Con đường "nhất nghệ tinh" của giới trẻ
Hiện nay, Việt Nam có 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp và 1.025 trung tâm đào tạo nghề. Số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy số người theo học nghề trong năm 2022 đạt 2,45 triệu, là mức cao nhất 5 năm qua. Kết quả này cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của hệ thống GDNN trên toàn quốc.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào thống kê tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 26% trong tổng số lao động, thì chúng ta sẽ thấy rằng số lao động có trình độ chuyên môn, có kỹ năng, có tay nghề vẫn rất thấp so với nhu cầu thực tế.
Mặt khác, theo báo cáo của Tổ chức Kinh tế và Hợp tác phát triển (OECD) năm 2021, năng suất lao động Việt Nam hiện còn thấp so với thế giới, chỉ bằng khoảng 15% so với Mỹ và Nhật Bản; bằng khoảng 35% so với các nước trong khu vực châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Chính vì thế, chỉ có nâng cao chất lượng đào tạo để tăng năng suất lao động mới cải thiện được tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, thu hút thêm đầu tư mới, nhất là đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong GDNN là một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng dạy nghề. Trong những năm qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ và đóng góp rất nhiều từ các chương trình và tổ chức quốc tế từ các nước như Đức, Úc, Nhật, Hàn Quốc và Anh…
Ở đây tôi xin đề cập một chương trình mà tôi có sự tham gia trực tiếp, đó là mô hình Dualbildung của Đức áp dụng tại Bosch Việt Nam và Vinfast. Đây là một chương trình đào tạo kép, bao gồm việc học qua thực hành trong một doanh nghiệp và lý thuyết tại một trường nghề.
Ở Đức, Dualbildung phổ biến rộng rãi và rất thành công. Gần 2/3 thanh niên Đức sau khi tốt nghiệp trung học bắt đầu khóa đào tạo kép. Mỗi khóa thường kéo dài 2-3 năm và kết thúc bằng một kỳ thi được tổ chức bởi các trường dạy nghề (Berufsschule) và các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nghề nghiệp (IHK, HWK và các cơ quan khác).
Con đường đào tạo kép là một lựa chọn hấp dẫn cho học viên, giúp họ có thu nhập hàng tháng trong quá trình đào tạo và cải thiện đáng kể cơ hội việc làm sau khi hoàn thành khóa học nhờ sự kết nối chặt chẽ giữa trường nghề và doanh nghiệp. Nó cũng là một phần quan trọng của nền kinh tế Đức, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuyển dụng được nhân viên có trình độ tốt, phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ.
Trong những năm qua, Bosch Việt Nam đã tiên phong thành lập Trung tâm Đào tạo kỹ thuật viên (Technische Gewerbeausbildung - TGA Bosch) ứng dụng mô hình đào tạo kép của Đức tại Việt Nam.
Tại TGA Bosch, học viên được hưởng nhiều phúc lợi khi tham gia chương trình đào tạo nghề kéo dài 3,5 năm. Chương trình bao gồm 25% học lý thuyết tại trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA 2 (Đồng Nai) và 75% đào tạo thực hành tại phân xưởng được Bosch trang bị máy móc hiện đại. Một số học viên tốt nghiệp hai khóa đầu tiên nay đã trở thành các trưởng nhóm, trưởng ca hoặc trưởng phân xưởng sau 3-4 năm làm việc tại nhà máy Bosch, có thu nhập cao tương đương kỹ sư tại nhà máy.
Đây là các trường hợp điển hình cho thấy học nghề vẫn có thể có thu nhập và cơ hội phát triển sự nghiệp cá nhân tốt. Trung tâm đào tạo TGA Bosch có uy tín rất cao, vì thế mười năm qua đặc biệt thu hút các học viên trẻ. Có học viên đã được tuyển sinh vào đại học vẫn quyết định đeo đuổi con đường "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" tại Bosch TGA.
Còn tại Vinfast, hơn 15 triệu USD đã được đầu tư để thành lập một trung tâm đào tạo kỹ thuật viên 100% theo mô hình đào tạo kép Dualbildung, tương tự như tại TGA Bosch Việt Nam. Điểm khác biệt lớn nhất so với TGA Bosch là toàn bộ chương trình đào tạo lý thuyết và thực hành được thực hiện ngay tại Trung tâm Đào tạo Vinfast và các giáo viên đã được đào tạo thêm tại Đức.
