại vừa bảo đảm được cái tầm của văn hóa và đối ngoại.
"Hoạt động bên lề" nhưng lại rất khó, nhiều thách thức với các nhà ngoại giao của cả hai phía, làm sao để vừa tạo được tính biểu tượng, lại vừa không đơn giản hóa hay cho phép sự trùng lặp.
Những hoạt động như vừa qua, rõ ràng đã có sức lan tỏa và truyền cảm hứng rất lớn, làm đậm nét thêm cho sự thành công của các chuyến thăm, và hơn nữa là quan hệ giữa hai nước và giữa các nhà lãnh đạo. Và, cũng đã làm sâu đậm thêm hình ảnh về đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp, đổi mới và phát triển, cùng người dân Việt Nam cởi mở, thân thiện và mến khách.
Chắc chắn là qua những hoạt động đó với cả phía khách và phía ta đều có những trải nghiệm tích cực.
Tác giả: Ông Phạm Quang Vinh nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Vinh từng có 7 năm làm Trưởng Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!