(Dân trí) - Giáo sư Trần Hữu Phát được giới khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một chuyên gia đầu đàn, một nhà khoa học tài năng và đức độ của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Chuyện về nhà khoa học tài năng của ngành năng lượng nguyên tử
Giáo sư Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Trần Hữu Phát, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam được giới khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một chuyên gia đầu đàn, một nhà khoa học tài năng và đức độ của ngành năng lượng nguyên tử.
Theo PGS.TS Vương Hữu Tấn - Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) giai đoạn 2001-2012, người đã có trên 20 năm gắn bó với GS Trần Hữu Phát thì GS Phát là người tuân thủ rất nghiêm quy định về giờ giấc làm việc và cũng yêu cầu mọi người phải thực hiện như vậy.
"Tôi nhớ có cuộc họp mà Bộ trưởng triệu tập để nghe NLNTVN báo cáo. Với tư cách Viện trưởng, tôi đã mời Giáo sư Phát là Chủ tịch Hội đồng KHCN&ĐT của Viện tham dự. Cuộc họp dự kiến 13h30 mà đến gần 14h00 vẫn không thấy Bộ trưởng đến, tôi phải lên tận nơi mời Bộ trưởng xuống và GS Phát đã phê bình trực tiếp Bộ trưởng rất gay gắt tại cuộc họp đó", PGS Tấn tiết lộ.
PGS Tấn cũng cho biết, GS Phát có rất nhiều đóng cho phát triển Ngành NLNTVN cả ở giai đoạn còn làm trong quân đội và cả sau này với vai trò Viện trưởng và Chủ tịch Hội đồng KHCN&ĐT của Viện NLNTVN.
Cụ thể, sau giải phóng miền Nam, lãnh đạo Đất nước có chủ trương rất rõ về việc xây dựng tiềm lực hạt nhân của quốc gia với việc thành lập Viện Năng lượng nguyên tử quân đội có mật danh là Viện 481. Giáo sư Phát được giao phụ trách Viện này từ ngày đầu thành lập và bắt tay ngay vào xây dựng các nội dung chính của chương trình năng lượng nguyên tử quốc gia do quân đội chủ trì (Chương trình A). Nội dung chính của Chương trình bao gồm: Triển khai nghiên cứu công nghệ sản xuất uranium từ quặng của VN ở quy mô bán công nghiệp (pilot ); Tính toán, thiết kế lò phản ứng hạt nhân; Nghiên cứu vật lý hạt nhân thực nghiệm và lý thuyết; Nghiên cứu chế tạo một số thiết bị hạt nhân cần thiết và Đào tạo cán bộ trong những lĩnh vực trên.
Năm 1977 Chương trình A bắt đầu được triển khai mạnh mẽ và đã thu được một số kết quả bước đầu sau 3 năm thực hiện làm cơ sở cho các phát triển về sau của Viện NLNTVN, cụ thể: Pilot sản xuất uranium từ quặng Pia Oắc được xây dựng xong và đi vào hoạt động, mỗi mẻ này sản xuất được 1 kg oxit uran U3O8 sau khi xử lý 1 tấn quặng tại cơ sở Phùng. Với kết quả này, Bộ Quốc phòng đã mời các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Đỗ Mười và Võ Nguyên Giáp đến thăm và động viên anh em của Viện 481. Lãnh đạo Viện NLNTVN gồm Giáo sư Tứ và Giáo sư Hiển cũng đã tới thăm cơ sở này.
Phòng tính toán lò phản ứng đã làm chủ các công cụ tính toán vật lý và thủy nhiệt của lò phản ứng do PGS Nguyễn Tiến Nguyên phụ trách sử dụng máy tính IBM tại sân bay Tân Sơn Nhất do Chính quyền Sài Gòn trước đây đầu tư - hệ thống máy tính mạnh nhất của nước ta ngày đó. Đội ngũ cán bộ của Phòng này là nòng cốt để sau này hình thành Trung tâm Năng lượng hạt nhân của Viện NLNTVN do GS Cao Chi làm Giám đốc, trong đó có các hướng nghiên cứu tính toán vật lý và an toàn lò phản ứng.
