Giới trẻ sẵn sàng bỏ hàng giờ "chém gió" trên mạng nhưng ngại đọc sách
(Dân trí) - Giới trẻ hiện nay có thể lướt điện thoại nhiều giờ nhưng ở trên tàu, các nhà ga, hiếm thấy hình ảnh tay cầm cuốn sách đọc ngấu nghiến, thay vào đó, họ cắm cúi vào màn hình điện thoại.
Đọc sách kiểu "mì ăn liền"
Năm 2023, một trường học ở TPHCM gây xôn xao khi phạt học sinh bằng cách yêu cầu các em lên thư viện, tự chọn một cuốn trong ba bộ sách gồm: hạt giống tâm hồn, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Người con hiếu thảo. Sau đó, các em sẽ chọn một câu chuyện mà mình yêu thích để viết bài cảm nhận.
Nhiều người đánh giá, đây là cách làm hay, vừa giáo dục, vừa góp phần nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường bởi hiện nay học sinh, sinh viên thà bỏ nhiều giờ "chém gió" trên mạng xã hội nhưng ngại đọc sách.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí tại tọa đàm "Văn hóa đọc và đổi mới sáng tạo", do Trường Đại học Hà Nội tổ chức ngày 9/4, TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, thừa nhận mặc dù đã cải thiện nhưng giới trẻ hiện nay lười đọc sách hơn trước đây. Ngay bản thân từng là sinh viên của hai trường đại học nhưng đến bây giờ, ông thực sự tiếc nuối vì thời đó ít đọc.
"Trước đây khi ở nước ngoài, đi trên tàu, ở các nhà ga, chúng ta vẫn thấy hình ảnh nhiều người trên tay cầm quyển sách đọc ngấu nghiến nhưng bây giờ tay họ cầm điện thoại, mắt chăm chú nhìn vào màn hình.
Sinh viên bây giờ lười đọc sách vì họ có quá nhiều thứ để lựa chọn, các em ngoài giờ học có nhiều hoạt động và nhiều sự kiện khác, tranh thủ thời gian làm thêm, các hình thức giải trí phong phú hơn", TS Minh cho hay.
Cũng với góc nhìn này, bà Ira Tan, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Nhà xuất bản IEEE (Mỹ), nói rằng hiện giới trẻ có nhiều kênh tìm kiếm thông tin như TikTok, Instagram, Facebook… Họ có thể lấy thông tin từ đó qua các dạng video ngắn.
"Thời chúng tôi, một tháng có thể đọc hết một cuốn sách nhưng hiện nay các bạn trẻ khó tập trung đọc một cuốn sách hay giáo trình dài như trước đây bởi nhiều thứ khác thu hút các bạn hơn.
Tôi cho rằng, không phải các em lười đọc sách mà cách thu thập thông tin hiện nay đã thay đổi theo hướng khác", bà Ira Tan nhận định.
Theo TS Lê Thị Thành Huế, Giám đốc Thư viện ĐH Hà Nội, với sự biến đổi của khoa học, công nghệ hiện nay, ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa đọc của sinh viên. Do vậy, việc nhà trường tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa này, nhằm mong muốn cải thiện hơn nữa văn hóa đọc của sinh viên và cộng đồng.
Thư viện tự "lột xác"
Trả lời câu hỏi về việc nhiều bạn trẻ cho rằng, thay vì đọc hàng trăm cuốn sách, chỉ cần một cú click chuột giúp họ tìm kiếm thông tin nhanh hơn, TS Lương Ngọc Minh cho rằng, điều này chưa hoàn toàn đúng.
Theo ông, một cú click chuột giúp người đọc nhanh chóng tìm được nhiều thứ nhưng không giúp sinh viên thẩm thấu kiến thức, không giúp họ hiểu được giá trị đọc bởi mọi thứ lướt trôi qua rất nhanh.
"Giáo viên không nên khuyến khích học sinh, sinh viên đọc sách kiểu "mì ăn liền" như thế này. Nếu không khai thác sách và nguồn học liệu, chắc chắn các em sẽ thiệt thòi so với các bạn khác", ông nói.
Cũng theo TS Minh, để bắt kịp với thời đại, thư viện nhiều trường đại học đang "lột xác" bằng cách nhanh chóng chuyển đổi số. Theo đó, nhà trường khai thác hệ thống học liệu số, sinh viên vừa có thể đọc sách kiểu truyền thống, vừa đọc qua công nghệ.
Mặc dù vậy để có một thư viện hiện đại, ngoài yếu tố đầu tư tài chính, khó khăn lớn ở việc quản trị thư viện số, hệ thống dữ liệu phải đủ lớn để cung cấp học liệu theo nhu cầu người học.
TS Huế cũng thừa nhận, các thư viện rất cầu thị và nỗ lực "lột xác" chuyển đổi số nhằm thay đổi phương thức đọc. Nếu thư viện các nhà trường làm tốt việc chuyển đổi số, chắc chắn sẽ kéo sinh viên chăm đọc sách hơn bởi các em có thế mạnh công nghệ, có hiểu biết nhất định về giá trị nguồn tin. Để làm được điều đó, trước hết, các thư viện cần xây dựng không gian học tập đa tiện ích, thân thiện, đóng vai trò cầu nối để thu hút các em.
Bà Ira Tan cũng cho rằng, hiện nhiều trường đại học hàng đầu thế giới coi việc đọc sách rất quan trọng. Một số đại học triển khai môn đọc trong chương trình giáo dục cốt lõi ở bậc đại học và sau đại học.
Chẳng hạn Đại học Havard đã xây dựng hướng dẫn và tổ chức hội thảo để phát triển kỹ năng đọc của sinh viên. Hay trong chương trình học của Đại học Princeton có định hướng dành cho sinh viên đại học và các khóa đọc dành cho sinh viên sau đại học, do trưởng khoa trực tiếp quản lý…