DMagazine

Đứng nhất nước về chất lượng lao động, Đồng Tháp đã làm gì?

(Dân trí) - Theo kết quả đo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Đồng Tháp được đánh giá có chất lượng lao động cao nhất nước. Một tỉnh nông nghiệp như Đồng Tháp đã làm gì để có ngôi vị này?

ĐỨNG NHẤT NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG, ĐỒNG THÁP ĐÃ LÀM GÌ?

Trước sự kiện Đồng Tháp trở thành địa phương có chất lượng lao động cao nhất cả nước với 80% doanh nghiệp cho rằng, lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, PV Dân trí có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa...

Lời dặn dò của Bí thư tỉnh ủy "đi làm thuê, về làm chủ!"

Đứng nhất nước về chất lượng lao động, Đồng Tháp đã làm gì? - 1

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Văn Khương).

Thưa ông, VCCI vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Đồng Tháp được đánh giá là địa phương có chất lượng lao động cao nhất cả nước với 80% doanh nghiệp cho rằng lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Kết quả này khiến nhiều người bất ngờ khi chất lượng nguồn lao động thường được xem là thế mạnh của những tỉnh thành công nghiệp phát triển?

- Chỉ số đào tạo lao động là một trong những hợp phần quan trọng cấu thành Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phản ánh mức độ và chất lượng hoạt động đào tạo nghề và phát triển kỹ năng do Tỉnh triển khai nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại địa phương cũng như tìm kiếm việc làm cho lao động tại địa phương.

Theo đánh giá chuỗi dữ liệu 5 năm gần nhất (2017-2021), chất lượng giáo dục, đào tạo lao động của Đồng Tháp được ngày càng cải thiện có chiều sâu hơn và nhận được sự đánh giá tốt từ phía cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện qua hai chỉ tiêu cơ bản như: có 81% doanh nghiệp đồng ý với nhận định "giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt; 80% doanh nghiệp cho rằng "lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp". Hai chỉ số này của Đồng Tháp được doanh nghiệp đánh giá cao nhất nước.

Đứng nhất nước về chất lượng lao động, Đồng Tháp đã làm gì? - 2

Nhiều năm qua, Đồng Tháp thực hiện nhiều chính sách nâng cao chất lượng đào tạo nghề (Ảnh: Nguyễn Hành).

Để có được nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, Đồng Tháp đã có những chủ trương, quyết sách dài hạn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như:

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển Giáo dục tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025; triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình.

Ngành Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Trường Đại học, Cao đẳng chuyên nghiệp trên địa bàn xây dựng Kế hoạch cụ thể về công tác đào tạo lao động chất lượng cao phục vụ gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề; xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp nhằm nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ đào tạo nghề; giới thiệu việc làm, gắn với việc kiểm tra chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động.

Thực hiện tốt công tác dự báo, định hướng phát triển các ngành nghề trọng điểm, ưu tiên và gắn kết giữa đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, các ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao của tỉnh để huy động nguồn lực, đầu tư tập trung; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cung ứng lao động, giới thiệu việc làm.

Nâng tần suất và chất lượng các phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa hình thức tổ chức, vận động sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề và thu hút nhiều đối tượng lao động tham gia.

Đứng nhất nước về chất lượng lao động, Đồng Tháp đã làm gì? - 3

Chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, được Đồng Tháp tái khởi động từ năm 2014. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (hiện là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) thường trực tiếp tiễn đưa, dặn dò người lao động: "Đi làm thuê, về làm chủ!" (Ảnh: Nguyễn Hành).

Những năm qua, Đồng Tháp luôn là tỉnh dẫn đầu khu vực về lĩnh vực đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và mang về nguồn thu nhập "khủng". Đây phải chăng là một trong những "kế sách" nâng cao chất lượng nguồn lao động?

- Như đã nói trên, chất lượng giáo dục của Đồng Tháp được đánh giá tốt qua khảo sát doanh nghiệp tỉnh nhà. Điều này cũng được đánh giá tương tự tại các doanh nghiệp nước ngoài có hợp tác với tỉnh thông qua Chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Chương trình này được tỉnh tái khởi động từ năm 2014 với phương châm "Đi làm thuê, về làm chủ" đến nay đã có nhiều đột phá, thành công và trở thành địa phương dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL.

Trong 5 năm (2016 - 2020), đã có 8.300 lao động xuất cảnh và làm việc tại các quốc gia phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ba Lan…) với thu nhập mỗi tháng từ 20 - 30 triệu đồng/người (sau khi đã trừ chi phí). Mức thu nhập cao đã giúp nhiều lao động Đồng Tháp cải thiện đời sống gia đình và thân nhân, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả. Nhiều lao động sau khi về nước tiếp tục khởi nghiệp thành công, trở thành các chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Đứng nhất nước về chất lượng lao động, Đồng Tháp đã làm gì? - 4

Trong 5 năm (2016 - 2020), đã có 8.300 lao động xuất cảnh và làm việc tại các quốc gia phát triển, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ba Lan… (Ảnh: CTV).

Hiện nay, đây vẫn là chương trình trọng tâm của tỉnh với mục tiêu giải quyết việc làm, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, giảm nghèo bền vững, thu hút ngoại tệ và mục tiêu lâu dài nhất là nâng cao thu nhập của người dân. Giai đoạn 2021- 2025, Đồng Tháp tiếp tục đề ra mục tiêu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phấn đấu hàng năm có ít nhất 1.500 lao động xuất cảnh. Người lao động tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ về học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức, khám sức khỏe, visa, vay vốn.

