DMagazine

Năm 2023, công nghệ thành áp lực đào thải lao động thiếu kỹ năng

(Dân trí) - Lao động dựa trên các nền tảng công nghệ sẽ gia tăng nên lực lượng lao động phổ thông phải thay đổi cho phù hợp thị trường. Từ đó, lao động giản đơn trở nên yếu thế và phải di chuyển về các tỉnh.

Năm 2023, công nghệ thành áp lực đào thải lao động thiếu kỹ năng

Lao động dựa trên các nền tảng công nghệ sẽ gia tăng nên lực lượng lao động phải thay đổi cho phù hợp thị trường. Từ đó, lao động giản đơn trở nên yếu thế và phải di chuyển về các tỉnh.

Thị trường tuyển dụng khó có biến động lớn

Năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,02%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ sự suy giảm của kinh tế thế giới, hoạt động tuyển dụng của các doanh nghiệp đã chững lại từ quý IV/2022, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất khó khăn về đơn hàng buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động.

Tình hình lao động năm 2023, theo đó, trở nên khó dự báo hơn nhưng các đơn vị nghiên cứu thị trường lao động đều nhận định sẽ diễn ra ổn định, khó có biến động lớn.

Năm 2023, công nghệ thành áp lực đào thải lao động thiếu kỹ năng - 1

Năm 2023, doanh nghiệp ưu tiên giữ chân người lao động có tay nghề cao và nhiều năm kinh nghiệm (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Theo bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc làm tốt, khối ngành sản xuất hàng xuất khẩu đến nay vẫn đang bị ảnh hưởng bởi tình hình phức tạp của thế giới, sự sụt giảm đơn hàng xảy ra cục bộ, tập trung ở các ngành da giày, dệt may, gỗ, điện tử. Nhu cầu tuyển dụng các ngành này đang trong đà giảm từ quý III/2022, dự báo vẫn sẽ đi tịnh tiến hoặc thậm chí giảm tiếp sau Tết Nguyên đán 2023.

Khối ngành sản xuất và dịch vụ thương mại bán lẻ cho thị trường nội địa lạc quan hơn. Nhu cầu tuyển dụng ở khối ngành này sau Tết sẽ tăng nhưng không quá mạnh mẽ như mọi năm.

Bà Ngọc cho rằng, thị trường thế giới nhiều biến động khiến chỉ số giá tiêu dùng và lãi suất tăng gây bất lợi cho doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc chi tiêu, doanh nghiệp tìm cách kích cầu bằng các chương trình khuyến mãi ưu đãi đánh vào giá hàng hóa.

Năm 2023, công nghệ thành áp lực đào thải lao động thiếu kỹ năng - 2

Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc làm tốt (Ảnh: NVCC).

Để thực hiện được mục tiêu này, các doanh nghiệp phải tìm cách tối ưu hóa chi phí sản xuất trong điều kiện giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao. Do đó, việc tinh chỉnh chi phí nhân sự và thu hẹp sản xuất là một giải pháp trong giai đoạn sắp tới.

"Doanh nghiệp sẽ ưu tiên giữ chân người lao động có tay nghề cao và nhiều năm kinh nghiệm, tăng năng suất lao động thay vì tuyển mới và mở rộng đội ngũ nhân sự", bà Ngọc nhấn mạnh.

Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Khu vực Miền Bắc Navigos Search (đơn vị chuyên cung cấp nhân sự cấp trung và cấp cao) nhận định: "Với những dự báo về tình hình kinh tế thế giới kém khả quan trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp đang trong trạng thái chờ và nghe ngóng thị trường".

"Mặc dù đã bắt đầu năm tài chính mới, các doanh nghiệp vẫn đang "án binh bất động" hoạt động tuyển dụng trong tháng 1 này. Tình hình có thể khả quan hơn trong giai đoạn sau Tết. Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, các hoạt động tuyển dụng có thể được đẩy mạnh hơn ở quý 2", bà Lan nói rõ hơn.

