Bản hùng ca của bóng đá Tây Ban Nha tại Euro 2024
Vậy là tròn 1 tháng "ăn bóng đá, ngủ bóng đá" của người hâm mộ khắp hành tinh cũng đã khép lại sau 2 trận chung kết liên tiếp của 2 giải bóng đá châu lục được chú ý nhiều nhất: UEFA Euro 2024 (vòng chung kết giải vô địch châu Âu, gọi tắt là Euro) và COPA America 2024 (giải vô địch Nam Mỹ mở rộng). Sự kiện được chú ý nhiều hơn là vòng chung kết Euro, nơi đội tuyển Tây Ban Nha đã thể hiện sự vượt trội so với mọi đối thủ để giành cúp vô địch đầy ấn tượng…
Từ bản "hùng ca" của Tây Ban Nha…
Tại vòng chung kết Euro vừa diễn ra tại Đức, dù không được các chuyên gia xếp vào nhóm ứng cử viên hàng đầu (Ý, Đức, Pháp, Anh hay Bỉ), nhưng đội bóng mang biệt danh "những chú bò tót" dưới sự dẫn dắt của HLV La Fuente đã thể hiện phong độ chói sáng, với kết quả không thể tốt hơn: Toàn thắng cả 7 trận, ghi được 15 bàn thắng (kỷ lục trong lịch sử Euro) và chỉ để lọt lưới 4 bàn. Ngôi vô địch càng ấn tượng hơn khi trên hành trình đoạt cúp đầy vinh quang ấy, họ đã vượt qua nhiều tên tuổi lớn như Ý (đương kim vô địch), Croatia, Đức (chủ nhà), Pháp và Anh (đương kim Á quân).
Sức mạnh của Tây Ban Nha được thể hiện trước hết ở sự đồng đều và chiều sâu lực lượng, khi cả 3 tuyến đều thi đấu rất ổn định.
Hàng thủ có thủ thành Unai Simon luôn là chốt chặn đáng tin cậy, bên cạnh đó là các hậu vệ dày dạn kinh nghiệm vẫn giữ phong độ cao như Carvajal, Le Normand, Laporte, Cucurella hay Navas; hàng tiền vệ được dẫn dắt bởi nhạc trưởng Rodri cùng các cầu thủ luôn chơi bóng đầy sức sáng tạo như Ruiz, Pedri, lại thêm đôi cánh xuất sắc với 2 tiền vệ tấn công cùng rất trẻ trung là Lamine Yamal (17 tuổi) và Nico Williams (22 tuổi) chơi bóng tốc độ, biến hóa khó lường.
Còn ở phía trên, vị trí trung phong do đội trưởng Morata đảm nhiệm, lại thêm Oyarzabal luôn sẵn sàng bùng nổ mỗi khi vào sân… Thứ đến, cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò của HLV La Fuente, người đã mạnh dạn thay đổi lối chơi thiên về kiểm soát bóng trở thành trực diện, sắc sảo, với tốc độ cao và đa dạng hơn.
Thế nên, dù đội tuyển Tây Ban Nha hiện tại không có nhiều tên tuổi lừng lẫy như thế hệ từng liên tiếp vô địch Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012, nhưng xem cách họ chơi bóng vừa đầy tính đồng đội, vừa tôn được vẻ đẹp của nghệ thuật bóng đá với nhiều pha xử lý ngẫu hứng, đậm chất kỹ thuật, lại vừa rất hiệu quả thì thậm chí nhiều người còn thích hơn cả so với lứa thế hệ vàng hơn 10 năm trước. Có thể đưa ra một so sánh thế này: Nếu như lứa tài năng của Xavi, Iniesta, Fabregas, Busquets… thành công với lối đá ban bật đặc trưng (nhiều khi không có mũi trung phong nào) kiểu Barca thì tuyển Tây Ban Nha hiện tại chơi bóng mang nhiều màu sắc Real Madrid - CLB vừa vô địch cúp C1 châu Âu mùa này - hơn.
Xem kỹ cách Tây Ban Nha nhiều thời điểm gần như áp đảo mọi đối thủ, ngay cả khi đấy là Ý, Đức, Pháp hay Anh (đến mức có cảm giác đội quân của La Fuente luôn ở cửa trên), thì có lẽ mọi cổ động viên của các đội bóng khác đều phải tâm phục, khẩu phục thôi. Ngôi vô địch, kèm theo kỷ lục đội vô địch Euro nhiều nhất (4 lần, vượt qua thành tích cũ là 3 lần của chính họ và tuyển Đức) quá đỗi xứng đáng!
Tất nhiên, kèm theo thành công ấy là những danh hiệu cá nhân cũng rất thuyết phục: "Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất" (Yamal) hay "cầu thủ xuất sắc nhất giải" (Rodri).
