Giữ rừng, đừng giữ những đồ gỗ "khủng" trong nhà
Chuyến đi thiện nguyện mới đây cho tôi cơ hội ngủ lại giữa bản làng người Ba Na (Bahnar), Bình Định, được uống rượu cần trong chum với hoa văn vô cùng độc đáo. Hàng chục năm trước gia chủ đã phải đổi cả con trâu để lấy bình rượu này.
Điệu cồng chiêng vòng quanh ngọn lửa thật thú vị vì ngoài "nam thanh nữ tú" còn có các bé tham gia với những nụ cười hồn nhiên. Các em lớp 2, lớp 3 rồi mà vẫn chưa nói thạo tiếng Việt, chỉ biết nhìn chúng tôi bằng những cặp mắt trong veo.
Đêm xuống, khí hậu mát mẻ nên giấc ngủ đến với tôi thật nhanh. Choàng tỉnh dậy khi ánh mặt trời chiếu qua khe cửa và hiện ra trước mắt tôi là một khung trời bình an. Tiết trời se lạnh, độ ẩm không cao như miền Bắc, kèm theo tiếng ve kêu, chim hót làm tôi như lạc vào xứ sở thần tiên.
Xung quanh xã An Toàn là hơn 25.000 ha rừng đặc dụng và hơn 22.000 ha đất lâm nghiệp quy hoạch thành rừng đặc dụng. Tổng số là gần 50 nghìn héc ta được bảo tồn rất tốt với những cây cổ thụ và thảm thực vật còn khá nguyên vẹn.
Chia sẻ với tôi, anh Nam, nguyên bí thư huyện An Lão, khẳng định giữ được rừng như vậy là nhờ toàn bộ vào đồng bào. Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn hiện nay chỉ có 25 biên chế (thiếu 20 chỉ tiêu so với quy định) làm sao ngăn được nạn lâm tặc, cháy rừng...
Điều bất hợp lý nhất chính là cho dù có bảo vệ rừng tốt, thu nhập của người dân nơi đây cũng chẳng khác gì những nơi rừng đã bị tàn phá. Cứ đúng quy định khoán cho các hộ dân 400.000 đồng/hecta/năm. Mỗi hộ chỉ nhận được tối đa 30 hecta rừng. Tổng cộng là 12 triệu đồng/năm nghĩa là cả nhà chỉ có thêm 1 triệu đồng mỗi tháng. Đồng bào không tốt, không yêu rừng chắc chắn số tiền ấy không ngăn được bất cứ lòng tham nào của những người đang canh hàng nghìn mét khối gỗ.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã kiến nghị Chính phủ quan tâm tăng mức giao khoán bảo vệ rừng từ 400.000 đồng/ha/năm lên 1 triệu đồng/ha/năm để tạo nguồn thu nhập cho hộ nhận khoán.
Tuy nhiên, theo tôi chắc còn lâu mới thành hiện thực. Tiền hỗ trợ 6 tháng năm 2021 vẫn chưa trả cho dân lấy đâu ra tăng thêm mà mơ ước!?
Giữ rừng bằng những chính sách thiết thực, ổn định đời sống đồng bào đang sống trong lòng rừng, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng ảnh viễn thám theo dõi, phát hiện sớm, cảnh báo phá rừng, cháy rừng … là những kiến nghị xác đáng.
Trên diễn đàn Quốc hội, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cuối năm 2020, tôi đã nêu thực tế là rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại. Cạnh đó, bão lụt, sạt lở ngày càng để lại hậu quả nặng nề.
Trong khi chúng ta hô hào trồng rừng thì nhiều nơi vẫn cho phép những đại dự án khởi công trong lõi rừng hay thủy điện "cóc" tiếp tục được duy trì hoạt động, thậm chí được cấp phép mới.
Nếu chúng không thay đổi, nhận thấy những sai lầm của mình thì thảm họa sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Việc này thật khó vì thay đổi trên văn bản, chỉ đạo, nghị quyết chúng ta đã làm nhưng thay đổi trong tư duy không dễ. Với rất nhiều người, trong đầu họ vẫn quan niệm gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ công nghiệp, khoe với khách đến nhà cái cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương, lim, sến, táu… rồi tự huyễn hoặc gỗ này được nhập từ nước khác, không phải từ phá rừng đặc dụng Việt Nam.
Không sử dụng gỗ tự nhiên như một sự khoe khoang giàu có là cái gốc để những cây cổ thụ giữa đại ngàn không tiếp tục bị đốn chặt. Làm sao để không còn những bộ trường kỷ nặng vài trăm cân, những lọ lục bình cao nhiều mét hay tấm phản dày cả gang tay… xuất xưởng chạy về những nhà trọc phú, những vị quan chức lắm tiền nhiều của.
Rừng chẳng phải của riêng ai nhưng giữ rừng là bảo vệ cho chính hơi thở của chúng ta và con cháu mình.
Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!