Ngoài ra, bà Ngô Thị Ngọc Lan đánh giá, khó khăn chỉ xảy ra cục bộ ở một số ngành như dệt may, da giày… Những ngành còn lại như công nghệ, ngân hàng, bán buôn, bán lẻ, năng lượng vẫn đang phát triển tốt, nhu cầu nhân sự cao.

Vị quản lý cấp cao của Navigos Search cho biết thêm: "Ngành sản xuất vẫn luôn là lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong nhiều năm qua do môi trường đầu tư và nguồn cung nhân lực. Sang năm 2023, chúng tôi vẫn nhận thấy sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, từ đó tạo ra cơ hội việc làm cho nhân sự mảng sản xuất điện tử và ô tô".

Lo ngại thiếu lao động cục bộ sau Tết

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trong 2 quý cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng nên phải thực hiện nhiều hình thức giảm giờ làm của công nhân, thậm chí là cắt giảm lao động. Tình hình trên làm xuất hiện tình trạng công nhân về quê ăn Tết sớm, có khả năng không trở lại thành phố mà kiếm việc làm khác ở quê hương.

Trong khi đó, thời điểm sau Tết Nguyên đán, thị trường nhân lực thường có nhu cầu lao động rất lớn ở các ngành công nghệ, điện, chế biến thực phẩm, xây dựng… Dự kiến trong quý I/2023, TPHCM cần trên 11.500 vị trí việc làm mới, tập trung nhiều ở các ngành nghề thâm dụng lao động.

Điều này dẫn đến nguy cơ TPHCM thiếu hụt lao động phổ thông, lao động các ngành nghề như dệt may, giày da, chế biến thực phẩm… sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.

Năm 2023, công nghệ thành áp lực đào thải lao động thiếu kỹ năng - 3

Các doanh nghiệp lo lắng có thể xuất hiện tình trạng thiếu lao động sau Tết (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Tình hình tương tự có thể xảy ra ở Bình Dương. Đây là địa bàn tập trung đông công nhân sản xuất và cũng gặp tình trạng thiếu đơn hàng, cắt giảm nhiều lao động vào cuối năm 2022. Hàng ngàn công nhân làm việc tại đây đã mất việc, phải về quê ăn Tết sớm và có nguy cơ không quay trở lại làm việc sau Tết.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, những ngày cận Tết 2023, khoảng 50 doanh nghiệp trên địa bàn đã thông báo tuyển dụng 2.000 lao động phục vụ sản xuất dịp Tết và kế hoạch sản xuất cho năm 2023. Dự báo trong năm 2023, các doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng số lượng lớn lao động để mở rộng, tăng cường sản xuất.

Do đó, quản lý nhân sự các doanh nghiệp tại Bình Dương đều lo lắng có thể xuất hiện tình trạng thiếu lao động sau Tết. Đặc biệt là ở nhóm doanh nghiệp da giày, dệt may. Đây là nhóm ngành có nhu cầu tuyển nhiều, thường xuyên thay đổi nhân sự do tình trạng dịch chuyển lao động giữa các tỉnh và bị ảnh hưởng nặng trong thời gian cuối năm 2022.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (Hiệp hội Dệt may Việt Nam), khó khăn nhất là các doanh nghiệp đã cắt giảm lao động vào cuối năm 2022. Sau Tết, nếu đơn hàng có lại sẽ rất khó để tuyển người làm.

Năm 2023, công nghệ thành áp lực đào thải lao động thiếu kỹ năng - 4

Tình hình thiếu lao động sau Tết sẽ không nghiêm trọng như mọi năm vì còn rất nhiều công nhân mất việc ở lại chờ tìm việc làm mới (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).

Các chuyên gia đánh giá, tình trạng thiếu lao động cục bộ vẫn có thể xảy ra sau Tết ở vài ngành thâm dụng lao động tại vài địa phương cụ thể như mọi năm. Tuy nhiên, tình hình này có thể không nặng nề như mọi năm vì hàng trăm ngàn lao động mất việc vẫn còn đang ở lại ăn Tết tại TPHCM, Bình Dương… để chờ xin việc mới khi kết thúc kỳ nghỉ Tết.

