Cơ chế nào để "người dạy đủ sống"?
Tháng trước, khi một người bạn nhắn tin đã quyết định từ bỏ công việc giáo viên tiểu học để chọn theo nghề bán bảo hiểm nhân thọ, tôi hình dung rằng nhiều giáo viên khác chắc cũng khó có thể sống với nghề sư phạm, nhưng tôi không biết số lượng giáo viên bỏ nghề trong thời gian gần đây là bao nhiêu.
Băn khoăn của tôi có câu trả lời khi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 15/8 vừa qua, số liệu từ đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho hay chế độ, chính sách đãi ngộ với giáo viên chưa đủ sức hấp dẫn; năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục.
Đây không phải vấn đề mới và cũng không phải tất cả giáo viên nghỉ việc đều hoàn toàn do thu nhập, nhưng nếu không có giải pháp căn cơ thì chắc chắn sẽ là câu chuyện không có hồi kết, cho dù chúng ta có nói với nhau bao nhiêu lần "Giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Vẫn theo đoàn giám sát, hiện cả nước còn thiếu 106.945 giáo viên, trong đó thiếu 62.877 giáo viên phổ thông, còn giáo viên thừa cục bộ là 5.091 người. Số lượng giáo viên đang thiếu rất lớn và số nghỉ việc thì chưa dừng lại.
Tôi có một thời gian làm trong ngành sư phạm, dù là trường tư thục với thu nhập khá so với mặt bằng chung, song tôi đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp xin nghỉ việc và đi theo những ngành nghề khác ít gò bó hơn, thu nhập tốt hơn. Thế hệ chúng tôi lớn lên cùng với câu truyền miệng "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Vào thời điểm cách đây 10-20 năm, cái khó của nghề giáo là tìm được một công việc biên chế trong các trường công lập - đôi khi phải chạy vạy cả vài chục đến hàng trăm triệu đồng, để rồi loay hoay với mức lương thấp.
Tuy nhiên, khi biên chế giờ đây không còn là một điều gì quá đỗi hấp dẫn cùng với số lượng các trường tư thục ngày càng nhiều, tăng thêm sự lựa chọn cho sinh viên ngành sư phạm, tại sao tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra?
Tình trạng thiếu giáo viên không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Mỹ, vấn đề này cũng được đánh giá rất nghiêm trọng. Viện Chính sách kinh tế EPI ước tính con số giáo viên cần bổ sung tại Mỹ lên tới 300.000 người.
Tại một số vùng nông thôn của Mỹ, tình trạng thiếu giáo viên khiến nhiều trường học phải thuê người nước ngoài đến Mỹ dạy học, rộng cửa hơn với chính sách visa. Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên cũng mất cân đối giữa các môn học khi những "môn phụ" như công nghệ, lịch sử luôn thiếu giáo viên hơn so với các "môn chính" như Toán - Văn - Anh.
Là một người đang theo học tại Mỹ, tôi thấy có những điểm chung trong bất cập thiếu giáo viên ở cả hai nước.
Thứ nhất, thu nhập là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng tới số lượng giáo viên. Số liệu từ Tổng cục thống kê năm 2020 cho thấy thu nhập trung bình của những người làm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là hơn 7 triệu đồng/tháng, bao gồm các đơn vị giáo dục cấp cao như đại học.
Tổ chức Value Champion thực hiện nghiên cứu trong năm 2019 về lương trung bình của giáo viên phổ thông trên 16 quốc gia và vùng lãnh thổ với kết quả cho thấy giáo viên Việt Nam có mức lương thấp nhất so với GDP bình quân đầu người. Tuy còn nhiều hạn chế với số lượng các quốc gia tham gia ít, nghiên cứu này vẫn phần nào phản ánh câu chuyện lương thấp tại Việt Nam - một trong những nguyên nhân dẫn đến các trường hợp nghỉ việc của giáo viên trong nhiều năm qua.
Còn tại Mỹ, nếu như vào năm 1979, mức lương hàng tuần của giáo viên (tính theo tỷ giá USD 2021) rơi vào khoảng 1.052 USD (gần 25 triệu đồng), đến năm 2021 con số này là 1.348 USD (khoảng 32 triệu đồng). Nghiên cứu của Viện chính sách kinh tế EPI cũng cho thấy người tốt nghiệp ngành sư phạm có mức lương thấp hơn các ngành khác 32.9% vào thời điểm năm 2021. Báo chí phản ánh trong thực tế, không ít giáo viên tại Mỹ phải làm thêm 1-2 công việc khác để trang trải cuộc sống. Tôi từng được nghe những câu chuyện về giáo viên chạy Uber thêm sau giờ dạy, ngại ngùng khi nhìn thấy hành khách là phụ huynh và học sinh của chính mình.
