20 giờ làm thêm mỗi tuần của sinh viên
Tôi có nhiều người bạn tới Mỹ bằng con đường du học tự túc. Không phải ai cũng có điều kiện khá giả chỉ để tập trung hoàn toàn vào việc học. Nhiều sinh viên phải lựa chọn các công việc làm thêm bên ngoài để trang trải thêm cho cuộc sống. Theo quy định tại Mỹ, du học sinh không được làm quá 20 giờ/tuần - trong trường hợp muốn làm nhiều giờ hơn phải có sự đồng ý của nhà trường vào một vài thời điểm cụ thể trong năm (ví dụ như nghỉ hè). Nếu sai phạm và bị phát hiện, tư cách lưu trú của sinh viên quốc tế sẽ bị ảnh hưởng.
Khi đọc thông tin về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định thời gian làm việc của học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động không được vượt quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, tôi hiểu mục đích của dự thảo nhằm hướng sinh viên tập trung học tập, thay vì mải mê làm thêm và đôi khi dẫn đến bỏ học.
Như vậy mục đích của dự thảo Luật là cần thiết. Vấn đề còn lại là quy định thời gian sao cho thỏa đáng, linh hoạt, phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi. Với tư cách một người đang trải qua quãng đời sinh viên (du học), tôi xin trao đổi mấy vấn đề sau với tinh thần đóng góp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật.
Thứ nhất, quy định 20 giờ/tuần tại Mỹ chỉ áp dụng đối với sinh viên quốc tế trong khi sinh viên Mỹ trên thực tế có thể làm nhiều hơn thế và không bị giới hạn bởi các công việc trong trường đại học. Với sinh viên Mỹ bậc graduate (thường dùng để chỉ sinh viên từ bậc Thạc sĩ trở lên), số giờ làm mỗi tuần có thể lên tới 28 giờ/tuần trong cả năm.
Ở đây có 2 hàm ý chính sách. Một là nếu sinh viên làm thêm trong chính trường đại học đang theo học thì quy định không nên cứng nhắc. Hai là nên chăng nới lỏng trần số giờ làm việc cho sinh viên Việt Nam, và chỉ áp trần 20 giờ/tuần với sinh viên quốc tế.
Thứ hai, lương tối thiểu giờ ở Việt Nam chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Phần lớn sinh viên tập trung đi làm thêm các thành phố lớn với mức lương vùng Một. Nếu được làm không quá 20 giờ/tuần, thu nhập tối thiểu từ việc đi làm thêm sẽ rơi vào khoảng 500.000 đồng/tuần, tương đương với gần 2 triệu đồng/tháng.
Con số trên không quá xa vời so với thực tế đi làm những công việc bồi bàn, quán ăn, quán cafe của các bạn sinh viên. Trong khi đó chi phí sinh hoạt và học phí tăng phi mã, rất nhiều bạn sinh viên đang phải chật vật với cuộc sống ở các thành phố lớn. Nhiều sinh viên đi làm thêm chỉ để kiếm tiền tiêu vặt, nhưng với không ít sinh viên, đó chính là miếng cơm manh áo của họ khi gia đình khó có khả năng chu cấp nhiều hơn. Đi làm thêm với người này là lựa chọn nhưng với nhiều người khác là điều bắt buộc.
Thứ ba, việc quản lý số giờ làm thêm của sinh viên trên thực tế không hề đơn giản. Tại Mỹ, người lao động sẽ phải đóng thuế và cơ quan thuế có thể xác định được số giờ làm việc tương ứng với số tiền lương của sinh viên vào cuối mỗi năm tài khóa, từ đó xác định xem sinh viên có vi phạm số giờ làm việc theo thị thực tương ứng hay không.
Tất nhiên vì thế cũng nảy sinh ra những vấn đề sinh viên đi làm chui, nhận tiền mặt thay vì nhận chuyển khoản đóng thuế rõ ràng để không ảnh hưởng tới tình trạng visa.
Nếu làm ở Việt Nam, ai sẽ là người đếm số giờ của sinh viên khi rất nhiều công việc làm thêm của sinh viên không đóng thuế. Sinh viên đi làm gia sư là một ví dụ. Ai có thể kiểm soát số giờ làm gia sư của sinh viên? Rồi các công việc bưng bê quán ăn, nhà hàng, những tiệm cà phê nhỏ….
Chúng ta có thể giao trách nhiệm quản lý làm việc bán thời gian của học sinh, sinh viên cho nhà trường. Nhưng thực tế đây sẽ là một nhiệm vụ khá bất khả thi với những cơ sở đào tạo có số lượng hàng nghìn hay hàng chục nghìn sinh viên. Để thực hiện quy định này một cách chặt chẽ đòi hỏi một đội ngũ nhân viên giám sát đông đảo, chỉ để làm đúng công việc quản lý số giờ làm của sinh viên mà theo tôi rất khó có thể thực hiện.
Thứ tư, quản lý sinh viên là một câu chuyện nhưng việc quản lý những người tuyển dụng lao động cũng là vấn đề cần thiết. Giả sử trong trường hợp sinh viên được đối tượng sử dụng lao động cho phép "vượt rào" để làm trên 20 giờ/tuần - sinh viên với hoàn cảnh khó khăn chắc chắn không từ chối cơ hội làm thêm để có thêm thu nhập.
Tuy nhiên, đến cuối tháng, đối tượng sử dụng lao động không thanh toán đủ tiền mà buông lời dọa dẫm, "tôi sẽ báo cho nhà trường nơi cậu đang theo học việc làm quá 20 giờ/tuần", ai sẽ là người đứng ra bảo vệ cho sinh viên? Đồng ý rằng làm quá 20 giờ/tuần là sai nhưng liệu dự thảo có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động hay không? Chúng ta có nên quy định cả việc xử phạt những người sử dụng lao động sinh viên hơn 20 giờ/tuần hay không? Nếu không sẽ tạo ra sự mất cân bằng quyền lực giữa sinh viên là người lao động và đối tượng sử dụng lao động. Họ cũng có thể ép giá sinh viên nếu các em muốn làm hơn 20 giờ/tuần.
Ông bà ta có câu có thực mới vực được đạo. Việc chuyên tâm vào học hành là điều ai cũng mong muốn, nhưng để "vực được đạo" trong bối cảnh nhiều bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì rất cần những giải pháp đồng bộ, bên cạnh chính sách về giờ làm thêm.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!