Sản xuất và chế tạo các thiết bị hạt nhân phục vụ nhu cầu của Viện cũng như các cơ sở triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân đã thu được các kết quả khá tốt, làm tiền đề đẩy mạnh hướng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong điều kiện nước ta bị cấm vận kinh tế sau chiến tranh không thể mua được các thiết bị hạt nhân của nước ngoài.
Với đề xuất của Viện 481, Bộ Quốc phòng đã cho phép thành lập chuyên ngành vật lý và kỹ thuật hạt nhân trong Đại học Kỹ thuật Quân sự để chuẩn bị công tác đào tạo cán bộ cho phát triển lâu dài ngành hạt nhân của Đất nước.
Năm 1979, Việt Nam đã ký kết Nghị định thư với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về chấp nhận hoạt động thanh sát cho lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để tạo điều kiện cho việc ký kết Hiệp định hợp tác với Liên Xô về khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Ngày 14/6/1982 Chính phủ Việt Nam đã ký kết tham gia và phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Việc ký kết Hiệp định NPT cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cơ bản từ bỏ việc xây dựng tiềm lực hạt nhân phục vụ quốc phòng. Do đó các đầu tư cho Viện 481 cũng không còn nhiều nữa để chuẩn bị cho việc sáp nhập vào Viện NLNTVN sau này với mục đích thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng NLNT vì hòa bình.
Năm 1988 sau khi Viện 481 được sát nhập vào Viện NLNTVN, GS Phát đã cùng GS Tứ và PGS Thái Bá Cầu thống nhất các phương hướng nghiên cứu lớn tại các cơ sở của Viện NLNTVN ở Hà Nội như: Công nghệ xử lý than Nông Sơn để thu hồi oxit uranium và xử lý quặng đất hiếm; Nghiên cứu về điện hạt nhân; Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân; Nghiên cứu vật lý lý thuyết hạt nhân.
Trên cơ sở các phương hướng đó Viện NLNTVN đã thành lập 2 viện nghiên cứu lớn trực thuộc tại Hà Nội là Viện Công nghệ xạ hiếm (CNXH) do PGS Cầu làm Viện trưởng và Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (KH&KT HN) do GS Phát làm Viện trưởng.
Với việc sát nhập Viện 481 vào Viện NLNTVN, cơ sở vật chất của Viện NLNTVN đã được mở rộng hơn khá nhiều gồm 2 cơ sở nghiên cứu rất lớn ở phía Bắc là cơ sở ở Phùng khoảng 20.000 m2 và cơ sở ở đường Hoàng Quốc Việt của Viện KH&KT HN khoảng 10.000 m2.
Là Viện trưởng của một viện nghiên cứu chuyên ngành về ứng dụng khoa học và kỹ thuật hạt nhân ở Hà Nội, Giáo sư Phát đã tổ chức xây dựng các phương hướng khoa học lâu dài cho viện này và thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới trong tình hình đất nước bắt đầu thời kỳ mở cửa để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển Viện.
Một số hướng nghiên cứu và phòng thí nghiệm đã được hình thành là tiền đề cho các hoạt động hiện nay của Viện KH&KT HN như hướng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp; thủy văn đồng vị; nghiên cứu phóng xạ môi trường; điện tử hạt nhân; an toàn bức xạ; phòng chuẩn đo liều bức xạ cấp II; lý thuyết hạt nhân; quy hoạch, công nghệ và an toàn điện hạt nhân. Hợp tác với Viện Nghiên cứu Hóa Lý Nhật Bản (RIKEN) được Giáo sư quan tâm thúc đẩy và đã giúp cho Viện KH&KTHN có một Trung tâm tính toán hạt nhân hiện đại nhất ở trong nước thời gian đó.
