Tâm điểm
Bích Diệp

Bảo hiểm bắt buộc với xe máy: Bỏ hay giữ?

Kiến nghị bỏ quy định bảo hiểm bắt buộc đối với xe gắn máy hiện đang thu hút sự quan tâm của công chúng. Một trong những cơ sở để Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra đề xuất này là tỷ lệ chi trả bảo hiểm trên thực tế quá thấp.

Cụ thể, theo VCCI, chính sách về bảo hiểm bắt buộc với xe máy đã tồn tại hơn 30 năm, trải qua nhiều lần sửa đổi nhưng hiệu quả mang lại cho xã hội rất thấp, thể hiện qua số tiền chi trả ít ỏi, chỉ bằng 6% so với chi phí xã hội phải bỏ ra (năm 2019 chỉ có 45 tỷ đồng được chi trả trên tổng số 765 tỷ đồng phí bảo hiểm).

Trong khi đó, ai cũng biết rằng, ở Việt Nam đa số người dân đều sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại. Dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong quý III/ 2022, có tổng cộng 762.154 xe đã được bán ra, tăng 207,65% so với cùng kỳ năm 2021 và lũy kế từ đầu năm cho tới hết tháng 9/2022, người Việt đã mua hơn 2,17 triệu xe máy. Tính bình quân, mỗi ngày, người Việt mua khoảng 8.000 chiếc xe máy mới.

Tuy nhiên thống kê trên vẫn được cho là chưa đầy đủ vì VAMM chỉ bao gồm 5 thành viên, trong khi trên thị trường còn có các dòng xe nhập khẩu thông qua các đơn vị tư nhân, xe máy điện Vinfast và một số nhà sản xuất nhỏ khác. Theo chuyên trang MotorCycles Data, Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ xe gắn máy lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á.

Bảo hiểm bắt buộc với xe máy: Bỏ hay giữ? - 1

Cảnh tắc đường ở Hà Nội trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019 (Ảnh minh họa: Hữu Nghị)

Qua đó thấy rằng, diện bao phủ của chính sách bảo hiểm xe máy là rất lớn, tác động đến đại bộ phận dân chúng trên cả nước. Khi lượng xe bán ra tăng lên thì cũng đồng nghĩa với tăng doanh thu bảo hiểm xe máy - và việc đóng bảo hiểm trở thành một nghĩa vụ, một gánh nặng chi phí với người dân trong khi lợi ích thấy được lại rất mơ hồ.

Mơ hồ ở chỗ, chỉ cần đọc ý kiến bình luận của người đọc trên báo chí thôi cũng thấy rằng, rất nhiều vấn đề vướng mắc đối với người dân làm thủ tục để hưởng quyền lợi bảo hiểm. Nhiêu khê nhất chính là phải có xác nhận của công an, phải chứng minh rất nhiều vấn đề mới được hưởng đền bù, đến nỗi người sử dụng phương tiện phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của nhân viên công ty bảo hiểm ở đâu, năng lực thẩm định của đơn vị bảo hiểm ở đâu?

Chính vì sự bắt buộc (dẫn đến sự không thoải mái, miễn cưỡng của khách hàng) nên đã có không ít trường hợp "trốn" mua bảo hiểm xe máy, chấp nhận bị phạt nếu bị phát hiện vi phạm. Có ý kiến còn cho rằng, cần phải bỏ yêu cầu bắt buộc mua bảo hiểm với xe gắn máy, chỉ khi đó thì các công ty bảo hiểm mới chịu sức ép mà điều chỉnh cách thức làm việc, nâng cao chất lượng phục vụ và lúc đó khách hàng mới được tôn trọng.

Từ góc độ là bên đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cũng nêu quan điểm: Việc bỏ quy định trên không chỉ giúp giảm chi phí xã hội, mà còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có động lực thiết kế và cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, mang lại lợi ích thực sự cho xã hội.

Theo đại diện cơ quan quản lý thì việc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội chung, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

Người viết không phủ nhận ý nghĩa tốt đẹp của bảo hiểm, nhưng với hình thức "bắt buộc" đối với mô tô, xe máy thì sẽ gây ra những hệ lụy "phản tác dụng" như đã nêu ở trên. Đó là cung cách phục vụ "cửa quyền" từ phía cung cấp bảo hiểm, là sự thiệt thòi của người dân và mất đi ý nghĩa của chính sách "bảo hiểm".

"Bảo hiểm bắt buộc" là sự can thiệp bằng quyền lực hành chính vào quyền tự do thỏa thuận của người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay đã xuất hiện rất nhiều công ty bảo hiểm với nhiều sản phẩm bảo hiểm đa dạng và người dân có thể lựa chọn những sản phẩm phù hợp với họ. Bởi vậy, chẳng có lý do gì tiếp tục "bắt buộc" người dân sử dụng dịch vụ bảo hiểm mà họ không mong muốn, không thấy được lợi ích và không tin tưởng. Thay vì bắt buộc, nên để người dân được lựa chọn và tự nguyện.

Vấn đề quan trọng hơn là sự minh bạch của nguồn thu từ bảo hiểm. Hiện nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã công khai một số số liệu như doanh thu phí bảo hiểm, tỷ trọng trong tổng doanh thu, số tiền bảo hiểm gốc. Tuy nhiên, VCCI đánh giá các số liệu này còn tương đối ít và chung chung nên xã hội thiếu thông tin giám sát tính hiệu quả của chính sách này.

Tóm lại, trong vấn đề này, các bên liên quan cần căn cứ vào thực tiễn, xem xét đề xuất của VCCI để có sự điều chỉnh phù hợp.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!