"Đất lành, chim đậu,..."

Hiện nay, hạ tầng giao thông từ Đồng Tháp đi các tỉnh trong khu vực và các tỉnh thành khác đang dần hình thành… để Đồng Tháp không còn là tỉnh "khuất nẻo". Được biết, lãnh đạo xứ Tháp Mười có kỳ vọng hút "chim sẻ", "đại bàng" về Đồng Tháp làm tổ?

Đứng nhất nước về chất lượng lao động, Đồng Tháp đã làm gì? - 5

Nhiều năm qua, Đồng Tháp luôn là tỉnh nằm trong tốp đầu những địa phương có chỉ số PCI đứng đầu cả nước (Ảnh: Nguyễn Hành).

- Đồng Tháp xác định phải luôn thay đổi trong tư duy, phải đi trước, đi nhanh, đổi mới để theo kịp sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng tôi xác định xây dựng hình ảnh của Đồng Tháp, môi trường đầu tư của Đồng Tháp để vươn lên, không còn là một tỉnh vùng sâu vùng xa.

Những năm gần đây, Đồng Tháp được xem như hiện tượng "lội ngược dòng" khi từ địa phương khuất nẻo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đã nhanh chóng vươn lên thành hình ảnh về sự phát triển toàn diện và nhiều năm liên tục có mặt trong top đầu các bảng xếp hạng toàn quốc. Các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Thu hút đầu tư luôn là một trong những trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Đồng Tháp trên cơ sở tận dụng các lợi thế, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, nguồn nguyên liệu, lao động, phục vụ mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Đồng Tháp đã và đang không ngừng đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tích cực xúc tiến đầu tư, triển khai các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt tiếp tục phát huy phương châm hành động "đồng hành cùng doanh nghiệp". Chúng tôi cho rằng "đất lành, chim đậu", Đồng Tháp sẽ luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho tất cả thành phần kinh tế đến tìm hiểu cơ hội và hợp tác đầu tư với Đồng Tháp. 

Chúng tôi cam kết luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết kịp thời các vướng mắc khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình đầu tư và hoạt động kinh doanh.

Đứng nhất nước về chất lượng lao động, Đồng Tháp đã làm gì? - 6

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trong một buổi tiễn lao động chuẩn bị đi Hàn Quốc làm việc theo hợp đồng thời vụ (Ảnh: CTV).

Và nếu điều đó thành hiện thực, Đồng Tháp có những chính sách ưu đãi gì?

- Thương hiệu "Đồng Tháp - PCI", đang là chỉ dẫn quan trọng để nhà đầu tư tìm đến và chọn đây làm nơi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Vừa qua, Đồng Tháp đã làm việc và ký kết biên bản hợp tác với các tập đoàn lớn.

Vì cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, Đồng Tháp cam kết vận dụng linh hoạt chính sách ưu đãi có lợi nhất cho nhà đầu tư, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục sớm nhất, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, đáp ứng điều kiện hạ tầng… Đồng thời, cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cải thiện chỉ số PCI, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo hiệu quả.

Đứng nhất nước về chất lượng lao động, Đồng Tháp đã làm gì? - 7

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, những năm qua chất lượng giáo dục, đào tạo lao động của tỉnh được ngày càng cải thiện có chiều sâu hơn và nhận được sự đánh giá tốt từ phía cộng đồng doanh nghiệp (Ảnh: Nguyễn Hành).

Bên cạnh đó, Đồng Tháp vừa xây dựng và đưa vào khai thác trung tâm chuyển đổi số của tỉnh. Với trung tâm này, các đầu mối thông tin sẽ được "quy về một mối", từ đó tạo thuận lợi hơn để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Chính quyền cũng sẽ thuận lợi hơn trong giải quyết công việc và đạt hiệu quả cao nhất.

Bài toán giữ chân lao động chất lượng cao được Đồng Tháp tính toán ra sao khi lực hút từ các điểm nóng công nghiệp như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… không ngừng gia tăng?

- Trong chiến lược phát triển, Đồng Tháp xác định lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục đào tạo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành hệ thống trường đại học, cao đẳng như Đại học Đồng Tháp, Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, Cao đẳng Y tế Đồng Tháp - những cơ sở đào tạo có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và đóng góp nhiều nghiên cứu có giá trị cho quá trình phát triển tỉnh nhà. Cùng với đó là hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề giúp đào tạo nguồn lao động kỹ thuật lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh.

Đứng nhất nước về chất lượng lao động, Đồng Tháp đã làm gì? - 8

Sự năng động của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đang thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư (Ảnh: CTV).

Mặt khác, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 phải đạt 7,5% để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, tái cơ cấu các ngành kinh tế thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng lao động phi nông nghiệp bằng các giải pháp đổi mới giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đạo tạo nghề (nông nghiệp và phi nông nghiệp), giới thiệu việc làm, hỗ trợ lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngoài ra chúng tôi cho rằng môi trường làm việc năng động, có nhiều cơ hội thực hiện được các nguyện vọng, hoài bảo là nhân tố quan trọng để nhân lực chất lượng cao gắn bó, phát triển sự nghiệp tại tỉnh.

Từ năm 2016 đến nay, Đồng Tháp đã luôn xác định việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm, nền tảng cho phát triển kinh tế tư nhân. Đã có hơn 150 sản phẩm khởi nghiệp hình thành và được người tiêu dùng lựa chọn. Có nhiều doanh nhân trẻ thành đạt, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển tỉnh nhà. Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh với hơn 4.700 doanh nghiệp không ngừng gia tăng và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tỉnh.

Nguyễn Hành