Các bước cải cách thị trường điện Việt Nam
Những khó khăn, thử thách của tình trạng thiếu điện trong năm 2023 tuy mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực, cũng là dịp để ngành điện, các cơ quan hữu trách đánh giá, nhìn nhận lại ưu, nhược điểm để khắc phục và tiến lên phía trước.
Theo quan sát của tôi, hiện nay ở Việt Nam đã có sự đồng thuận rằng thị trường năng lượng, thị trường điện là hướng đi đúng đắn, cần tiến hành khẩn trương để làm tiền đề phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên cho đến nay, cải cách thị trường điện còn nhiều bất cập. Đơn cử như chúng ta vẫn chưa có thị trường bán buôn điện đúng nghĩa, mới chỉ là thị trường cạnh tranh về phát điện vì các đơn vị mua buôn điện để cung cấp dịch vụ bán lẻ điện vẫn thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nghĩa là còn độc quyền trong mua buôn và bán lẻ điện.
Để có thể thu hút vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển rất lớn như quy hoạch điện VIII đã dự báo (tổng dự toán đầu tư nguồn và lưới điện giai đoạn 2021-2030 khoảng 135 tỷ USD), Việt Nam cần các cơ chế thị trường điện phù hợp, xứng tầm. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đối chiếu với hiện trạng thị trường điện Việt Nam, tôi cho rằng các điều kiện cần chính yếu để Việt Nam có thể tiến tới một thị trường bán lẻ điện cạnh tranh - cấp độ cuối của cải cách thị trường điện - bao gồm:
Đầu tiên, cơ sở pháp lý đủ mạnh. Luật Điện lực cần được sửa đổi theo hướng thông thoáng và trao thẩm quyền nhiều hơn cho Chính phủ, các cơ quan quản trị ngành năng lượng, điện lực để điều chỉnh, cập nhật các quy định điện lực kịp thời với thay đổi nhanh chóng của thực tế;
Thứ hai, cơ chế quản trị thị trường điện phù hợp. Trung tâm Điều độ quốc gia (A0) đã có quyết định tách ra khỏi EVN, chuyển về Bộ Công Thương để thực hiện chức năng vận hành thị trường điện và hệ thống điện độc lập, phi lợi nhuận.
Các chức năng quản trị khác như ra chính sách, thiết kế, lập và quản lý quy định thị trường điện, điều tiết thị trường điện cũng cần hoạt động độc lập, có đủ thẩm quyền và nguồn lực để xây dựng và vận hành các cơ chế thị trường điện;
Thứ ba, thị trường bán buôn điện cần hoàn chỉnh như thiết kế đã phê duyệt năm 2015, đồng bộ và liên thông với thị trường hoặc cơ chế quản lý của các phân ngành khác của ngành năng lượng như than, khí.
Đồng thời, Việt Nam cần xem xét thiết kế lại thị trường điện có tính đến mức độ tham gia rất lớn của năng lượng tái tạo trong tương lai. Trong đó, nên xem xét và lựa chọn một cơ chế thị trường công suất phù hợp để có thể thay thế cơ chế Quy hoạch điện tập trung hiện hành, nhằm đảm bảo độ tin cậy dài hạn, đủ công suất và năng lượng cho nhiều năm tới trong tương lai.
Về bản chất, thị trường công suất giống các Quy hoạch điện trong việc xác định thiếu hụt công suất nguồn lưới cho tương lai, nhưng sẽ được tiến hành với chu kỳ ngắn hơn như hàng năm, hoặc mỗi hai năm thay vì 5 năm như các Quy hoạch điện hiện nay. Với chu kỳ ngắn hơn, thị trường công suất giúp hệ thống điện sớm có đủ công suất linh hoạt cần thiết từ các nguồn có thể điều khiển được như thủy điện, nhà máy điện khí, thiết bị lưu trữ năng lượng, đáp ứng nhanh phía nhu cầu nhằm tích hợp và bình ổn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện;
Thứ tư, thực hiện các hạng mục tái cơ cấu đã đề ra theo lộ trình được phê duyệt, trong đó nhanh chóng tách chức năng dịch vụ lưới điện phân phối và dịch vụ bán lẻ; cho phép các nhà đầu tư nhà nước và tư nhân mới tham gia cạnh tranh trong khâu cung cấp dịch vụ bán lẻ điện; đảm bảo tính mở, công bằng trong truy cập các dịch vụ lưới truyền tải và phân phối cho tất cả các công ty bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện lớn có đủ năng lực muốn tham gia thị trường điện;
Thứ năm, phát triển đội ngũ lãnh đạo, nhân lực am hiểu thị trường điện, chuyển đổi năng lượng bền vững để ra chính sách, thiết kế, xây dựng và tham gia vận hành thương mại các thị trường điện phù hợp và hiệu quả cho Việt Nam.
