Gen Z "ngại" khi thừa nhận mình chăm chỉ?

Mai Quỳnh Anh

(Dân trí) - Sự chăm chỉ, cần cù luôn là đức tính được nhiều người coi trọng. Thế nhưng, vẫn có những trường hợp bạn trẻ "chối bỏ" sự chăm chỉ của mình.

"Tớ chưa học chữ nào cả"

Câu chuyện về những bạn trẻ muốn che giấu sự cố gắng, chăm chỉ của bản thân là vấn đề không còn xa lạ với học sinh, sinh viên. Một số người dù đã cố gắng học tập, ôn luyện rất nhiều nhưng khi được hỏi đến thì lại trả lời: "Tớ chưa học chữ nào cả", hoặc nói dối bạn là đang đi chơi nhưng thật ra là đang ngồi ôn bài.

Gen Z ngại khi thừa nhận mình chăm chỉ? - 1
Câu chuyện Gen Z phủ nhận sự chăm chỉ được đăng tải trên nhiều trang mạng xã hội (Ảnh: F.W.V.N).

Bên cạnh những người khẳng định bản thân mình ít học tập và ôn luyện nhưng vẫn đạt kết quả tốt, một số bạn trẻ khác lại đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau để lý giải tình trạng này.

Gen Z ngại khi thừa nhận mình chăm chỉ? - 2
Một quan điểm về câu chuyện trên của bạn trẻ (Ảnh chụp màn hình).
Gen Z ngại khi thừa nhận mình chăm chỉ? - 3
Nhiều người cho rằng, các bạn trẻ nói dối như vậy vì sợ "nói trước bước không qua" (Ảnh chụp màn hình).

Câu chuyện này xảy ra với rất nhiều học sinh, sinh viên. Bạn Đoan Trang (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, bản thân bạn cũng như bạn bè xung quanh cũng đã từng hành động như vậy.

"Mình có nhiều người bạn hành động như vậy và chính mình trước đây cũng thế, như một thói quen mỗi khi ai đó hỏi về sự chuẩn bị của mình trước một kì thi. Hồi đó, mình nghĩ rằng nói như vậy thì lỡ có thất bại cũng sẽ không bị đánh giá, chê bai. Nhưng giờ nghĩ lại mình lại thấy mọi người xung quanh đâu quan tâm nhiều đến thế. Hơn nữa, làm như vậy là tự thu mình lại và tự đặt ra một khung mức để hạn chế sự tự tin".

Vì sao bạn trẻ "ngại" thừa nhận sự chăm chỉ?

Bạn Quỳnh An (19 tuổi, Hòa Bình) chia sẻ, bản thân là một học sinh có thành tích tương đối tốt và luôn ôn tập kĩ càng cho mọi bài kiểm tra. Tuy nhiên, nữ sinh cũng thường xuyên nói với bạn bè rằng: "Tớ chưa học gì cả" mỗi khi được hỏi đến.

Quỳnh An cho biết: "Mình khá là nghiêm khắc với bản thân nên với mình, học bài bao nhiêu cũng chưa thể coi là chăm chỉ. Có thể với các bạn khác, sự cố gắng học tập của mình đã là chăm chỉ rồi nhưng mình cảm thấy chưa đủ nên mới nói như vậy.

Ngoài ra, hơi xấu tính một chút nhưng mình thấy ghen tị với những bạn không học mà vẫn được điểm cao. Mình không biết các bạn có học thật hay không, nhưng rất nhiều lần các bạn trêu mình là "Học vừa phải thôi", "Tớ còn không mở vở ra luôn"… và rồi điểm các bạn còn cao hơn cả mình.

Nhiều lúc mình cảm giác như sự cố gắng không ngừng của mình cũng chẳng thể bằng những người vốn có tư chất thông minh và có đôi chút chạnh lòng, nên dần dần cũng giấu đi sự chăm chỉ".

Bạn Đoan Trang lý giải: "Mình nghĩ là có nhiều lý do để các bạn trẻ "ngại" thừa nhận sự chăm chỉ của mình. Có thể họ là túyp người hướng nội, ngại chia sẻ; hoặc là các bạn cảm thấy cho ai đó biết được sự chăm chỉ của mình là không cần thiết vì nó như một sự biểu hiện của khoe khoang, kiêu căng. Thậm chí, có thể các bạn sợ mang tiếng "thùng rỗng kêu to" nếu như chẳng may mắc sai lầm, thất bại".

Đoan Trang chia sẻ thêm, hiện tại mình đã loại bỏ thói quen này và không còn mặc cảm với sự chăm chỉ của mình nữa. Nữ sinh cho rằng, việc thể hiện sự chuẩn bị kỹ càng của bản thân trước những sự kiện quan trọng là một điều rất đáng hoan nghênh.

Gen Z ngại khi thừa nhận mình chăm chỉ? - 4
Hiện tại, Đoan Trang thấy việc thừa nhận bản thân chăm chỉ không có gì đáng xấu hổ (Ảnh: NVCC).

"Hiện tại thì mình đã từ bỏ thói quen đó, vì mình nhận thấy rằng điều đó chẳng có gì đáng xấu hổ. Thay vì giấu giếm, sao mình không tự tin khẳng định là mình đã chuẩn bị rất tốt và sẵn sàng với công việc của mình? Nếu mình là một người tiếp xúc với các bạn, mình sẽ rất ấn tượng trước sự tự tin và chuẩn bị chu đáo của các bạn", Đoan Trang cho biết.

Quỳnh An cũng có quan điểm tương tự: "Đó là câu chuyện từ thời học sinh, bây giờ mình cũng không bận tâm nhiều đến việc mọi người học hay không nữa. Thay vì bận tâm xem họ không học thật hay nói dối mình, mình sẽ dành thời gian để phát triển bản thân.

Bên cạnh đó, sau khi tham gia một vài dự án và đi làm thêm, mình nhận thấy việc thể hiện bản thân chăm chỉ là một điểm cộng cực lớn với cấp trên. Thông thường, các nhà tuyển dụng sẽ yêu thích một người chăm chỉ và luôn nỗ lực vì mục tiêu hơn là người thông minh mà lười biếng".