Là người nhạy bén với tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, nên khi là Viện trưởng Viện NLNTVN, Giáo sư Phát đã có chủ trương rất rõ về việc tập trung các hoạt động để đưa điện hạt nhân vào Việt Nam trong thực tế, chứ không chỉ dừng ở các Nghị quyết của Đảng như đã từng có.
Giáo sư Phát đã chủ trì công tác chuẩn bị tổ chức báo cáo Thủ tướng về dự án điện hạt nhân, ngày 7 tháng 5 năm 1999, tại Văn phòng Chính phủ trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài điện hạt nhân do PGS Nguyễn Tiến Nguyên làm chủ nhiệm trong Chương trình KH-04 và dự án tiền khả thi về xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam do TS Nguyễn Mạnh Hiến (Viện trưởng Viện Năng lượng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ nhiệm theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ từ tháng 12/1994, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trực tiếp nghe báo cáo về chủ trương đưa điện hạt nhân vào Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả báo cáo Thủ tướng, ngày 5/3/2000, Ban Chỉ đạo nghiên cứu phát triển điện hạt nhân do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư làm Trưởng ban đã được Thủ tướng ra quyết định thành lập. Từ đó một loạt các hoạt động liên quan đã được triển khai thực hiện như xây dựng Luật NLNT, xây dựng Chiến lược ứng dụng NLNT vì hòa bình, Dự án tiền khả thi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên,…
Với nhận thức tầm quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền, pháp quy và đào tạo cán bộ về điện hạt nhân ở giai đoạn ban đầu triển khai dự án điện hạt nhân, Giáo sư Phát đã thúc đẩy hợp tác với Diễn đàn Công nghiệp nguyên tử Nhật Bản (JAIF) nhằm thực hiện nhiệm vụ này.
Viện NLNTVN và JAIF đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác năm 1999, trong đó có các tiểu ban hợp tác về xây dựng hạ tầng pháp quy (luật, quy phạm, tiêu chuẩn), địa điểm nhà máy điện hạt nhân, công nghệ, an toàn, đào tạo cán bộ về một số lĩnh vực chuyên môn như an toàn, quản lý chất thải, tổ chức triển lãm và các hình thức thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân và ứng dụng NLNT, tổ chức các chương trình thăm quan khảo sát điện hạt nhân tại Nhật Bản cho cán bộ lãnh đạo của Việt Nam.
Chương trình hợp tác giữa Viện NLNTVN với JAIF còn kéo dài tiếp tục sau khi Giáo sư Phát nghỉ quản lý Viện NLNTVN đã góp phần tích cực đẩy mạnh chương trình nghiên cứu đưa điện hạt nhân vào Việt Nam.
Sau khi không còn giữ cương vị Viện trưởng Viện NLNTVN, nhưng GS Phát vẫn tiếp tục cộng tác và hỗ trợ Viện NLNTVN với vai trò Chủ tịch Hội đồng KHCN&ĐT của Viện và Tổng Biên tập Tạp chí "Nuclear Science and Technology". Hội đồng đã có nhiều ý kiến tư vấn có giá trị về xây dựng Viện NLNTVN cũng như ngành NLNTVN.
Ngày 30/12/2020 vừa qua, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tổ chức giới thiệu cuốn Kỷ yếu với tiêu đề "Lộ trình nghiên cứu từ lý thuyết không định xứ đến lý thuyết hấp dẫn" của GS.TSKH. Trần Hữu Phát, nhân dịp ông tròn 80 tuổi vào ngày 05/1/2021.
Cuốn kỷ yếu tổng hợp những công trình nghiên cứu nổi bật của GS.TSKH. Trần Hữu Phát trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học. Các công trình này đều đã được đăng trên các tạp chí, ấn phẩm khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế. Trong 6 lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về Vật lý lý thuyết, hầu như ở lĩnh vực nào Giáo sư Trần Hữu Phát đều có những công trình nổi bật. Đó là thành quả của quá trình lao động miệt mài với mong muốn cao nhất là được cống hiến trí tuệ của mình cho sự phát triển của khoa học.