Trong khi lương thấp, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, lý do thứ hai khiến nhiều giáo viên không còn đam mê với công việc là áp lực từ cả nhà trường lẫn phụ huynh học sinh. Mới đây, dư luận Hàn Quốc xôn xao về việc một giáo viên nữ tự tử, nghi do những áp lực từ công việc và sự lăng mạ của phụ huynh. Những chuyện đau lòng như vậy không mang tính đại diện cho toàn ngành, nhưng ở Việt Nam chúng ta cũng ghi nhận không ít sự việc phụ huynh xông vào trường mắng chửi, đánh giáo viên.
Nhà trường luôn đòi hỏi giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, chương trình học thay đổi liên tục với sách giáo khoa mới, quy chế thi cử mới, còn các phụ huynh thì ngày càng đặt nhiều trách nhiệm lên vai giáo viên.
Không ít phụ huynh coi công việc giáo viên như một dịch vụ đơn thuần, "chúng tôi trả tiền và giáo viên phải có trách nhiệm dạy dỗ, chăm lo cho con em chúng tôi". Ở Mỹ nhiều giáo viên còn phải chịu đựng các vấn đề xã hội như sắc tộc, tư tưởng chính trị, giới và tính dục…
Thứ ba, khối lượng công việc lớn khiến nhiều giáo viên không mặn mà với công việc. Đại dịch Covid-19 là một phép thử với nhiều giáo viên khi việc học chuyển từ nền tảng trực tiếp sang trực tuyến, vốn không phải điều dễ dàng với đa phần các giáo viên ít tiếp xúc với nền tảng công nghệ.
Nếu như với nhiều nghề nghiệp, làm ngoài giờ là một lựa chọn hoặc được trả lương xứng đáng thì với giáo viên, đây đã trở thành một phần công việc khi ngoài giờ dạy trên lớp, giáo viên còn phải chấm bài, soạn giáo án, trao đổi với phụ huynh, tham gia các hoạt động khác trong trường học…
Thời còn sinh viên, tôi đã từng được người quen giới thiệu công việc chấm bài thuê cho giáo viên với mức 3.500 đồng cho một bài kiểm tra một tiết. Một lớp 50 học sinh cũng tốn khoảng 2 tiếng để chấm bài cẩn thận, thử hỏi như vậy thời gian đâu cho giáo viên với cuộc sống gia đình và công việc riêng?
Thời chúng tôi đi học, giáo viên là một nghề cao quý. Nhiều thầy cô nói bám trụ với nghề dù lương thấp vì hiểu giá trị của nghề giáo mang đến cho xã hội, cũng như nhận được sự tôn trọng, yêu quý của học sinh. Trong xã hội khi mà sự tôn trọng dành cho giáo viên giảm dần, tỷ lệ nghịch với áp lực công việc, tôi tự hỏi điều gì sẽ níu chân những người thầy cô ở lại với nghề?
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2026, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình cấp có thẩm quyền tuyển thêm gần 66.000 biên chế giáo viên, phần nào bổ sung vào những nơi đang thiếu hụt. Tôi nghĩ rằng các giáo viên đang làm việc cũng như lực lượng mới bổ sung đều quan tâm đến những câu hỏi chưa được trả lời rõ ràng, nhất là lộ trình tăng lương giáo viên cụ thể ra sao? Còn về phía xã hội, nhiều người sẽ quan tâm đến câu hỏi làm cách nào để tăng chất lượng giáo viên khi điểm chuẩn vào ngành sư phạm đang thấp hơn nhiều ngành khác, và chế độ đãi ngộ cũng thấp hơn?
Quay trở lại Việt Nam sau khi học xong chương trình thạc sĩ, tôi mong muốn có thể làm công tác giảng dạy ở bậc đại học. "Làm sao để giáo viên sống được bằng nghề" là một câu hỏi là một trăn trở cho những người thầy cô, người đồng nghiệp cũ, bạn bè và cả bản thân tôi trong tương lai.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!