Ô tô tạo ra thứ này còn độc hại hơn khí thải từ xe động cơ diesel

Phạm Trung Đức

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Anh, việc chuyển sang dùng xe điện không giúp loại bỏ được tất cả các chất độc hại mà ô tô xả ra môi trường.

Nhiều người coi xe điện là giải pháp chính để giảm tình trạng nóng lên của trái đất, cũng như giúp không khí trong lành hơn. Nhưng xe điện có thể không phải là "liều thuốc tiên" như một số người nghĩ. Nghiên cứu mới cho thấy bụi phanh, của cả xe điện và xe động cơ đốt trong, có thể còn độc hại hơn khí thải của xe động cơ diesel.

Thông tin này có thể gây ngạc nhiên, vì xe điện phụ thuộc rất nhiều vào phanh tái tạo năng lượng, công nghệ giúp giảm đáng kể việc sử dụng phanh ma sát truyền thống. Tuy nhiên, xe điện lại nặng hơn đáng kể so với xe động cơ đốt trong (không tính xe hybrid cắm sạc - PHEV), nghĩa là khi phanh, chúng tạo ra nhiều bụi hơn.

Ô tô tạo ra thứ này còn độc hại hơn khí thải từ xe động cơ diesel - 1

Bụi tạo ra từ việc phanh của ô tô có thể gây ô nhiễm hơn xe động cơ diesel (Ảnh: Acko).

Các nhà khoa học tại Đại học Southampton (Anh) đã nghiên cứu tác động của các hạt khí thải từ các loại má phanh khác nhau đối với sức khỏe phổi. Một loại má phanh có thành phần kim loại thấp, trong khi 3 loại còn lại là bán kim loại, hữu cơ không chứa amiăng và gốm lai.

Thông thường, chúng ta mặc định những thứ được dán nhãn hữu cơ là tốt cho sức khỏe, nhưng trong các thử nghiệm, má phanh hữu cơ không chứa amiăng sinh nhiệt nhiều nhất. Chúng được đánh giá là độc hại với phổi của con người hơn so với khí thải từ động cơ diesel.

Theo các tác giả của nghiên cứu, loại má phanh này phổ biến nhất ở Mỹ vì chúng rẻ, êm và có tỷ lệ hao mòn khá thấp. Được phát triển để thay thế các má phanh cũ có chứa amiăng, chúng chứa các sợi đồng, giúp cải thiện độ dẫn nhiệt, một tính năng mà amiăng trước đây cung cấp.

Amiăng đã bị loại khỏi hỗn hợp vì liên quan đến bệnh phổi nhưng bụi đồng trong các má phanh hiện đại cũng được phát hiện có liên quan đến các bệnh về phổi như ung thư, hen suyễn và bệnh phổi mãn tính.

Các bang California và Washington tại Mỹ đều đã thông qua luật để giảm hàm lượng đồng trong má phanh, mặc dù báo cáo cho biết điều này được thúc đẩy với mục đích xóa bỏ vấn nạn nước thải và bảo vệ sự sống thủy sinh, thay vì bảo vệ phổi của con người.

Quy định khí thải Euro 7 có hiệu lực vào năm 2026 cũng sẽ bắt đầu hạn chế lượng khí thải bụi phanh, mặc dù có lẽ điều đó sẽ chỉ ảnh hưởng đến ô tô mới chứ không phải các bộ phận có sẵn của ô tô hiện có.

Hiện tại, trên thế giới có rất ít quy định quản lý ô nhiễm của ô tô không phải từ ống xả, bao gồm cả từ lốp xe, một nguồn lớn khác tạo ra các hạt bụi nguy hiểm. Như đã đề cập, xe điện sử dụng phanh tái tạo, nhưng chúng cũng có phanh ma sát thông thường, nên cũng tạo ra bụi phanh và chúng có xu hướng nặng hơn xe động cơ đốt trong, nghĩa là chúng tạo ra nhiều ô nhiễm từ lốp xe hơn.

Theo Carscoops/Đại học Southampton