(Dân trí) - Theo Thanh tra Chính phủ, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là gần 4.500 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhà máy gang thép Thái Nguyên (Thái Nguyên), hầu hết, hạng mục thuộc giai đoạn 2 đều đã xuống cấp nghiêm trọng, các vật tư và thiết bị hư hỏng, han gỉ, lão hóa do để ngoài trời lâu ngày...
Hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện dự án và trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Toàn cảnh những đống sắt thép đồng nát, han gỉ mang tên Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2).
Trước đó vào năm 2019, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Kết luận cho thấy việc triển khai dự án có nhiều sai phạm, nên Thanh tra đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu hình sự.
Cụ thể, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên ban đầu có tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên hơn 8.100 tỷ đồng, nhưng đã hóa “đống sắt vụn” nhiều năm, trang thiết bị han gỉ, cơ sở hạ tầng đã đầu tư xuống cấp nghiêm trọng…
Thanh tra Chính phủ xác định, chịu trách nhiệm chính trong các sai phạm, khuyết điểm thuộc về TISCO, song 10 bộ, ngành, đơn vị khác cũng có phần trách nhiệm.
Thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo TISCO, VNS, Bộ Công Thương, các cơ quan của Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý về kinh tế hàng nghìn tỷ đồng, trong đó thu hồi 11,6 triệu USD tiền thuế đã nộp hộ MCC; 4,7 tỷ đồng tiền bốc xếp; hơn 3 tỷ đồng và gần 440 nghìn USD chi sai quy định; xử lý số tiền thanh toán sai cho các nhà thầu phụ số tiền hơn 876 tỷ đồng…
Trong đó, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Từ nay đến hết năm 2020, phấn đấu kết thúc điều tra 15 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 17 vụ án, xét xử sơ thẩm 20 vụ án, xét xử phúc thẩm 06 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 19 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nhất là tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử sơ thẩm 09 vụ án trọng điểm theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Chín vụ án trọng điểm gồm:
(1) Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh;
(2) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh;
(3) Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại BIDV và các đơn vị liên quan;
(4) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ;
(5) Vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan;
(6) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên;
(7) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn;
(8) Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank)”;
(9) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.