Phụ huynh Hà Nội ví "thi lớp 10 năm nay như chơi lô tô"

Mỹ Hà Thu Hoài

(Dân trí) - Tại Ngày hội "Tự tin vào lớp 10" vừa diễn ra tại Hà Nội, một phụ huynh cho hay, đây là năm đầu tiên lứa học sinh chương trình mới thi vào lớp 10 nên tâm lý như đang chơi lô tô.

Tâm lý như chơi lô tô khi thi chuyển cấp

Theo phụ huynh này, đây là năm đầu tiên học sinh thi theo chương trình mới để vào lớp 10, do đó phụ huynh và học sinh có tâm lý như đang chơi lô tô khi đặt bút đăng kí vào chọn trường.

Sở dĩ đưa ra ví von trên bởi theo phụ huynh này, năm ngoái Trường THPT Đoàn Kết - một trong những trường có chất lượng tốt ở quận Hai Bà Trưng, đột nhiên giảm điểm chuẩn xuống cực thấp, trong khi đó một số trường có chất lượng bình thường nhưng điểm tuyển sinh đầu vào tăng đột ngột.

Điều này gây khó khăn và bất ngờ cho cả phụ huynh, học sinh không biết chọn trường sao cho phù hợp lực học. "Vậy các nhà hoạch định chính sách có biện pháp nào khắc phục và giảm bớt tình trạng này hay không", phụ huynh đặt câu hỏi.

Phụ huynh Hà Nội ví thi lớp 10 năm nay như chơi lô tô - 1

Phụ huynh lo lắng đặt câu hỏi về tuyển sinh lớp 10 năm nay ở Hà Nội (Ảnh: D. Khang).

Theo ông Nghiêm Văn Bình, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội, mọi thông tin về kỳ thi đều đã được đăng tải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin của Sở GD&ĐT.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã thể hiện đầy đủ các hướng dẫn liên quan đến kỳ thi vào lớp 10 THPT tại các thông báo. Với những điều còn băn khoăn về kỳ thi, các em có thể hỏi thêm thầy cô.

Liên quan đến lựa chọn nguyện vọng vào trường mà phụ huynh thắc mắc trên đây, theo ông Bình, Hà Nội cho phép học sinh lựa chọn 3 nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập không chuyên.

Trong đó nguyện vọng 1 và 2 phải trong cùng một khu vực tuyển sinh phù hợp với nơi đăng ký thường trú hoặc nơi cư trú thực tế. Nguyện vọng 3 đăng ký trong một khu vực tuyển sinh bất kỳ của 12 khu vực tuyển sinh tại Hà Nội.

Để không phải chọn nhầm trường, ông Bình lưu ý các em khi đăng ký các nguyện vọng, cần cân nhắc không đăng ký nguyện vọng 1 và 2 vào cùng một tốp trường (có sức hút tương tự nhau, thể hiện ở số lượng đăng ký, điểm chuẩn những năm gần đây).

Khi học sinh đã đỗ nguyện vọng 1 sẽ không được xét tiếp nguyện vọng 2 và 3. Vì thế phải cân nhắc kỹ khi sắp xếp nguyện vọng. Sở GD&ĐT Hà Nội không cho phép điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã quá hạn đăng ký nguyện vọng.

Tại buổi tư vấn, nỗi lo lắng hiện rõ trên gương mặt của hàng nghìn phụ huynh, học sinh khi thông tư 29 của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 30/12 vừa qua đang ảnh hưởng tới tiến độ ôn thi tại các trường.

Phụ huynh Hà Nội ví thi lớp 10 năm nay như chơi lô tô - 2

Ông Nghiêm Văn Bình, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội (Ảnh: D. Khang).

Không học thêm liệu có đỗ trường công lập?

Châu - một học sinh đến từ Trường THCS Nguyễn Du cho hay: "Một tuần nay chúng em chỉ được học nửa buổi sáng. Buổi chiều, dù rất cần sự hướng dẫn của thầy cô nhưng chúng em vẫn phải tự ôn tập ở nhà". Theo Châu, Thông tư 29 khiến em cảm thấy áp lực khi phải tự học và ôn bài.

Một phụ huynh khác đặt câu hỏi: "Con tôi không học thêm, liệu có thể thi vào trường công lập không"?

Không trả lời thẳng vào câu hỏi của học sinh và phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), đặt ngược câu hỏi lại với học sinh: "Ở đây có bao nhiêu em đã tự tin với kỳ thi tới đây? Có bao nhiêu em đã làm hết các bài tập, trả lời các câu hỏi có trong sách giáo khoa một cách thấu đáo?".

Sở dĩ đặt câu hỏi này bởi theo ông Thành, các em hãy chủ động tự học, tự xây dựng cho mình một kế hoạch ôn tập.

"Các em thử cộng xem đã làm bao nhiêu bài tập, trả lời bao nhiêu câu hỏi trong sách giáo khoa. Rồi xem có bao nhiêu bài giống nhau, bao nhiêu bài khác nhau. Nếu chưa làm thì hãy làm đi, các em sẽ tự tin.

Phụ huynh Hà Nội ví thi lớp 10 năm nay như chơi lô tô - 3

Nỗi băn khoăn về kỳ thi lớp 10 THPT trên gương mặt phụ huynh Hà Nội (Ảnh: D. Khang).

Thông tư 29 có nhiều thay đổi về quy định dạy thêm học thêm nhưng điều tôi muốn thay đổi nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn là việc có kế hoạch tự học nhiều hơn, thay vì chờ đợi thầy cô giao bài, chờ thầy cô giảng giải để học sinh chép. Nếu không hiểu, chưa rõ thì có thể hỏi thầy, nhờ thầy cô giải đáp chứ không nhất thiết phụ thuộc vào nó", ông Thành nhắn nhủ.

Đồng quan điểm, ông Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng (Q. Cầu Giấy, Hà Nội), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập kế hoạch học tập và ôn tập hiệu quả.

Theo Ông Thông, việc lập kế hoạch rõ ràng giúp học sinh khắc phục điểm yếu, củng cố kiến thức vững chắc. Đặc biệt, học sinh cần duy trì thói quen tự học và tận dụng sự hỗ trợ của thầy cô để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình ôn tập

Học sinh cần xác định môn còn yếu để khắc phục, củng cố kiến thức đã học và đặt mục tiêu tự học 2-3 tiếng mỗi ngày. Quan trọng nhất chính là duy trì sự chủ động, kết nối với thầy cô và sử dụng tài liệu tham khảo phù hợp, ông Thông nói.

Chia sẻ về bí quyết tự ôn thi trong tuần qua khi các em đang tạm ngưng học thêm tại trường bởi thông tư 29, Châu cho biết, mỗi môn học em đều áp dụng phương pháp khác nhau. Quan trọng phải chia thời gian cho mỗi môn.

Với khối môn tự nhiên, em dành thời gian để có thể kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành. Riêng khối môn xã hội, ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, em còn chủ động tìm tòi thêm tài liệu tham khảo để mở rộng vốn hiểu biết. Bên cạnh đó, Châu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa học tập và sức khỏe.