Trước một đối thủ như thế, việc tuyển Anh thua 1-2 ở trận chung kết tuy có hơi buồn với những người hâm mộ bóng đá xứ sương mù, nhưng không có gì để người ta phải tiếc nuối. Thậm chí, có thể nhận xét rằng, việc góp mặt ở trận chung kết lần thứ 2 liên tiếp cũng đã là kết quả thành công cho đội quân được dẫn dắt bởi HLV Southgate. Anh từng gây thất vọng ở vòng đấu bảng (thắng 1, hòa 2), nhưng càng vào sâu lại càng thể hiện được diện mạo sáng sủa hơn. Đặc biệt, tới trận bán kết (vượt qua Hà Lan bằng loạt sút luân lưu 11m) và chung kết thì tuyển Anh đã thật sự xứng đáng với vị thế một ứng cử viên.
Tới những ông lớn gây thất vọng
Đáng buồn nhất là Ý khi các nhà đương kim vô địch trình diễn một lối chơi nghèo nàn, rất thiếu tính chiến đấu cũng như nguồn cảm hứng tại giải lần này. Nó rất khác so với cách đá chặt chẽ, giàu toan tính ngày nào của một đội bóng từng vô địch World Cup 2006 hay kỳ Euro gần nhất. Sau màn trình diễn tại vòng bảng, trận thua 0-2 ở vòng 1/8 của Ý trước Thụy Sĩ thậm chí còn được đa số giới chuyên môn và người hâm mộ dự đoán từ trước.
Kế đó là Bỉ với một dàn sao đắt giá, nhưng tuyển Bỉ đã thể hiện phong độ thật sự đáng thất vọng khi để thua Slovakia ngay trận ra quân bằng lối đá nhạt nhòa, thiếu bản sắc; may mà nhờ hơn chỉ số phụ nên họ mới vượt qua vòng bảng khi có cùng 4 điểm với 3 đội còn lại. Không có gì lạ khi sau đó Bỉ rời cuộc chơi sớm sau trận thua 0-1 trước tuyển Pháp ở vòng 1/8.
Bồ Đào Nha, đội bóng cũng có nhiều ngôi sao, trong đó nổi bật nhất là Ronaldo cũng phụ sự trông đợi của nhiều người. Sau khi bất ngờ thua Georgia ở vòng bảng, đội bóng cũng được đánh giá trong hàng ngũ các ứng cử viên vô địch này chỉ có thể vượt qua Slovenia ở vòng 1/8 bằng loạt sút luân lưu 11m, sau đó dừng bước cũng sau loạt sút 11m trước tuyển Pháp tại vòng tứ kết. Cuối cùng là Croatia, đội bóng đầy cá tính với ngôi sao Modric đã không thể vượt qua vòng bảng khi thua Tây Ban Nha và hòa cả 2 trận còn lại trước Ý và cả đội chiếu dưới Albania.
Và những điều đọng lại
Nước chủ nhà Đức đã tổ chức một giải đấu thật sự thành công, bất chấp bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Tuy không phá vỡ được kỷ lục khán giả trung bình đến sân so với Euro 1988 (giải đấu mà Đức cũng là chủ nhà), nhưng con số hơn 5,25 vạn khán giả/trận đấu cũng là cao nhất tại các kỳ Euro trong 36 năm qua và cao thứ 2 trong lịch sử. Việc tuyển Đức bị loại sớm từ vòng tứ kết không ảnh hưởng gì tới sức hút của giải tới công chúng, bằng chứng là các sân bóng luôn được lấp đầy ở toàn bộ các trận đấu tại giải.
Euro 2024 là giải đấu xác lập nhiều kỷ lục, trong đó có những kỷ lục liên quan tới đội tuyển Tây Ban Nha (đã đề cập ở trên), bên cạnh đó là những dấu mốc về cầu thủ trẻ nhất (Yamal), cầu thủ cao tuổi nhất lịch sử (Pepe của Bồ Đào Nha), thủ môn cản phá nhiều quả penalty nhất… các VCK Euro. Việc có nhiều ngôi sao trẻ thi đấu nổi bật ở các đội tuyển cũng cho thấy chất lượng đào tạo bóng đá trẻ tại "lục địa già" đã được nâng lên rõ rệt thông qua hệ thống của các CLB bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu.
Công tác truyền thông, phát sóng trực tiếp các trận đấu cũng được đánh giá là với chất lượng cao nhất trong lịch sử, được thực hiện đa nền tảng, bao gồm cả hệ thống mạng xã hội đã giúp tăng hiệu suất quảng bá cho giải đấu cũng như cho nước chủ nhà. Bên cạnh những giá trị không thể tính bằng tiền ấy, theo ước tính của truyền thông quốc tế, ngành du lịch của nước chủ nhà đã đạt doanh thu tăng khoảng 1 tỷ euro trong 1 tháng diễn ra giải đấu từ khoảng gần một triệu cổ động viên và khách du lịch nước ngoài đến Đức xem hoặc hưởng không khí Euro.
Mùa Euro 2024 kết thúc với nhiều dấu ấn, và nhịp sống cũng trở lại bình thường. Hẹn gặp lại tại mùa World Cup 2026 (giải đấu lần đầu tiên được tổ chức bởi 3 nước đồng chủ nhà: Mỹ, Canada và Mexico) và Euro 2028 tại xứ sở sương mù Anh quốc!
Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!