Tâm điểm
Võ Quang Huệ

Hai xu hướng kinh tế và "tầng lớp vô dụng" mới

Thời gian gần đây, ChatGPT - một chương trình máy tính có thể thực hiện mệnh lệnh của con người, đã thu hút sự quan tâm của cả thế giới bởi khả năng vượt trội trong việc trả lời câu hỏi, làm toán, viết luận, soạn nhạc hay lập trình...

Cùng với sự phát triển chóng mặt của trí tuệ nhân tạo (AI), những tranh cãi xoay quanh tác động của AI lên sự thay đổi của các ngành nghề trong tương lai đang tiếp tục nóng lên. Tôi quan sát thấy đa số ý kiến nhìn nhận rằng nhiều ngành nghề sẽ chết dần và những ngành nghề mới ra đời.

Thậm chí mới đây mọi người còn bàn đến "tầng lớp vô dụng" mới. Theo thuật ngữ của Yuval Noah Harari - nhà nghiên cứu lịch sử người Israel, thì đây là những người không còn nằm trong lực lượng lao động dù vẫn có sức lao động, hay nói cách khác họ là giai tầng "vô tích sự" vì kỹ năng được đào tạo không còn sử dụng được trong thời đại mới.

Anh Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, thì đưa ra nhận định là trong tương lai gần, các lập trình viên, những người làm marketing, các nhân viên giao dịch xinh đẹp đang ngồi ở quầy ngân hàng… cho dù đều được đào tạo tử tế song sẽ mất việc. Đơn giản vì AI làm những việc đó tốt hơn con người.

Hai xu hướng kinh tế và tầng lớp vô dụng mới - 1

Một không gian làm việc hiện đại được tạo bởi DALL-E 3, mô hình ngôn ngữ tạo hình ảnh được phát triển bởi OpenAI (Ảnh do chuyên gia công nghệ Đào Trung Thành cung cấp)

Như vậy "tầng lớp vô dụng" mới không chỉ có lao động phổ thông, những công nhân bị thay thế bởi rô bốt do AI điều khiển trong các nhà máy, mà cả nhân viên văn phòng là những người tự tin rằng mình có học, có bằng cấp.

Những nhận định trên đặt ra thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp trước những xu hướng mới đang diễn ra trên toàn cầu. Ở đây tôi xin đề cập đến hai xu hướng quan trọng là kinh tế số và kinh tế xanh.

Về kinh tế số, World Bank định nghĩa: "Trong nền kinh tế số, các quá trình kinh tế được dựa trên các công nghệ số và các nền tảng số, giúp nâng cao năng suất, tăng cường tính cạnh tranh, mở rộng thị trường, tạo ra các cơ hội việc làm mới và cải thiện chất lượng cuộc sống".

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đề cập lâu nay đang trở nên gần hơn bao giờ hết. Các hệ thống sản xuất và dịch vụ trở nên thông minh hơn, linh hoạt hơn nhờ kết nối Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, máy học, robot, máy tính lượng tử...

Những doanh nghiệp mới không ngừng sản sinh trên nền tảng số, những mô hình kinh doanh mới xuất hiện có thể loại bỏ các tên tuổi hàng trăm năm. Sự ra đời các sản phẩm, dịch vụ mới và mô hình kinh doanh mới, kéo theo nhu cầu nhân lực trong các mảng phát triển phần mềm, thương mại điện tử, tiếp thị kỹ thuật số, phân tích dữ liệu, quản lý hệ thống, y tế số... Đồng thời cũng đào thải những nhân lực không theo kịp quá trình thay đổi này.

Những hệ thống tự động hóa lấy đi công việc của vô số người nhưng mang đến năng suất cao hơn nhiều lần. Doanh nghiệp đứng trước áp lực khi phải đầu tư sâu hơn cho hạ tầng số, đầu tư để có nguồn nhân lực đủ khả năng thích ứng với công nghệ mới, phương thức sản xuất mới.

Thách thức với mỗi doanh nghiệp, mỗi người lao động trong sự biến động đó nằm ở đâu là câu hỏi lớn buộc chúng ta phải "tư duy lại" một cách hệ thống. Bài toán của giáo dục nghề nghiệp ngay từ lúc này là đào tạo ra lực lượng lao động có khả năng làm chủ tự động hóa, có khả năng ra lệnh cho ChatGPT thay vì lo ngại bị nó đào thải.