Với các hạng mục nêu trên, cải cách ngành điện để tiến tới thị trường bán lẻ điện là một công cuộc chuyển đổi toàn diện, phức tạp, quy mô lớn, có tác động rất lớn đến nhiều tổ chức, con người trong ngành điện cũng như đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội Việt Nam.
Hiện nay khi bàn các vấn đề ưu tiên trong ngành điện, chúng ta thường nói tới dự án phát triển nguồn và lưới điện, còn các đề án/dự án ưu tiên về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện chỉ được nêu một cách chung chung, chưa cụ thể.
Tôi cho rằng cải cách thị trường điện cần nhanh chóng được xem xét định danh, phân loại cụ thể, riêng biệt và rõ ràng là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành năng lượng, cần ưu tiên hàng đầu.
Thật vậy, cải cách thị trường điện đáp ứng nhiều tiêu chí và luận chứng của dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện theo quy định hiện hành, đặc biệt là các tiêu chí "đảm bảo an ninh cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội", "đảm bảo tính đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực và các quy hoạch năng lượng khác", "đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện quốc gia giữa nguồn điện chạy nền, nguồn điện năng lượng tái tạo và phụ tải (thủy điện tích năng, pin lưu trữ năng lượng...)", và "hiệu quả kinh tế - xã hội cao".
Với quy mô lớn của thị trường điện Việt Nam, cơ chế mua bán điện không phù hợp sẽ dẫn đến những rủi ro rất lớn cho toàn xã hội.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy những thay đổi hay bất định trong chính sách năng lượng, thiết kế và cơ chế vận hành thị trường điện là một trong những rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư phát triển điện lực, các công ty tham gia thị trường điện lực và cả khách hàng.
Dự án cải cách thị trường điện có thể mang lại nhiều tỷ USD lợi ích kinh tế - xã hội dài hạn. Vì vậy tôi khuyến nghị cần một cơ quan chuyên trách thực hiện cải cách bài bản, khoa học.
Một số nước trong khu vực quanh ta đã thành lập những tổ chức chuyên trách thực hiện cải cách thị trường điện cho công cuộc chuyển đổi năng lượng bền vững, ít phát thải khí nhà kính của riêng họ. Với quy mô thị trường điện tương đồng Việt Nam, Úc có Ban An ninh năng lượng (Energy Security Board) để điều phối nhiều chương trình cải cách thị trường điện từ tháng 8/2017 nhằm thiết kế mới, nâng cấp thị trường năng lượng cho sau năm 2025.
Malaysia là quốc gia có hiện trạng cải cách thị trường điện khá giống Việt Nam. Họ đã có một cơ quan chuyên trách hoạch định, quản lý và điều phối cải cách ngành điện là MyPOWER (Malaysia Program Office for Power Electricity Reform Corporation) và hiện đang có những bước chuẩn bị và hành động khẩn trương để cải cách thị trường điện toàn diện cho sau 2030.
Ngày 22/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng. Với vị thế, quy mô và khát vọng phát triển của Việt Nam, tôi cho rằng Chính phủ cần nhanh chóng thiết lập một tổ chức chuyên trách phù hợp quản lý, điều phối dự án cải cách thị trường điện Việt Nam (cơ quan chuyên trách) để không bị chậm lại phía sau các nước trong khu vực.
Tôi đã từng đề xuất xem xét thành lập ngay một Ban Cố vấn chuyên trách về cải cách ngành điện và năng lượng, và để hoạt động một cách hiệu quả, Ban Cố vấn này nên độc lập với các cơ quan đang điều hành ngành điện, mặc dù sẽ tham vấn và cộng tác chặt chẽ với các cơ quan này.
Ban Cố vấn có thể là một bộ phận nòng cốt cho cơ quan chuyên trách, là tập thể những người không chỉ có chuyên môn, am hiểu thị trường điện, năng lượng mà còn có tinh thần cải cách, sẵn sàng làm tác nhân (reform/change agent) giúp lãnh đạo và quản lý cải cách thị trường điện Việt Nam.
Tác giả: Thái Doãn Hoàng Cầu là tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện và có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong thị trường điện Úc. Ông là tác giả của cuốn sách "Thị trường điện: các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý" do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản vào tháng 10/2022. Cuốn sách 20 chương, 750 trang này cung cấp những kiến thức liên ngành và kinh nghiệm thực tiễn cần biết nhằm giúp ngành điện Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho thị trường điện.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!