"Con ghét sách"
Cô bé lớp 6 với đôi mắt ầng ậng nước nói với tôi: Con ghét sách. Ngay trong buổi trò chuyện của tôi với hơn 1.000 học sinh một trường THCS tại Hà Nội nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) năm trước. Tôi đã sững người và thay vì nói với các con về lợi ích của việc đọc sách, tôi phải nói với con về "quyền của người đọc".
Cô bé lớp 6 không phải là đứa trẻ duy nhất ghét sách. Rất nhiều đứa trẻ từ lười đọc sách chuyển sang ghét đọc sách. Cũng vì người lớn chúng ta (cha mẹ, thầy cô giáo) đã tước đoạt đi niềm vui đọc sách của lũ trẻ, biến nó thành nhiệm vụ có tính điểm số, thành một gạch đầu dòng thành tích trong báo cáo cuối năm các hoạt động của trường.
Cuối buổi trò chuyện hôm đó, tôi gặp riêng cô bé và lắng nghe tâm sự của con. Cô bé kể cho tôi nghe bằng sự tổn thương hiện hữu và vẫn đang tiếp diễn của một đứa trẻ. "Bố mẹ chưa bao giờ đánh con, nhưng con thà bị đánh đòn giống các bạn còn hơn phải chịu những hình phạt thay thế đánh đòn của bố mẹ". Như cô bé kể, mọi hình phạt mà cha mẹ áp dụng cho cô bé luôn luôn là: Đọc sách. Làm vỡ bát trong khi rửa bát: Đọc sách. Bị điểm kém: Đọc sách. Nói chuyện riêng trong giờ bị cô giáo nhắn vào sổ liên lạc điện tử: Đọc sách. Trông em để em khóc: Đọc sách.
Đến cả việc cô bé xem Tiktok (do bạn bè gửi): Đọc sách. Vì bố mẹ cấm tiệt xem Tiktok. Với bố mẹ, Tiktok là thứ văn hóa phẩm độc hại. Điện thoại chỉ dùng để học, trên đó cấm tiệt Youtube, Tiktok, Facebook…Tất cả những gì cô bé được xem chỉ là sách. Thưởng điểm cao cũng là sách. Phạt điểm kém cũng là sách. Thậm chí cô bé còn sợ điểm 9, điểm 10 vì thế nào cũng được bố mẹ tặng cho vài cuốn sách. Mà những cuốn sách đó lại chính là hình phạt phải đọc nếu như điểm kém.
Đợt trước, báo chí khen ngợi việc một ngôi trường ở TPHCM dùng việc đọc sách như phạt những học sinh bạo lực học đường. Có lẽ cũng bắt đầu từ lòng thương trẻ, lo lắng trẻ lười đọc sách của cha mẹ, thầy cô. Sách như thứ có thể dùng để cứu rỗi linh hồn lầm đường lạc lối của mỗi đứa trẻ. Đúng thôi, sách có những giá trị lớn lao nhưng nó không phải là đũa phép.
Nhiều đứa trẻ nói với tôi: Bố mẹ con lúc nào cũng coi điện thoại mắt không rời ngay cả trong bữa cơm, nhưng nếu con xem điện thoại dù lúc rảnh, sau giờ học, cũng bị bố mẹ mắng là suốt ngày dán mắt vào điện thoại thôi. Như cô bé lớp 6 này, cứ nhìn thấy sách là run bắn người lên. Niềm vui của đọc sách đã thành nỗi ám ảnh khiếp sợ lúc nào không hay. Chỉ là cha mẹ vẫn không cho là con mình đang có vấn đề. Vẫn cho rằng đọc sách như thuốc bổ vậy, không bổ dọc sẽ bổ ngang. Ai mà biết con mình bổ nhào, bổ chửng?
Tháng 4 nào cũng thế! Bắt đầu từ đầu tháng, tôi luôn kín lịch đi nói chuyện về văn hóa đọc, về lợi ích của sách vì tôi là một nhà văn, là anh Chánh Văn nói gì lũ trẻ cũng nghe. Nhưng tôi bắt đầu từ chối dần những cuộc đi như thế, khi mà tôi nhận ra nhiều trường mời tôi chỉ để thực hiện kế hoạch ngoại khóa đã lên lịch từ đầu năm học.
Tôi từ chối cả việc tham gia vào vai trò ban giám khảo, chấm các cuộc thi cảm nhận về sách khi mà nhà trường đưa ra 10 đầu sách do các thầy cô lựa chọn để học sinh viết cảm nhận. Còn gì chán ngắt hơn khi phải đọc 100 bài viết về cùng một cuốn sách và những cảm nhận na ná nhau như văn mẫu. Là vì nó được tính điểm vào môn Văn hệ số 1. Nên 100% học sinh phải viết. Cách tốt nhất mà chúng hay làm đó là copy nhau, sửa lại một chút cho khác đi.
