DNews

Nhìn lại thảm họa động đất vừa xảy ra ở Myanmar qua biểu đồ địa chấn

Minh Khôi

(Dân trí) - Với tình trạng địa chất phức tạp và tiền lệ các sự kiện địa chấn nghiêm trọng, Myanmar là một trong những quốc gia có nguy cơ động đất cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Nhìn lại thảm họa động đất vừa xảy ra ở Myanmar qua biểu đồ địa chấn

Ngày 28/3, một trận động đất mạnh 7,7 độ có tâm chấn tại Myanmar đã làm rung chuyển khu vực Nam Á, gây thiệt hại nghiêm trọng và khiến nhiều người thiệt mạng. Theo dữ liệu từ giới chức trách, trận động đất đã khiến hơn 150 người thiệt mạng, cùng hơn 730 người bị thương.

Đây có thể coi là trận động đất mạnh nhất mà quốc gia này phải hứng chịu trong khoảng 100 năm qua. Rung chấn có thể cảm nhận ở hầu khắp Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Lào.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất xảy ra vào lúc 12:50 trưa theo giờ địa phương, ở độ sâu chỉ 10km. Độ nông của tâm chấn khiến thiệt hại trở nên nghiêm trọng hơn, khi những làn sóng chấn động không bị tiêu tán trước khi đến bề mặt.

Vì sao Myanmar dễ gặp động đất mạnh?

Myanmar là một trong những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi động đất nhất trên thế giới, chủ yếu do vị trí địa lý của quốc gia này nằm dọc theo Đứt gãy Sagaing. Đây là một ranh giới kiến tạo quan trọng giữa Mảng Ấn Độ và vi mảng Myanmar, khiến khu vực này thường xuyên chịu tác động từ sự vận động của các mảng kiến tạo.

Các nhà khoa học cho biết Đứt gãy Sagaing kéo dài khoảng 1.200 km qua Myanmar và có nhiều lịch sử hoạt động địa chấn trong quá khứ. Đứt gãy này là nơi ứng suất tích tụ theo thời gian và có thể giải phóng đột ngột dưới dạng động đất.

Nhìn lại thảm họa động đất vừa xảy ra ở Myanmar qua biểu đồ địa chấn - 1

Bản đồ rung lắc biểu thị độ rung lắc mặt đất do trận động đất gây ra (Ảnh: USGS).

TS OP Mishra, Giám đốc Trung tâm Địa chấn Quốc gia Ấn Độ (NCS), cho biết đây là một trong những đứt gãy hoạt động mạnh nhất khu vực và đã từng chứng kiến nhiều trận động đất có cường độ tương tự trong quá khứ. Theo ông, trong vòng 24 giờ sau trận động đất chính, các dư chấn tiếp tục xuất hiện, làm gia tăng mức độ nguy hiểm.

Một số khu vực lân cận còn có thể chịu ảnh hưởng nặng nề từ động đất do hiện tượng đất hóa lỏng. Trong quá trình này, đất bão hòa nước bị mất độ cứng và biến thành chất lỏng dưới tác động của rung chấn mạnh. Theo thống kê, các khu vực có lớp phù sa dày sẽ đối mặt nguy cơ cao xảy ra hiện tượng này, khiến các tòa nhà dễ bị sụp đổ.

GS Joanna Faure Walker tại Đại học London (Anh), lưu ý rằng động đất xảy ra ở Myanmar chủ yếu là động đất dạng trượt ngang, khi các mảng kiến tạo di chuyển song song với nhau. Loại động đất này tuy không mạnh bằng động đất tại vùng hút chìm như Sumatra, nhưng vẫn có thể đạt tới cường độ từ 7 đến 8 độ.

Nhìn lại thảm họa động đất vừa xảy ra ở Myanmar qua biểu đồ địa chấn - 2

(Biểu đồ: Reuters).

Lịch sử địa chấn của Myanmar cũng cho thấy khu vực này có mức độ nhạy cảm cao với động đất. Trước đó, Đứt gãy Sagaing từng gây ra trận động đất mạnh 7,7 độ vào năm 1946 và một trận động đất khác có cường độ 6,8 độ vào năm 2012.

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng tốc độ trượt của đứt gãy này dao động từ 11 mm đến 18 mm mỗi năm, cho thấy sự dịch chuyển liên tục của các mảng kiến tạo. Khi ứng suất tích tụ đạt đến ngưỡng nhất định, nó sẽ giải phóng năng lượng và gây ra động đất mạnh.