Trong 10 năm qua, tôi có cơ hội tham gia tổ chức và điều hành, cũng như chứng kiến những thành công đáng kể của hai trung tâm đào tạo Bosch và Vinfast nêu trên.
Từ những kinh nghiệm và thành tựu đó, tôi có thể khẳng định việc liên kết và hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sẽ giúp thúc đẩy phát triển GDNN bám sát nhu cầu của thị trường lao động ở Việt Nam.
Con người trong ngành kỹ nghệ
Một câu hỏi đặt ra là những người thợ qua chương trình đào tạo kép có tố chất gì khác biệt so với lao động thị trường lao động nói chung?
Thứ nhất, các ngành công nghiệp vận hành đúng như tinh thần của người Việt Nam mình hay nói, đó là "kỷ luật, kỹ thuật và năng suất cao". Điều này cũng gần với những khái niệm "nhất nghệ tinh" hay "học đi đôi với hành". Việc đào tạo 25% lý thuyết với 75% thực hành cho thấy "hành" rất quan trọng bởi người học được học thông qua máy móc, thông qua những chương trình đào tạo xuyên suốt, có thời gian đi vào thực tập trong doanh nghiệp
Ngay từ giai đoạn đào tạo, người thợ có cơ hội học và rèn luyện tác phong làm việc trong ngành kỹ nghệ: học tính kỷ luật, đúng giờ, có tinh thần trách nhiệm và làm việc tuân thủ quy trình. Sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam, và ngay cả trong cuộc sống cũng vậy, tôi nhận ra những điểm yếu quan trọng nhất ở người thợ Việt Nam không phải nằm ở chuyên môn mà ở tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và thiếu tinh thần làm việc theo quy trình.
Trong các quy trình kỹ nghệ, mỗi con người chịu trách nhiệm ở từng công đoạn, là một mắt xích trong toàn quá trình đó. Chỉ cần một người không hoàn tất hoặc không đảm bảo sẽ phá vỡ cả một quy trình, một chuỗi sản xuất, dẫn tới sản phẩm hay dịch vụ đầu ra kém chất lượng.
Muốn như vậy, người thợ phải nhất quyết tuân thủ quy trình, đúng yêu cầu, đảm bảo quy chuẩn chất lượng. Quan trọng nhất là kỷ luật, nhưng kỷ luật ở đây là làm việc phải chuẩn xác, không bỏ dở hay chấm dứt công việc khi chưa hoàn thành trách nhiệm hoặc không làm đúng theo yêu cầu kỹ thuật được giao. Chúng ta không nên nhầm lẫn với khái niệm "làm việc có tâm" hay "đạo đức nghề nghiệp" khi nói về tính kỷ luật và trách nhiệm.
Điều đó cũng cho thấy qua những con người có kiến thức ngang nhau, chuyên môn như nhau nhưng trong những môi trường đào tạo khác sinh ra những người thợ khác nhau.
Nhận thức xã hội về nghề nghiệp
Thực tế, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường tại Việt Nam còn yếu và lỏng lẻo, không đủ bù đắp cho những mắt xích của các ngành kỹ nghệ. Chúng ta có những điển hình đào tạo nghề thành công nhưng vì sao việc nhân rộng và phổ quát là không dễ, trong khi công nghệ thay đổi từng ngày, những mô hình kinh tế mới, sản xuất mới đòi hỏi những cải tiến, đổi mới liên tục.
Theo tôi, nhận thức xã hội về nghề nghiệp là vấn đề quan trọng nhất khiến các trường nghề khó phát triển nhanh, bởi cả xã hội lẫn gia đình tại Việt Nam bấy lâu này đều ưu tiên cho giáo dục đại học.
Tư duy chung của xã hội Việt Nam là thiếu tinh thần nghề, chỉ mong muốn vào đại học. Thực trạng này dẫn đến cảnh thừa thầy thiếu thợ, hoặc cả thầy lẫn thợ đều không thể "nhất nghệ tinh" trong môi trường công nghiệp lẫn nghiên cứu hàn lâm.
