(Dân trí) - Một hoạt động quan trọng trong năm 2022 của lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH là chuyến công du Nhật của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Chuyến đi mở ra một năm kỷ lục với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Chuyến đi Nhật của Bộ trưởng và những cơ hội mở ra với lao động Việt
(Dân trí) Một hoạt động quan trọng trong năm 2022 của lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH là chuyến công du Nhật của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Chuyến đi mở ra một năm kỷ lục với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Sau 2 năm hoạt động đưa lao động Việt ra nước ngoài làm việc bị đóng băng vì dịch bệnh, chuyến đi của Bộ trưởng "mở bung cánh cửa", "gỡ" rào cản thuế, cải thiện hơn chế độ an sinh cho người lao động tại địa bàn này nói riêng cũng như các thị trường lao động trọng điểm nói chung.
Cụ thể, từ ngày 4/9 đến 8/9/2022, tư lệnh ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến đi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao đổi các đề xuất, giải pháp tiếp nhận thêm lao động Việt Nam, chăm lo đời sống người Việt ở nước sở tại tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp Yasuhiro Hanashi và Bộ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi xã hội Kato Katsunobu.
Qua các cuộc trao đổi với những người đồng cấp phía Nhật Bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung luôn đề cập tới 3 vấn đề lớn: Thực tập sinh và lao động đặc định theo hai thỏa thuận đã ký; Hợp tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và Phối hợp xây dựng mạng lưới an sinh, hợp tác về bảo hiểm xã hội, các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo để người lao động có việc làm thỏa đáng, bền vững.
Bộ trưởng muốn phía bạn điều chỉnh chế độ tiền lương tối thiểu, trợ cấp đối với người lao động, thực tập sinh Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong bối cảnh đồng Yên Nhật đang mất giá, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.
Đồng thời, ông cũng đề nghị phía Nhật Bản xem xét mở rộng, tiếp nhận thêm các ngành nghề như dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lái xe buýt; các chương trình tiếp nhận thực tập sinh, chương trình lao động kỹ năng đặc định, tiếp nhận điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi hay việc miễn thuế cư trú, thuế thu nhập cho thực tập sinh Việt Nam.
Thực tế, du học sinh, người lao động Việt Nam đang bị đánh hai loại thuế bao gồm thuế cư trú và thuế thu nhập trong khi Nhật Bản không áp dụng hai loại thuế này với lao động của nhiều quốc gia khác. Vì việc đánh hai lần thuế như vậy, thu nhập còn lại của thực tập sinh rất thấp.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh mục tiêu của hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc:
Đó là những vấn đề chưa được đề cập, trao đổi trước đó, là yêu cầu, tầm cao mới trong hoạt động hợp tác về lao động, phát triển nguồn nhân lực.
Ghi nhận các ý kiến trên, các Bộ trưởng của Nhật khẳng định chủ trương của Chính phủ Nhật Bản là mở rộng dần các ngành nghề, lĩnh vực cho thực tập sinh nước ngoài, đặc biệt từ Việt Nam, cũng cam kết trao đổi, đề xuất về việc miễn thuế cư trú và thuế thu nhập.
Ngày sau chuyến đi lịch sử đó, cũng trong tháng 9, tại Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản Nakatani Gen. Các đề xuất của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Việt Nam tiếp tục được ghi nhận, sẽ được thảo luận tại cuộc làm việc với các cơ quan chức năng chuyên trách của Nhật.
Chốt lại năm 2022, tổng kết những nỗ lực và kết quả đạt được từ hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc, ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước khái quát, khi dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách kịp thời để đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc tại các thị trường trọng điểm, truyền thống, trước hết là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Thực tế, các chỉ tiêu "xuất khẩu lao động" năm 2022 đã về đích sớm, ngay trong 9 tháng đầu năm.
Cục Quản lý lao động ngoài nước ước đạt hết tháng 11/2022, Việt Nam đưa trên 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu 90.000 người cả năm đặt ra trước đó. Trong đó, số người đi Nhật Bản làm việc chiếm khoảng 50% (hơn 60.000 người). Như vậy, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình đưa người lao động đi nước ngoài làm việc sau đại dịch đã dần phục hồi.
Dự kiến, năm 2023, Việt Nam đưa khoảng 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, số lao động sang Nhật vẫn chiếm tỉ lệ lớn.
Với cam kết của phía Nhật sau chuyến công du của Bộ trưởng, chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA) được đẩy lên một bước mới trong tiến trình hợp tác lao động, sẽ tạo cơ hội cho hàng trăm điều dưỡng, hộ lý người Việt Nam nâng cao trình độ tay nghề, thu nhập khi làm việc tại nước sở tại. Cuối năm, 240 chỉ tiêu điều dưỡng, hộ lý Việt Nam tiếp tục được tuyển chọn đi Nhật trong khóa 11, cao vượt trội so với 10 khóa tuyển dụng trước đó.
Ngoài Nhật Bản, thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đàm phán với phía Hàn Quốc để ký kết biên bản ghi nhớ phái cử và tiếp nhận người lao động đi làm việc theo Chương trình EPS; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Algeria, Kuwait.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu con số, từ năm 2016 đến nay, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã gia tăng từ khoảng 40.000 đến 120.000 người, với mức thu nhập trung bình 200 triệu đồng/người/năm.
Kết quả trên 120.000 lao động xuất khẩu ước tính đạt được trong năm 2022 nhiều khả năng sẽ vượt kỷ lục của năm 2019, cho thấy đây là xu hướng tất yếu, hướng hợp tác hiệu quả hiện nay. Trong bối cảnh sản xuất khó khăn, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải giãn việc, giảm lao động như thời điểm cuối 2022, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, không chỉ để giải quyết việc làm mà còn được khuyến cáo là cơ hội được đào tạo, tích lũy kỹ năng với lao động Việt.
Nội dung: Nguyễn Sơn
Ảnh: Tiến Tuấn
Thiết kế: Khương Hiền