DMagazine

Phương Thảo Gen Z: "Họa sĩ tử tế" là sống thật với nghệ thuật

(Dân trí) - Là một sinh viên năm 3, chuyên ngành Sơn mài, khoa Hội họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ở tuổi 21, Phương Thảo vẫn đang "loay hoay với việc thành họa sĩ tử tế".

Bước chân vào quán cà phê mang đầy hơi thở nghệ thuật, ánh mắt chúng tôi tập trung vào một cô gái, trạc tuổi đôi mươi với mái tóc đen, xoăn xù, cùng phong cách ăn mặc mang đậm chất riêng. "Tự tin" - "Thần thái" - "Nghệ sĩ" là 3 từ có thể dùng để miêu tả về ấn tượng đầu tiên với cô gái này.

Đó là Trần Phương Thảo, ký danh Thảo Cỏ. "Mình thích những cái đẹp tự nhiên, những cái đẹp không bị gò bó. Mình thích cái đẹp từ trong chính bản thân bộc lộ ra, không cần phải diễn", Phương Thảo mở đầu phần chia sẻ với chúng tôi về hành trình bén duyên, theo đuổi nghệ thuật và quan điểm của bản thân trong việc sáng tạo các tác phẩm.

Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 1

Mối duyên của Phương Thảo với hội họa bắt đầu như thế nào?

-Mình nghĩ bắt nguồn từ việc mình có bố là họa sĩ. Từ nhỏ, tuy không dạy mình nhiều về hội họa nhưng bố tạo cho mình cơ hội được phát triển tự nhiên nhất. Bố thường mua màu, giấy và bút cho mình thoải mái vẽ tranh.

Bên cạnh đó, mình thích vẽ từ bé. Vậy nên, khi lựa chọn chuyên ngành theo học, mình đã chọn khoa Hội họa để được nghiên cứu sâu hơn về sở thích của bản thân.

Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 2

Phản ứng của gia đình như thế nào khi biết Thảo lựa chọn theo đuổi con đường nghệ thuật?

-Mình nghĩ 80% các bạn theo mỹ thuật đều bị gia đình phản đối và nhà mình cũng vậy. Hồi đó, mình định đăng ký thi báo chí, nhưng tự thấy bản thân không đủ khả năng. Mình cũng định thi kiến trúc nhưng mình không học được môn lý. 

Khi đề cập việc muốn chuyển sang ngành hội họa, trở thành một họa sĩ thuần, gia đình mình đã không thích lắm. Bố mình, một họa sĩ chuyên nghiệp, cũng không thích lựa chọn của con gái.

Mình đã giấu bố mẹ tự đăng ký thi khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và mẹ mình đã khá giận dữ khi biết tin. Hai mẹ con mình đã không nói chuyện với nhau một thời gian dài. 

Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 3

Phương Thảo có lấy cảm hứng từ họa sĩ nào cho tác phẩm của mình không?

-Mình không hay xem tranh hoặc tìm hiểu về các họa sĩ nhưng mình thích tranh của họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa, cũng chính là bố mình! Bởi vậy, mình chịu ảnh hưởng khá lớn từ bố. Mình cũng thích tranh và cách làm việc của bố.

Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 4

Sở thích hội họa của Phương Thảo hiện tại có khác những năm về trước không?

-Mình từng thích vẽ theo kiểu truyện tranh vì sự hồn nhiên, không tính toán. Hiện tại, mình phải tính toán nhiều hơn về bố cục, cách đặt mảng, màu sắc và nhiều thứ khác để vẽ một tác phẩm.

Phong cách nghệ thuật của Phương Thảo được định hình như thế nào?

-Thông thường, quan điểm sáng tác của mình dựa trên những câu chuyện của chính bản thân hoặc những câu chuyện mình có thể đồng cảm được. Điều đó sẽ tạo điều kiện phát triển "cái cá nhân" của mình hơn.

Đa số các tác phẩm của mình đều liên quan đến bản thân. Mình thường sáng tác dựa trên cảm xúc cá nhân nên lúc vui vẻ, yêu đời hay lúc buồn bã, đau khổ hoặc bất mãn với điều gì mà không thể nói ra mình sẽ dùng bút để thể hiện trên giấy.

Những "nỗi đau" trong tác phẩm của Phương Thảo bắt nguồn từ đâu?

-Hiện tại, mình tận dụng nỗi đau trong chuyện gia đình và tình cảm làm chất liệu sáng tạo. Từ bé đến lớn bố mẹ mình không ở với nhau, và điều đó vẫn luôn là một "vết thương" của tuổi thơ đối với mình. Mình sử dụng chính những nỗi buồn đó để vẽ những bức tranh với ba gam màu chính: đỏ - trắng - đen.