Trong khi xã hội cần rất nhiều thợ và một số lượng đủ về người thầy. Chính vì tinh thần xã hội như vậy nên mong muốn GDNN phát triển nhanh là một thách thức lớn, nếu nền GDNN không cho thấy thông qua học nghề người ta vẫn làm ra tiền, ổn định được cuộc sống và có cơ hội phát triển về nghề lẫn sự nghiệp.
Làm sao các gia đình cảm thấy con em họ có một nghề trong tay là cơ hội thật sự, là con đường ngắn và tốt để lập nghiệp, thì họ mới khuyến khích con em lựa chọn và phấn đấu học nghề.
Quan điểm về giáo dục cả về tuyển dụng phải cho người học nghề thấy rằng họ không phải "bậc thấp" của xã hội, có đủ điều kiện phát triển tri thức không khác biệt so với con đường vào đại học. Sự khác biệt chỉ là về cách thức lựa chọn con đường đi đến điểm cuối cùng, chứ không phải chỉ có đại học là lựa chọn duy nhất cho tương lai.
Hệ đào tạo này ở nhiều nước phát triển mạnh, tạo ra những con người dẫn dắt chuỗi sản xuất còn chúng ta đang bị khó khăn vì tư duy về đào tạo nghề nghiệp như nêu trên. Thái độ xã hội đó cũng làm hạn chế nhận thức và cách tiếp cận nghề nghiệp của thanh niên.
Về cách thức đào tạo, với điều kiện công nghệ hiện đại, chúng ta cần thay đổi mạnh mẽ cách học từ chương truyền thống. Tạo ra các phương pháp dạy học mới trên các nền tảng đa phương tiện, qua đó dễ dàng thuê các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước dạy online, học qua video trình chiếu, mô hình giả lập, hướng dẫn thảo luận.
Cách học đa dạng vừa nhìn, vừa thấy, vừa nghe dựa trên một lớp học mới hoàn toàn khác so với trước. Mặc dù nhiều năm qua đã có những đổi mới nhất định nhưng theo tôi Việt Nam vẫn phải suy nghĩ chuyển đổi mạnh mẽ càng sớm càng tốt.
Vai trò của người thầy trong đào tạo nghề cũng khác với giáo dục hàn lâm vốn thiên về lý thuyết từ chương. Trong đào tạo nghề, cần những người thầy phải tinh về nghề, có kinh nghiệm thực hành trong ngành công nghiệp đó, am hiểu các chuẩn mực về nghề.
Muốn nghệ tinh thì phải học. Tinh thần học mãi không ngừng cũng rất quan trọng. Cho nên người thầy phải không ngừng rèn giũa nghề nghiệp của mình thông qua thực hành.
Tóm lại, theo tôi đòn bẩy quan trọng để phát triển GDNN đạt cả lượng và chất tại Việt Nam trong thời gian tới là đẩy mạnh hơn nữa "sự liên kết win-win" giữa các nhà trường và doanh nghiệp. Việc này đồng thời giúp thay đổi nhận thức xã hội về nghề để con đường "Nhất nghệ tinh" thu hút được giới trẻ. Chỉ khi nào có sự chuyển biến đồng thời và mạnh mẽ cả hai việc này thì mới có cơ sở đạt được những mục tiêu về xây dựng nguồn nhân lực.
Điểm nhấn tiên quyết của quá trình GDNN là học đi đôi với hành, đổi mới phương thức đào tạo theo cách tiếp cận hiện đại và tổ chức rèn luyện học viên mạnh mẽ hơn nữa về tác phong lao động, tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và sự am hiểu quy trình mà mình tham gia.
Thiết nghĩ đây chính là những giải pháp giúp phát triển nguồn nhân lực làm việc có năng suất cao hơn, đáp ứng sự phát triển và chuyển dịch của nền kinh tế Việt Nam.
Tác giả: Ông Võ Quang Huệ có 24 năm làm việc cho tập đoàn BMW tại Đức, khu vực Đông Nam Á, Mexico và Ai Cập. Ông Huệ cũng là tổng giám đốc đầu tiên của công ty Bosch tại Việt Nam (2007-2017); nguyên phó tổng giám đốc tập đoàn Vingroup, phụ trách đề án Vinfast. Hiện nay ông là thành viên Hội đồng trường Đại học Việt - Đức (VGU) và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), tổng giám đốc công ty Tư vấn VOCIS và là cố vấn cấp cao cho một số tổ chức, tập đoàn và startups tại Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!