Tại Việt Nam, từ năm 2020, Chính phủ đã xây dựng "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Mặc dù thực tiễn còn nhiều bất cập, nhưng rõ ràng nỗ lực của các cơ quan chức năng đã thúc đẩy nhanh chóng hơn việc tích hợp, mở rộng và kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Báo cáo "Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam năm 2022" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, cho thấy gần 40% doanh nghiệp đã dành ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ. Đây là bước tiến đáng kể nếu so với chỉ một năm trước. Nhìn lại báo cáo năm 2021, đa số doanh nghiệp đang ở bước tìm hiểu, tham khảo và chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số.

Sự thay đổi trên, như nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ yếu đến từ sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp.

Đây là những tín hiệu giúp chúng ta có thêm niềm tin vào những chuyển động tích cực hơn trong thời gian tới.

Về kinh tế xanh, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050 đi liền với các chương trình hành động quốc gia. Nhìn trên bình diện toàn cầu hay cụ thể là lộ trình giảm phát thải carbon của Chính phủ Việt Nam đề ra, ít nhiều sẽ cho chúng ta mường tượng về sức ép của tương lai xanh hóa nền kinh tế.

Vài cột mốc như: Từ năm 2023, doanh nghiệp bắt đầu báo cáo tự nguyện về phát thải nhà kính; năm 2025 sẽ thí điểm thị trường carbon và năm 2028 sẽ chính thức vận hành.

Lộ trình sẽ đi từ tự nguyện, thí điểm đến yêu cầu bắt buộc, áp lực đi liền với quyền lợi của doanh nghiệp.

Như vậy, kinh tế xanh là xu thế phát triển tất yếu nhằm tạo ra những giá trị kinh tế bền vững, dài hạn. Chúng ta không còn cách lựa chọn khác mà chỉ là sớm hay muộn. Các doanh nghiệp và tổ chức cần chú ý đầu tư vào các dự án, sản phẩm tạo ra giá trị kinh tế song song với việc tăng cường bảo vệ môi trường.

Các dự án này bao gồm nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hạ tầng xanh, công nghệ sạch và di chuyển xanh.

Qua cuộc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh này, hàng loạt ngành nghề mới cũng ra đời. Vậy nhân sự tại các công ty đang có những kỹ năng gì để có thể đáp ứng những thay đổi nêu trên trong "môi trường kinh doanh xanh"? Họ có được trang bị đủ những kỹ năng bao gồm quản lý tài nguyên, phát triển và triển khai các chiến lược phát triển bền vững và ứng dụng các công nghệ xanh?

Với cam kết net-zero vào năm 2050 của Việt Nam, khi thực hiện các chương trình hành động quốc gia, thiết nghĩ giáo dục nghề nghiệp cần chuyển biến mạnh mẽ trong việc đào tạo nguồn nhân lực mới cũng như đào tạo bổ sung cho những người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.

Giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, ở đây tôi không chỉ nói đến việc đào tạo trong các trường đại học mà chủ yếu muốn nói đến dạy nghề, những năm qua đã có sự phát triển tích cực, ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, thử đối chiếu bức tranh giáo dục nghề nghiệp với thực tiễn biến động của hai xu hướng kể trên, chúng ta sẽ nhận thấy những thách thức không nhỏ ở thị trường lao động.

Dù ở giai đoạn nào thì nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng cho sự phát triển và chuyển dịch của nền kinh tế Việt Nam.

Tác giả: Ông Võ Quang Huệ có 24 năm làm việc cho tập đoàn BMW tại Đức, khu vực Đông Nam Á, Mexico và Ai Cập. Ông Huệ cũng là tổng giám đốc đầu tiên của công ty Bosch tại Việt Nam (2007-2017); nguyên phó tổng giám đốc tập đoàn Vingroup, phụ trách đề án Vinfast. Hiện nay ông là thành viên Hội đồng trường Đại học Việt - Đức (VGU) và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), tổng giám đốc công ty Tư vấn VOCIS và là cố vấn cấp cao cho một số tổ chức, tập đoàn và startups tại Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!