Không chỉ tháng 4 đâu, Tết cũng thế. Có hẳn một trào lưu lì xì bằng sách cho trẻ con. Quả là tôi cũng có tham gia trào lưu đó mấy Tết trước. Cho đến khi tôi phải đối diện với sự thất vọng của những đứa trẻ khi chúng nhìn thấy tôi: À, cái chú này năm nào cũng lì xì sách cho mình đây. Cho đến khi nhiều cuốn sách tôi đã lì xì cho trẻ con, qua đến 3 cái Tết rồi vẫn còn nguyên chưa bóc ra. Của đáng tội, nhiều cuốn sách có bìa đẹp quá đến mức chỉ để trưng, còn giữ nguyên cả màng bọc bên ngoài.
Có một dạo, tôi đi khắp 15 nhà sách để tìm mua 1 cuốn sách cho con nhưng đến đâu cũng hết hàng, chỉ vì gần 2.000 học sinh của trường con tôi phải viết "Nhật ký đọc" về cuốn sách đó. Phải vậy mà nhiều công ty sách chỉ mơ sách của mình được đưa vào danh mục sách phải viết nhật ký đọc của các trường. Nhiều công ty sách chọn thư viện trường như một mỏ vàng kinh doanh, chọn các hội phụ huynh như khách hàng VIP, vì cứ dịp tổng kết cuối năm họ sẽ chi những khoản tiền lớn để mua sách làm phần thưởng cuối năm cho các con.
Đọc sách, xin hãy trở lại như một niềm vui, sự hứng khởi thay vì là một mệnh lệnh hành chính hay một hoạt động nhân tháng đọc sách, một gạch đầu dòng thành tích trong báo cáo của nhà trường hoặc sự tự mãn của phụ huynh khi con mình đọc sách.
Chúng ta đang khiến con trẻ từ lười đọc sách chuyển sang ghét đọc sách rồi. Đến cả truyện tranh, nhiều đứa trẻ bảo tôi: Bố mẹ không mua truyện tranh cho con, vì họ bảo truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn một đứa trẻ. Quả thực, là một người cha có 3 đứa con mê truyện tranh như tôi thì con sâu này đục khoét ví tiền của tôi trầm trọng thật. Mỗi cuốn truyện tranh con tôi chỉ đọc một nhoáng là xong, để đáp ứng lòng ham đọc của chúng, mỗi tháng tôi cũng tiêu tốn vài triệu. Huống chi nhiều cha mẹ đang thắt lưng buộc bụng. Mà giá sách thì tăng phi mã theo giá giấy công in, phí phát hành nhiều khi lên tới 40% giá bán. Cha mẹ nào mà chịu nổi nếu như tuần nào con họ cũng ngốn 500.000 đến 1 triệu đồng tiền sách.
Hãy trả lại niềm vui đọc sách cho các con. Đừng giới hạn sách giấy, sách chữ hay những cuốn sách cổ điển thời chúng ta. Có những cuốn sách ngày xưa khi lũ trẻ chúng ta chưa tiếp cận thế giới bên ngoài, chưa có Internet, phim Hollywood, mạng xã hội chúng ta thấy nó hay vô cùng. Như Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển, những truyện khoa học viễn tưởng, phiêu lưu, trinh thám… Bọn trẻ ngày nay đọc không còn thấy hấp dẫn chúng nữa thì mong gì chúng rút ra được bài học tình bạn hay thông điệp nhân văn? Như lũ trẻ nhà tôi xem Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa chỉ được vài trang là chán. Trong khi Harry Potter chúng có thể cày 7 tập liên tục.
Trẻ con là những gì chúng ta làm. Tôi đã luôn chia sẻ với các cha mẹ như vậy. Về việc một đứa trẻ thích đọc sách là bởi có cha mẹ thích đọc sách. Vốn là vậy và không có ngoại lệ đâu. Trong khi cha mẹ mỗi năm không đọc hết nổi một cuốn sách nhưng lại muốn con đọc sách mỗi ngày thì đúng là nhiệm vụ bất khả thi vậy.
Đọc sách cùng con. Không phải chỉ là cùng con đọc sách mà còn là cùng con tạo nên một khoảng thời gian chất lượng bên con. Để không chỉ mỗi người một cuốn sách, chúi mũi vào đọc mà còn là trò chuyện với nhau về cuốn sách đó, nói với nhau về những thứ lấp lánh mà bố thấy, mẹ thấy, con thấy trong cuốn sách đó.
Như buổi hôm ấy, trước hơn 1.000 học sinh của trường THCS nọ, tôi có chia sẻ với các con về 10 quyền của người đọc sách:
1. Quyền… không đọc
2. Quyền đọc nhảy cóc
3. Quyền... không đọc hết một cuốn sách
4. Quyền đọc lại
5. Quyền đọc bất cứ thứ gì
6. Quyền nhầm lẫn sách với đời thật
7. Quyền đọc ở bất cứ đâu
8. Quyền đắm mình vào một cuốn sách
9. Quyền đọc lớn tiếng
10. Quyền đọc trong thinh lặng
Không phải tôi tự bịa ra đâu, đó là của Daniel Pennac, một nhà văn người Pháp, ông đã nhận được giải Prix Renaudot năm 2007. Tôi thật lòng mong tháng 4/2024 này, ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, chúng ta trả lại sự vui vẻ, hứng thú trong việc đọc sách của con nhé các cha mẹ, thầy cô ơi!
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!