(Dân trí) - Sau khi đất nước giải phóng, mẹ Cai đã tìm được hài cốt con trai. Nhưng hài cốt của người chồng, mẹ vẫn chưa tìm thấy. Đây là điều khiến mẹ day dứt nhiều năm qua.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, một quá khứ đau thương nhưng rất đỗi tự hào đối với dân tộc Việt Nam. Để có được thành công ấy, biết bao người mẹ đã phải nén đau thương, động viên đưa tiễn chồng, con lên đường kháng chiến.
Một trong những người mẹ vĩ đại ấy là mẹ Phan Thị Cai (SN 1923, ngụ khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) - Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Năm 18 tuổi, mẹ kết hôn với ông Phạm Văn Nhứt (SN 1917), người cùng quê. Khi ấy, hai vợ chồng trẻ tích cực tham gia kháng chiến khi phong trào cách mạng miền Nam mới bắt đầu.
Ông Nhứt tham gia chiến đấu bí mật, mẹ Cai ở nhà vừa lo chăm sóc gia đình vừa làm giao liên. Mẹ và ông Nhứt có một người con là ông Phạm Trường Sơn (sinh năm 1941).
Năm 1946, ông Nhứt bị địch bắt. Dù bị quân giặc tra tấn, đánh đập nhưng ông vẫn một lòng trung thành với cách mạng. Sau nhiều ngày bị tra tấn, ông hy sinh vào ngày 11/8/1946.
Nhận tin dữ báo về, lòng mẹ Cai đau xót như hàng trăm vết dao đâm thấu tâm can. Xót xa hơn, mẹ không thể tìm thấy thi thể chồng để về lo hậu sự. Nỗi dày vò tâm can khiến mẹ biết bao lần khóc nghẹn vì thương chồng.
Đến nay, mẹ vẫn chưa thể tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Phạm Văn Nhứt, đây là điều mong mỏi lớn nhất của mẹ nhưng vẫn chưa đạt được.
Nén đau thương sau khi chồng mất, mẹ Cai lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Lòng căm thù giặc như một ngọn lửa trong lòng mẹ luôn bùng cháy. Mẹ xác định, dù có phải hy sinh cũng sẽ hoạt động cách mạng đến hơi thở cuối cùng.
Mẹ được phân công làm công việc giao liên ở tỉnh Sông Bé (giờ là khu vực tỉnh Bình Dương), nuôi giấu cán bộ từ Sài Gòn xuống công tác. Nhà mẹ ngày đó cũng đào hầm để cất giấu cán bộ khi bị địch truy đuổi.
Trong thời gian hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Văn Sàng cảm thông và đem lòng yêu thương mẹ Cai. Sau thời gian vừa tìm hiểu và cùng hoạt động cách mạng, mẹ Cai và ông Sàng đã kết hôn với nhau và có 4 người con chung (3 gái, 1 trai).
Trong đó, có ông Phan Thanh Hải (SN 1950), sau này trở thành liệt sĩ. Ông Hải là được người mẹ luôn tự hào là đứa con ngoan, hiếu thảo và có lòng yêu nước sâu sắc.
Mẹ Cai nhớ lại: "Năm 14 tuổi, Hải đã trốn gia đình tham gia cách mạng. Thường ngày, Hải vừa chăn bò thuê vừa làm thông tin liên lạc cho các căn cứ cách mạng tại địa phương".
Khi biết tin con tham gia cách mạng, mẹ Cai hết sức ủng hộ và cùng với ông Sàng tạo điều kiện để Phan Thanh Hải hoạt động tốt hơn.
Năm 1968, sau 4 năm hoạt động cách mạng, Phan Thanh Hải đã hy sinh tại Chiến khu Đ trong một trận càn của quân địch. Liệt sĩ Hải hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 18. Hài cốt liệt sĩ Hải đang được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ TP Dĩ An.
Một thời gian sau, mẹ bị địch bắt và đưa về Sài Gòn tra khảo. Bằng ý chí kiên cường, mẹ Cai quyết không khai những cán bộ đang hoạt động tại địa phường và tổ chức phân công nhiệm vụ cho mẹ. Địch tống giam mẹ từ năm 1970 - 1972, rồi trả mẹ về. Mẹ lại tiếp tục hoạt động cách mạng đến ngày đất nước giải phóng.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của mẹ và gia đình đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho mẹ Huân chương Độc lập hạng nhì và phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Dù đã 97 tuổi, mẹ Cai vẫn khá minh mẫn và khỏe mạnh. Hàng ngày, mẹ sống vui vẻ cùng người con gái út tại căn nhà nhỏ ở phường Tân Bình, TP Dĩ An.
Mẹ cho biết những đau thương của chiến tranh đã dần vơi bớt trong lòng. Nhưng một nỗi buồn vẫn thường trực trong lòng: Mẹ vẫn chưa tìm được hài cốt của chồng - liệt sĩ Phạm Văn Nhứt.
Xuân Hinh - Phạm Nguyễn