Với tình trạng địa chất phức tạp và tiền lệ các sự kiện địa chấn nghiêm trọng, Myanmar là một trong những quốc gia có nguy cơ động đất cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong trận động đất mới nhất tại Myanmar, ít nhất 3 người thiệt mạng khi một nhà thờ Hồi giáo ở thị trấn Taungoo bị sập. Ở Aung Ban, một khách sạn bị sập khiến ít nhất hai người tử vong và 20 người bị thương.

Chương trình Rủi ro Động đất của USGS ước tính số người thiệt mạng có thể lên đến 10.000 - 100.000 người, và tác động kinh tế có thể tương đương 70% GDP của Myanmar.

Nhìn lại thảm họa động đất vừa xảy ra ở Myanmar qua biểu đồ địa chấn - 3

(Biểu đồ: Reuters).

Vì sao Thái Lan, Việt Nam... cảm nhận được động đất?

Trao đổi với Dân trí, TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, cho biết cảm nhận của người dân ở Hà Nội và TP HCM chiều 28/3 xuất phát từ một trận động đất ở Myanmar xảy ra trước đó khoảng 10 phút (lúc 13 giờ 20 phút).

Rõ ràng, mặc dù tâm chấn nằm tại Myanmar, động đất vẫn có thể được cảm nhận ở các quốc gia lân cận như Thái Lan, Việt Nam, thậm chí là Trung Quốc. Nguyên nhân là bởi sự lan truyền của sóng địa chấn.

Theo USGS, khi một trận động đất xảy ra, nó tạo ra sóng P (sóng sơ cấp) và sóng S (sóng thứ cấp), có thể di chuyển hàng trăm đến hàng nghìn km tùy thuộc vào mức độ mạnh của trận động đất và cấu trúc địa chất khu vực.

Trong trường hợp này, động đất 7,7 độ có năng lượng đủ lớn để các quốc gia xa hơn vẫn có thể cảm nhận được rung động. Ngoài ra, tâm chấn nông với độ sâu chỉ 10km làm năng lượng được truyền đi mạnh hơn và ít bị suy giảm.

Nhìn lại thảm họa động đất vừa xảy ra ở Myanmar qua biểu đồ địa chấn - 4
Nhìn lại thảm họa động đất vừa xảy ra ở Myanmar qua biểu đồ địa chấn - 5
Nhìn lại thảm họa động đất vừa xảy ra ở Myanmar qua biểu đồ địa chấn - 6

Nhân viên cứu hộ, người dân tại một tòa nhà bị đổ sập ở Bangkok, Thái Lan (Ảnh: Reuters).

Địa chất khu vực cũng đóng vai trò quan trọng, khi các khu vực có địa tầng phù sa hoặc đất mềm có xu hướng khuếch đại sóng địa chấn, khiến rung động có thể cảm nhận rõ ràng hơn ngay cả khi cách xa tâm chấn.

Thí dụ, vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) và Bangkok (Thái Lan) có địa hình phù sa dày, dễ bị ảnh hưởng bởi sóng động đất.

Ngoài ra, hiện tượng cộng hưởng địa chấn xảy ra khi sóng địa chấn tương tác với các cấu trúc xây dựng cao tầng, làm cho tòa nhà rung lắc mạnh hơn so với mặt đất. Cuối cùng, dư chấn mạnh và kéo dài cũng là nguyên nhân khiến nhiều quốc gia lân cận có thể tiếp tục cảm nhận được rung động trong vài giờ đến vài ngày sau trận động đất chính.

Tại Bangkok, trận động đất gây rung lắc mạnh khiến hàng trăm người hoảng loạn, tháo chạy khỏi các tòa nhà. Một tòa nhà bị sập đã chôn vùi nhiều người, trong khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm những người còn mắc kẹt.

Các nhân chứng cho biết nhiều người bị thương đã được đưa đi cấp cứu, một số nạn nhân được đặt trên cáng và thở oxy khi được di chuyển khỏi hiện trường.

Theo chuyên gia Roger Musson từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh, việc động đất xảy ra ở gần mặt đất (hay động đất nông) là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tác động của nó trở nên nghiêm trọng. "Sóng chấn động từ động đất nông có thể duy trì toàn bộ sức mạnh khi đến bề mặt, gây thiệt hại lớn hơn so với động đất sâu hơn", ông cho biết.

Trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra một lần nữa nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của khu vực Myanmar khi nằm trên một trong những ranh giới kiến tạo hoạt động mạnh nhất thế giới. Trước đó, quốc gia này cũng trải qua nhiều thảm họa thiên nhiên trầm trọng, tiêu biểu là 2 cơn bão Mocha (2023) và bão Yagi (2024).