Phục chế ngai vua triều Nguyễn, trả lại tình trạng giống với thời điểm 2015

Vi Thảo

(Dân trí) - Việc phục chế ngai vua triều Nguyễn phải trả lại tình trạng giống nhất với thời điểm xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia năm 2015.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có công văn gửi UBND thành phố Huế, phản hồi ý kiến về nội dung kế hoạch phục chế Bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn bị đối tượng Hồ Văn Phương Tâm phá hoại.

Trước đó, UBND thành phố Huế đã có văn bản xin ý kiến Bộ VH-TT&DL đối với kế hoạch nêu trên.

Phục chế ngai vua triều Nguyễn, trả lại tình trạng giống với thời điểm 2015 - 1

Phục chế ngai vua triều Nguyễn theo hướng trả lại tình trạng giống nhất với thời điểm xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia năm 2015 (Ảnh: Vi Thảo).

Theo Bộ VH-TT&DL, kế hoạch đã được UBND thành phố Huế nghiên cứu, xây dựng với đầy đủ nội dung cần thực hiện cho việc phục chế Bảo vật quốc gia theo quy định.

Tuy nhiên, để việc phục chế ngai vua triều Nguyễn bảo đảm tính khoa học và pháp lý, Bộ VH-TT&DL đề nghị thành phố Huế cần căn cứ vào Luật Di sản văn hóa năm 2024.

Huế cần xác định chính xác về kết quả của việc phục chế ngai vua triều Nguyễn là trả lại tình trạng giống nhất với thời điểm xây dựng hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia năm 2015.

Thành phố cần xác định vật liệu, kỹ thuật chế tác là công việc phải làm khi nghiên cứu để phục chế Bảo vật quốc gia.

Bộ VH-TT&DL đề nghị thành phố Huế bổ sung, làm rõ yêu cầu chỉ sử dụng kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới một cách phù hợp, thích đáng.

Việc lập hồ sơ về tình trạng hiện tại của Bảo vật quốc gia cần so sánh, đối chiếu với hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận năm 2015. Các nguồn tư liệu liên quan (nếu có) cần được rà soát, đánh giá một cách thận trọng để tham khảo.

Ngoài ra, Huế cần bổ sung một số nội dung liên quan đến phương án, quy trình thi công; đánh giá nguy cơ có thể gặp phải trong quá trình phục chế và điều kiện an ninh, an toàn khi thực hiện.

Hồ sơ phục chế cần theo hướng Chủ tịch UBND thành phố Huế xem xét, phê duyệt kế hoạch sau khi có ý kiến của Bộ VH-TT&DL.

Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế cần tham mưu cho UBND thành phố quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của hội đồng chuyên môn, giám sát quá trình phục chế ngai vua triều Nguyễn.

Bộ VH-TT&DL đề xuất bổ sung tài liệu hình ảnh hiện vật qua các thời kỳ, bảng mô tả chi tiết từng hạng mục bị hư hỏng, dự toán tổng hợp (nếu có) và dự kiến tiến độ thực hiện.

Như Dân trí đã đưa tin, lúc 11h55 ngày 24/5, đối tượng Hồ Văn Phương Tâm mua vé tham quan di tích, sau đó lẻn vào quậy phá khu vực ngai vua triều Nguyễn tại điện Thái Hòa, trong Đại nội Huế (phường Phú Xuân, thành phố Huế), làm hư hỏng hiện vật.

Cơ quan chức năng thành phố Huế đã khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng đối với bị can Hồ Văn Phương Tâm về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Sau khi xảy ra sự việc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đưa ngai vua triều Nguyễn vào kho cổ vật để bảo quản, đồng thời trưng bày bản phục chế tại điện Thái Hòa, phục vụ khách tham quan.

Đơn vị này cũng cho thôi việc đối với 2 bảo vệ trong ca trực xảy ra sự cố; đồng thời kỷ luật đối với nhiều cá nhân, tổ chức liên quan.

UBND thành phố Huế đã thành lập Hội đồng đánh giá và đề xuất phương án phục chế ngai vua triều Nguyễn.

Lãnh đạo thành phố Huế yêu cầu áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để phân tích, xác định tính chân xác của nguyên vật liệu, thời gian tu sửa, bảo quản bổ sung qua các thời kỳ để lựa chọn giải pháp phù hợp.

Sử dụng công nghệ, kỹ thuật truyền thống trên cơ sở bám sát các cứ liệu, hiện trạng và tận dụng tối đa các mảnh ngai thu thập được sau khi bị phá hoại, đảm bảo tính khoa học, bền vững.