Tranh luận dạy thêm, học thêm: "Con người ta có, chẳng lẽ con mình không?"
(Dân trí) - Trong khi có ý kiến đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý, thì cũng có người mong dẹp sạch nạn dạy thêm, học thêm.
Học thêm vì nhu cầu hay trào lưu?
Chị Tuyết Mai kể, mỗi chiều, sau khi đón con tan trường, hai mẹ con lại tất bật đến lớp học thêm của giáo viên cách trường hơn 3km.
Con trai chị đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, TPHCM và việc học thêm đã diễn ra từ năm lớp 1.
Theo vị phụ huynh, chị không nắm rõ quy định dạy thêm như thế nào, cô giáo thông báo có lớp dạy nên đưa con đến học.
"Tôi không yêu cầu con phải giỏi vượt trội. Ở bậc tiểu học, tôi nghĩ học trên lớp là đủ. Song, cả lớp chỉ có 2-3 bạn không học thêm. Tôi lại nao núng! Thấy con người ta học, chẳng lẽ con mình không? Lo con thua thiệt bạn bè, sợ cô giáo suy nghĩ, tôi lại cho con đến lớp học thêm", phụ huynh cho hay.
Chị Mai thừa nhận về hiệu quả học thêm lại chưa rõ.
"Nói là học chứ tôi cũng không biết hiệu quả như thế nào khi thời lượng 60 phút đã mất 15-20 phút ổn định lớp. Tôi đưa con đến nơi, quay về nhà chưa kịp cơm nước gì đã đến giờ đón. Việc đưa đón cũng cực dữ lắm", chị Mai nói.
Anh Phan Hoàng có con học tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) lại hối hận khi không cho con đi học thêm.
"Nhà tôi chủ trương không cho con đi học thêm nên cháu chậm hơn các bạn cùng lớp. Sĩ số lớp quá đông, cô không thể chăm chút cho từng bạn nên cháu nào biết viết, biết đọc trước thì cứ băng băng tiến về phía trước. Còn bạn nào không biết sẽ bị thụt lại", anh Hoàng tâm sự.
Trong khi đó, con của chị Phạm đã học lớp 5 tại Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) lại chưa từng đi học thêm các môn chính khóa.
"Ngoại trừ học thêm ngoại ngữ ở trung tâm, các môn năng khiếu ở trường thì con tôi chứ từng học thêm môn chính nào cả. Tôi cũng không thấy cô giáo lớp con mình thông báo gì. Cháu vẫn học tốt và lên lớp đều đều", chị Phạm nói.
Song, bà mẹ này cũng thẳng thắn nói rằng không học thêm đồng nghĩa với việc không "có cửa" vào trường top.
"Sang năm, con tôi vào lớp 6. Không học thêm cũng không thể vào được các trường top đầu được. Kể cả có vào cũng không theo được với các bạn đã đi học thêm", chị Phạm nói.
Do đó, vị phụ huynh này cho rằng các cha mẹ cần tự xác định năng lực và mục tiêu giáo dục cho con mình, không nên chạy theo trào lưu "con nhà người ta" để áp lực cho trẻ.
Cấm hay quản?
Vấn đề "Bác sĩ được mở phòng khám tư, giáo viên dạy thêm là quyền lợi chính đáng" trở nên nóng tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 20/11.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) nêu ra những bất cập trong dạy thêm, học thêm hiện nay gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là bậc tiểu học.
Ông ví việc này đã trở thành vấn nạn gây ra những hệ lụy đáng lo ngại, bào mòn niềm tin của nhân dân về chất lượng bài học, hiệu quả giáo dục, ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo chân chính.
Một số hiện tượng biến tướng như "găm bài" trên lớp để dạy thêm, dạng bài kiểm tra chỉ được hé lộ ở lớp học thêm, điểm số chênh lệch giữa học thêm và không học thêm, tiền bạc, công sức đưa đón...
Song, nhìn nhận vào thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay, dạy thêm là giải pháp chính đáng để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống.
Bởi vậy, Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng.
Theo đại biểu, vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết đã có người dân gửi tới ông ý kiến chất vấn: "Bộ trưởng cho biết đến một ngày nào Bộ trưởng có thể quét sạch được việc dạy thêm, học thêm trên toàn cõi Việt Nam".
Bộ trưởng đánh giá đây là mong muốn hết sức cảm tính. Việc đưa con đi học thêm nhiều cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh. Trong đó, có những người mang con đến gửi cô giáo nài nỉ vừa dạy vừa trông giúp. Trường hợp khác, phụ huynh cứ nghe thấy đâu có thầy tốt là phải đưa đến ngay, học một tối 3-5 ca.
Bộ đã có nhiều văn bản quy định, đặc biệt là Thông tư 17 để kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ của nhà trường. Tuy nhiên, ở ngoài nhà trường, Bộ xác định đang thiếu cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý.
Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ GD&ĐT đã từng gửi các văn bản tới các đơn vị đề nghị bổ sung đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, việc này không được chấp thuận.
Qua đây, ông Nguyễn Kim Sơn đồng tình với ý kiến của đại biểu về việc đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.
"Trong đó có những người mang con đến gửi cô giáo nài nỉ vừa dạy vừa trông giúp. Có trường hợp cha mẹ thấy con đi học một ca chưa yên tâm, ngoài giờ học còn chở con đi học thêm. Cứ nghe thấy đâu có thầy tốt là phải đưa đến ngay, học một tối 3, 4, 5 ca", Bộ trưởng nêu thực trạng.
Nhấn mạnh đây là những vấn đề đòi hỏi giải pháp tổng thể, Bộ trưởng đề nghị phụ huynh phối hợp với bộ hơn nữa. Khi có trường hợp cụ thể, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng UBND tỉnh xử lý đến nơi đến chốn.
Vấn đề dạy thêm, học thêm đã luôn là vấn đề "nóng" trong suốt thời gian qua với nhiều tranh luận. Bước vào đầu năm học 2023-2024, sở GD&ĐT nhiều địa phương đã có công văn chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm không đúng với quy định.
Các đơn vị yêu cầu không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Đặc biệt, không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy học theo đề án của từng địa phương.
* Tên phụ huynh đã được thay đổi.