"Cha đẻ" Louis Vuitton và Dior tiết lộ 4 bài học thành công kinh điển

Ninh An

(Dân trí) - Bernard Arnault luôn đề cao sự cân bằng sáng tạo và thực tế. Mặc dù LVMH là tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới nhưng ông vẫn giữ tinh thần làm việc như một công ty khởi nghiệp.

Theo xếp hạng của Forbes, tỷ phú Bernard Arnault giàu thứ 5 thế giới với khối tài sản của cả gia đình khoảng 190 tỷ USD. Với tầm nhìn chiến lược, tư duy sáng tạo và khả năng lãnh đạo xuất chúng, ông đã đưa LVMH trở thành tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới, sở hữu hàng loạt thương hiệu danh tiếng như Louis Vuitton, Dior, Givenchy và nhiều thương hiệu khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với Forbes, Bernard Arnault đã chia sẻ những bài học quý giá và bí quyết thành công trong kinh doanh.

Sáng tạo để tạo ra giá trị

Bernard Arnault nhấn mạnh vai trò then chốt của người dẫn dắt (mentor) trong sự nghiệp. Trong giới kinh doanh, người ông ngưỡng mộ nhất chính là Warren Buffett với triết lý đầu tư dài hạn và tính cách bền bỉ theo đuổi mục tiêu. Ông cũng đánh giá cao tài năng của Steve Jobs với khả năng sáng tạo và thực thi phi thường.

Warren Buffett và Steve Jobs có điểm chung là rất sáng tạo. Không ai có thể nghĩ sẽ có ngày Steve Jobs có thể biến Apple thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Ông đã làm được điều đó không chỉ bằng những ý tưởng đột phá mà còn từ cách thức quản lý hiệu quả. Bernard Arnault nhận xét Steve Jobs là hình tượng hoàn hảo cho sự kết hợp giữa tính sáng tạo và ý thức kinh doanh nhạy bén.

Tương tự, Bernard Arnault cũng luôn cố gắng biến sự sáng tạo thành giá trị kinh doanh. Để làm được điều này, ông cho rằng cần tạo môi trường cho những nhà thiết kế được tự do sáng tạo nhưng cũng không quá xa vời với thực tế, nhu cầu của đời sống.  

Theo đuổi hạnh phúc

Với Bernard Arnault, hạnh phúc thực sự khi lãnh đạo đội nhóm lên đỉnh cao, dù là trong kinh doanh, thể thao hay âm nhạc. Tiền bạc chỉ là hệ quả đến sau khi theo đuổi hạnh phúc.

"Tôi luôn nói với đội ngũ của mình đừng quá lo lắng về lợi nhuận. Nếu bạn làm tốt công việc của mình, lợi nhuận sẽ đến", ông chia sẻ. Tại LVMH, điều vị tỷ phú này quan tâm thực sự là một thương hiệu sẽ phát triển ra sao, có mang đến hạnh phúc cho khách hàng trong 5 năm hoặc 10 năm thay vì lợi nhuận trong 6 tháng tới.

Ví dụ, ông quan tâm làm thế nào để thương hiệu Louis Vuitton và khách hàng mua sản phẩm vẫn được ngưỡng mộ trong 10 năm nữa giống như ngày hôm nay.

Cha đẻ Louis Vuitton và Dior tiết lộ 4 bài học thành công kinh điển - 1

Tỷ phú Bernard Arnault (Ảnh: CNBC).

Học hỏi từ những sai lầm

Sai lầm là điều tất yếu trên hành trình kinh doanh. Bernard Arnault cho biết mình cố gắng không mắc quá nhiều sai lầm và học hỏi từ chính sai lầm cũ. Vị tỷ phú từng hối tiếc vì bán một doanh nghiệp quá sớm do thiếu kiên nhẫn. LVMH từng sở hữu doanh nghiệp mỹ phẩm kinh doanh không tốt trong 5 năm đầu tiên. Tuy nhiên sau khi về tay chủ mới, doanh nghiệp này lại phát triển mạnh mẽ.

Điều ông rút ra được là khi bạn có một doanh nghiệp không hoạt động tốt, điều quan trọng là phải hiểu rõ các vấn đề nội tại và kiên nhẫn giải quyết. Có thể mất nhiều năm trong ngành kinh doanh sáng tạo, một doanh nghiệp mới có thể hái quả ngọt.

Tỷ phú này lấy ví dụ về thương hiệu Sephora. Ông đã mua thương hiệu này vào năm 1998 khi mới chỉ có một vài cửa hàng. Ngày nay, Sephora là nhà phân phối lớn nhất các sản phẩm làm đẹp uy tín trên thế giới với doanh số hàng tỷ USD.

Luôn giữ tinh thần khởi nghiệp

LVMH là công ty đầu tiên hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh doanh sản phẩm hàng xa xỉ trên thế giới. Ban đầu, Bernard Arnault bị chỉ trích vì ý tưởng điên rồ này. Nhưng đến hôm nay, mọi người hiểu tầm nhìn của ông và một số thậm chí còn cố gắng bắt chước những gì LVMH đã làm. Tầm nhìn của Bernard Arnault đã tạo cho tập đoàn này lợi thế thương mại vô cùng lớn.

Ví dụ khi LVMH mua quảng cáo hoặc bất động sản sẽ có vị thế thương lượng và mức giá trả ra sẽ thấp hơn. Lợi thế này cũng giúp thu hút những người giỏi nhất làm việc với họ.

Điều mà Bernard Arnault luôn giữ là tinh thần kinh doanh năng động trong toàn tập đoàn. Ông luôn đề cao sự cống hiến hoàn toàn cho sáng tạo, chất lượng sản phẩm và tinh thần kinh doanh. Ông thường nói với đội ngũ của mình rằng cần cống hiến như thể đang làm cho một công ty khởi nghiệp.

"Đừng đến văn phòng quá nhiều. Hãy gặp gỡ khách hàng hoặc trực tiếp xem các nhà thiết kế làm việc", ông chia sẻ.

Vị tỷ phú thường ghé thăm các cửa hàng của LVMH mỗi tuần và quan sát các quản lý. Ông muốn thấy họ hiện diện trong cửa hàng chứ không phải trong văn phòng để xử lý giấy tờ.