Vụ 1km đường có 23 biển báo cấm đỗ: Lãng phí tiền của, ai chịu trách nhiệm
(Dân trí) - Trước thông tin phản ánh 1km đường có 23 biển cấm đỗ xe ngày chẵn ở Lâm Đồng, nhiều độc giả cho rằng việc lắp đặt còn máy móc, gây tốn kém, lãng phí.
Áp dụng máy móc, tốn kém
Liên quan việc 23 biển báo cấm đỗ xe ngày chẵn trên quốc lộ 27, đoạn thuộc xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, nhiều bạn đọc báo Dân trí đã nêu ý kiến, quan điểm.
Bạn đọc Rtk rtk, bình luận: "Biển cấm nhiều hơn cây xanh...".
"Áp dụng một cách quá máy móc, tốn kém và mất mỹ quan đô thị", là ý kiến của bạn đọc Nguyễn Đức Long.
Độc giả Vân Trương, hiến kế: "Họ không hiểu về luật giao thông lắm nên họ mới cắm biển như vậy. Chỉ cần một biển và chiều dài tác dụng của biển là xong".

Biển báo giao thông cấm đỗ ngày chẵn được lắp đặt trên quốc lộ 27, đoạn thuộc xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng (Ảnh: Đào Bảo).
Sau khi báo chí phản ánh, chính quyền huyện Đơn Dương chỉ đạo tháo dỡ biển cấm. Nhiều bạn đọc đặt vấn đề về giá trị thi công công trình.
"Mỗi biển báo như vậy tốn bao nhiêu tiền và tiền của ai?", độc giả Hai Lúa đặt nghi vấn.
Chung quan điểm, bạn đọc Nam Dương, nêu: "Thiệt hại không biết bao nhiêu tiền của ngân sách... ai sẽ chịu trách nhiệm và lãng phí như vậy".
Còn bạn đọc Vinh Quang Pham, đặt câu hỏi: "Em xin được biết giá tiền của mỗi cột như vậy. Bao gồm cả công lắp đặt".
Lãng phí, ai chịu trách nhiệm?
Không chỉ cho rằng việc lắp đặt biển báo nêu trên là thiếu khoa học, lãng phí, nhiều bạn đọc đặt vấn đề về trách nhiệm thuộc về ai?
"Rồi ai trả tiền làm mấy cái biển này, mấy ông đừng nói ít tiền nha...", bạn đọc Tĩnh Nguyễn, chia sẻ.
Bạn đọc An Đoàn, nêu quan điểm: "Vậy kinh phí tháo dỡ và vật tư lắp đặt biển báo đó ai là người chi trả, cũng cần xử lý người phê duyệt trước đó".
"Phải xử lý việc làm biển vô tội vạ, lãng phí công quỹ", đây là đề nghị của tài khoản DVD.
Cùng chung quan điểm với tài khoản DVD, bạn đọc Nguyễn Tiên Phong, cho rằng: "Phải xử phạt ai cho phép cắm các biển báo này. Lãng phí tiền của, lắp rồi tháo ra".
Vấn đề trách nhiệm cũng nhận được nhiều ý kiến, quan điểm của bạn đọc, như: "Tại sao, chỉ khi sau bao nhiêu năm người dân quá bức xúc vì sự bất hợp lý của hệ thông biển báo, chính quyền mới vào cuộc?. Phải chăng cán bộ quá vô cảm với người dân?. Cần có hình thức kỷ luật những cá nhân, tập thể nào quan liêu, vô trách nhiệm như vậy"; "Nói vui mà thật, nếu dân, báo chí không phản ánh liệu cơ quan chức năng có kế hoạch rà soát không, hay kiểu đợi "con khóc mẹ cho bú?".

Được biết, cơ quan chức năng huyện Đơn Dương đã chỉ đạo tháo dỡ 23 biển cấm (Ảnh: Đào Bảo).
"Dân sai (giao thông chưa phù hợp) là bị phạt ngay và phạt nặng! Vậy đơn vị quản lý giao thông sai (lắp đặt chưa phù hợp) có bị phạt không?", bạn đọc Thị Trang Nguyễn, bình luận.
Ngoài ra, một số bạn đọc cho rằng, việc lắp đặt như vậy là đúng quy định. "Như vậy là đúng và rõ ràng sao lại tháo? Cái này đúng. Nhiều nơi chúng tôi mong có đủ biển như vậy", bạn đọc Hoclaixe321, chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, bạn đọc Trần Hưng, bình luận: "Cho hỏi nếu cắm một biển, những người đi từ ngách phải thứ 2 trở lên làm sao để biết được có dừng đỗ hay không?".

Các biển báo cấm đỗ xe ngày chẵn "mọc" san sát nhau (Ảnh: Đào Bảo).
Như Dân trí thông tin, gần đây, cơ quan chức năng lắp đặt các biển báo giao thông trên quốc lộ 27, đoạn đi qua xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương. Đáng chú ý, trên 1km đường trước UBND xã Lạc Lâm có đến 23 biển báo cấm đỗ xe ngày chẵn.
Khu vực này nằm trong khu dân cư với thiết kế ô bàn cờ nên mỗi điểm giao giữa quốc lộ 27 và hẻm khu dân cư, cơ quan chức năng đặt một biển báo.
Theo ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng, việc lắp đặt các biển báo giao thông nêu trên do đơn vị quản lý hạ tầng của UBND huyện Đơn Dương thực hiện. Về quy định, việc lắp đặt các biển báo không sai, tuy nhiên chưa phù hợp.
Theo ông Gia, ở đoạn đường nêu trên, thay vì lắp đặt biển ở các nút giao thì cơ quan chức năng chỉ cần lắp đặt một biển đầu đoạn đường cấm đỗ xe ngày chẵn kèm theo biển phụ thể hiện chiều dài đường cấm.
Ngày 22/2, lãnh đạo UBND huyện Đơn Dương, cho biết, đã chỉ đạo cơ quan chức năng tháo dỡ các biển báo nêu trên.