Phương Thảo từng nhận những bình luận tiêu cực về con đường mình chọn chưa?

Phương Thảo: Hồi 18 tuổi, mình sáng tác tranh liên quan đến chủ đề tình dục, phụ nữ và phụ nữ khỏa thân. Điều này nhận lại rất nhiều phản ứng công kích. Một số người còn coi đó là phản nghệ thuật.

Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 5
Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 6
Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 7

Tuy nhiên, mình cho rằng đó là cơ thể của mình và chúng ta đều phải đối diện với nó hàng ngày. Lúc đó, mình chỉ muốn sử dụng những điều gần gũi nhất làm chất liệu để sáng tạo nghệ thuật mà thôi.

Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 8
Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 9
Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 10

Khi giới thiệu bản thân trên trang cá nhân, Phương Thảo có viết rằng: "Sinh viên học vẽ vẫn đang loay hoay với việc thành họa sĩ tử tế", Thảo định nghĩa như thế nào về "họa sĩ tử tế"?

- Với mình, "họa sĩ tử tế" là phải làm nghề bằng những gì mình thật sự có và làm việc một cách thành thật. Mình biết đôi khi phải lý trí để làm, nhưng "họa sĩ tử tế" mình đề cập là làm việc tử tế, rõ ràng, sòng phẳng và không dối trá. 

Khi làm nghệ thuật, mình quan niệm không sử dụng chất kích thích, mình muốn làm bằng cảm xúc thật của bản thân. Tỉnh táo trong lúc làm việc là điều tối quan trọng với mình và mình tin một "họa sĩ tử tế" sẽ đi lên bằng tài năng và đạo đức của chính họ.

Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 11

Vì sao Phương Thảo lựa chọn trở thành một "họa sĩ tử tế"?

- Họa sĩ tử tế có thể lừng danh và thành công trong tương lai nên trước mắt mình nghĩ mình phải làm việc tử tế. Sống thật không chật với lòng, cứ dần dần đi lên bằng những gì mình có, mình tin một ngày nào đó sẽ thành công. 

Tranh của mình là con người của mình chứ không phải giả dối, đã giả dối chắc chắn không bền. Nếu thành thật, tử tế với con người của bản thân thì sẽ đi được đường dài. Mình nghĩ họa sĩ phải tử tế thì mới có thể làm nghề dài lâu.

Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 13

Phương Thảo từng cảm giác tự ti về bản thân không?

- Đến bây giờ vẫn có rất nhiều điều khiến mình tự ti. Mình không nghĩ mình là một người quá tự tin nhưng mình nghĩ mình là một người có niềm tin. Nhiều người hay hỏi vì sao mình mặc như này, vì sao mình vẽ như kia và cũng nhiều người phản ứng tiêu cực. Mình không quá để tâm vì bản thân nhận thức được mình không làm gì sai đạo đức và pháp luật. 

Mình hay trêu bạn bè rằng: lỡ "đi sớm" thì không còn cơ hội làm việc đấy đâu. Thế nên, mình cứ thoải mái làm thôi!

Phương Thảo có lo lắng gì về tương lai của mình không?

- Năm sau mình tốt nghiệp, mình biết rồi mình sẽ có nghề nhưng chắc vẫn phải thất nghiệp một thời gian. Ra trường và trở thành họa sĩ luôn là một điều khó với mỗi sinh viên ngành Hội họa. Mình lo lắng khá nhiều về điều đó.

Phương Thảo từng có ý định để con đường họa sĩ làm nghề tay trái không?

- Mình không gọi họa sĩ là nghề tay trái, mình muốn gọi là "đi kiếm tiền để có đủ điều kiện thực hành nghệ thuật". Thay vì coi họa sĩ là nghề tay trái, đối với mình, sau này dù có phải làm gì khác, mình vẫn sẽ là họa sĩ!

Phương Thảo Gen Z: Họa sĩ tử tế là sống thật với nghệ thuật - 14

Phương Thảo có điều gì gửi gắm đến các bạn trẻ đang hoặc mong muốn theo đuổi nghệ thuật không?

-Mình vẫn đang trên hành trình rèn giũa một bài học: học cách chấp nhận. Đôi khi chấp nhận không phải từ bỏ, để đấy, mà chấp nhận là mình nhìn được những điểm hạn chế của bản thân. Chúng ta có thể ghét nó, không hài lòng về nó nhưng đó không phải lí do để trì trệ. 

Cứ làm thôi! Còn trẻ thì vẫn có quyền sai để sửa. Hãy tiếp tục con đường mình hướng đến một cách chân thành nhất! 

Xin cảm ơn Phương Thảo.

Nội dung: Nhóm PV