Bà Trần Minh Ngọc cho rằng: "Hằng năm, giai đoạn sau Tết Nguyên đán nhu cầu tuyển dụng và tìm việc đều tăng 20-40% so với quý IV năm trước đó. Năm nay, nhu cầu tuyển dụng ở tất cả ngành hàng vẫn sẽ tăng sau Tết nhưng mức tăng trưởng sẽ kém lạc quan hơn".

Lao động tiếp tục dịch chuyển mạnh mẽ

Trong giai đoạn 2015-2020, thị trường lao động có 2 xu hướng chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp. Thứ nhất, cơ cấu lao động có sự chuyển đổi từ nhóm nghề giản đơn sang những nghề đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn. Thứ hai, tỷ trọng lao động làm việc trong những ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm dần, chuyển dịch sang các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Theo các chuyên gia, những năm gần đây, 2 xu hướng chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp trên vẫn đang tiếp tục phát triển sâu và rộng hơn.

Ông Trần Anh Tuấn, Viện Đào tạo và phát triển nhân lực dự đoán: "Trong thời gian tới sẽ nổi lên 4 xu hướng phát triển chính là gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm, lao động giản đơn trở nên yếu thế, xu hướng lao động phi chính thức gia tăng".

Năm 2023, công nghệ thành áp lực đào thải lao động thiếu kỹ năng - 5

Ông Trần Anh Tuấn (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Tuấn, việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động. Động thái trên bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số của Việt Nam và trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa hiện nay.

Trong bối cảnh tất cả các ngành nghề và lĩnh vực xã hội đều ứng dụng công nghệ hóa, hiện đại hóa thì lao động muốn giữ vững công ăn việc làm phải thành thạo một kỹ năng chuyên môn nhất định, lao động giản đơn dần ít có cơ hội việc làm và bị đào thải.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội, việc đầu tư công nghệ, tự động hóa sản xuất… sẽ phát triển trước tại các vùng kinh tế trọng điểm. Khi lao động giản đơn không học được kỹ năng mới, không theo kịp sự chuyển đổi của ngành sản xuất thì buộc lòng họ phải dịch chuyển về các tỉnh lẻ, những nơi mà các nhà máy vẫn còn sử dụng công nghệ sản xuất cũ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Vitas) cho biết, tình trạng dịch chuyển lao động này đã có từ vài năm nay. Nhiều đơn hàng ngành dệt may đang chuyển dần về các nhà máy đóng ở các tỉnh miền Trung do đặc thù sử dụng nhiều lao động với mức lương thấp, lao động ngành này cũng dần chuyển dịch về đây.

Các nhóm ngành sử dụng nhân lực có chuyên môn kỹ thuật cũng thay đổi từng ngày, đòi hỏi người lao động phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, trang bị kiến thức mới để đáp ứng nhu cầu công việc.

Nếu không, họ vẫn có thể bị đào thải, phải chuyển ngành, chuyển vị trí làm việc, chuyển công ty hoặc đến địa phương khác làm việc. Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn thì xu hướng chuyển dịch này càng diễn ra khắc nghiệt hơn.

Năm 2023, công nghệ thành áp lực đào thải lao động thiếu kỹ năng - 6

Lao động muốn giữ vững công ăn việc làm phải thành thạo một kỹ năng chuyên môn nhất định (Ảnh minh họa: Hải Long).

Bà Ngô Thị Ngọc Lan lấy ví dụ: "Trong những năm qua, các ngân hàng lớn tuyển dụng hàng ngàn, thậm chí vài ngàn nhân sự một năm thì năm nay, xu hướng sẽ tập trung cho chất lượng nhân sự hơn. Có nghĩa là, các ngân hàng có thể tuyển số lượng ít hơn so với các năm trước nhưng đặt ra yêu cầu cao hơn với ứng viên, chất lượng công việc kỳ vọng cao hơn trước".

Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: "Thị trường lao động phát triển theo quy luật mới của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, hội nhập khu vực và quốc tế nên có nhiều biến động về chênh lệch cung - cầu. Do đó, số lao động không ổn định việc làm, mất việc làm, tái bố trí lại việc làm hằng năm rất lớn".

Tùng Nguyên