Tâm điểm
Bích Diệp

Vì sao nhiều cây xăng báo hết hàng trước kỳ điều chỉnh giá?

Lẽ thường với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ càng nhiều thì người bán càng có lợi. Bên bán sẽ tìm đủ mọi cách để đẩy hàng ra và giảm lượng tồn kho bằng các chương trình khuyến mãi, kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu lại diễn ra tình huống cục bộ hoàn toàn trái ngược.

Trong khi nhu cầu di chuyển, đi lại của người dân tăng cao dịp nghỉ lễ Quốc khánh thì nhiều cây xăng ở các địa bàn trên cả nước xảy ra hiện tượng hết hàng. 

Vì sao nhiều cây xăng báo hết hàng trước kỳ điều chỉnh giá? - 1

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Ánh Dương kiểm tra nguồn hàng tại một cây xăng (Ảnh: DMS).

Đơn cử, tại Hà Nội, trong ngày 3/9, cơ quan quản lý thị trường ghi nhận 19/492 cây xăng dừng bán xăng hoặc dầu; trong đó 16 cây xăng ngừng bán xăng RON 95, E5 RON 92 hoặc dầu DO với nguyên nhân là hết hàng, nhà phân phối chưa có hàng để cung cấp.

Hay như ở Đắk Nông, theo phản ánh của người dân, từ ngày 31/8, hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại huyện Đắk Glong, Krông Nô đã treo biển báo hết xăng. Một số cửa hàng không treo biển nhưng khi người dân vào mua xăng thì đều nhận được thông báo "không bán hàng" hoặc chỉ bán 30.000 đồng tiền xăng cho mỗi xe.

Với các trường hợp báo hết hàng, cơ quan chức năng đã đến kiểm tra bồn chứa và xác định, hầu hết cửa hàng thực sự hết xăng, không đủ nguồn cung. Theo khẳng định của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đơn vị này chưa phát hiện trường hợp nào có hành vi đầu cơ, găm hàng, tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa không hoạt động nhưng không thông báo với Sở Công Thương Hà Nội theo quy định.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng không phát hiện trường hợp nào giảm thời gian bán hàng hay giới hạn số lượng xăng dầu bán cho khách hàng.

Tuy nhiên tình trạng hết hàng bất thình lình khó tránh khỏi gây bức xúc vì làm xáo trộn sinh hoạt, đi lại của người dân. Giám đốc một công ty xăng dầu cho biết, do nhu cầu đối với các mặt hàng xăng dầu trong những ngày vừa qua tăng khoảng 40% nên những cửa hàng, đại lý lấy nhiều hơn so với hạn mức đã ký kết hợp đồng với công ty thì sẽ không được đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được phần nhỏ.

Giải thích của các bên liên quan là vậy, thế nhưng người dùng vẫn không khỏi băn khoăn. Cơ sở nào để nói nhu cầu tiêu thụ xăng tăng mạnh tới 40%? Có chắc là cửa hàng thiếu xăng để bán vì nhu cầu tăng? Vì sao lại thiếu xăng khi mà các cơ quan quản lý vẫn khẳng định đủ nguồn cung ứng? Vậy các trường hợp thiếu xăng để bán thì nguyên nhân nằm ở khâu nào? 

Trùng hợp làm sao, một số nơi việc thiếu xăng, việc "cột bơm bị hỏng", "hỏng máy", "hỏng trụ bán hàng"… lại xảy ra ngay trước thời điểm điều chỉnh giá! Mà trong đợt điều chỉnh vừa rồi, giá xăng giảm chứ không tăng (xăng RON 95 giảm 430 đồng/lít và xăng E5 RON 92 giảm 370 đồng/lít). Qua đó cho thấy, nhiều khả năng là khan hàng do thiếu hụt thật sự chứ chẳng phải do găm hàng (nếu găm hàng qua kỳ điều chỉnh, phía người bán lại càng thêm thiệt).

Trong văn bản gửi Liên Bộ Công Thương, Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày 2/9, Petrolimex cho biết, sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực lớn trong công tác tạo nguồn khi việc mua hàng của doanh nghiệp không thể bù đắp ngay lập tức sự thiếu hụt "rất nhanh". Hiện tượng nhiều cửa hàng dừng bán hàng, theo Petrolimex là đã dẫn tới nhu cầu dồn về doanh nghiệp này.

Petrolimex kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra để đảm bảo tất cả các thương nhân đầu mối, phân phối phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối. 

"Việc kiểm tra giám sát cần thực hiện ngay từ đầu nguồn nhận hàng, nghĩa là từ các nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu thông qua kết nối dữ liệu tại kho của các thương nhân đầu mối" - Petrolimex nhấn mạnh.

Trong khi đó, doanh nghiệp xăng dầu tư nhân lại phản ánh, các đầu mối báo hết nguồn, xuất hàng ra quá nhỏ giọt, tại kho thì các mặt hàng không đầy đủ. Các kho chiết khấu bằng 0 đồng/lít gần như là không xuất hàng ra. 

Như vậy, phải chăng công tác kiểm tra, thanh tra cần bao quát hơn, đi sâu hơn vào những khâu quan trọng, tránh không để phát sinh "lỗ hổng" khiến các đơn vị chây ỳ bổ sung nguồn hàng dẫn đến thiếu xăng bán?

Cơ quan quản lý thị trường khẳng định rằng, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng nếu có, song nguyên nhân mà phía doanh nghiệp "than phiền" là thiếu nguồn cung thì giải quyết ra sao? Thiết nghĩ cơ quan quản lý cần lắng nghe từ nhiều bên và tìm hướng giải quyết rốt ráo vấn đề này. 

Theo quy định, giá xăng dầu hàng tháng được điều chỉnh vào ngày 1, 11, 21, nhưng kỳ điều chỉnh lần này lại trùng vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh nên thời gian điều hành được lùi từ ngày 1/9 đến ngày 5/9, tức kéo dài thêm 4 ngày. Dù rằng Bộ Công Thương khẳng định tổng nguồn cung xăng dầu không thiếu, thế nhưng vì sao sau kỳ điều hành ngày 22/8 vài ngày, từ mức chiết khấu 1.000 đồng/lít, nhiều cửa hàng bị cắt giảm chiết khấu đột ngột, thậm chí là về 0 mà vẫn không có hàng? Tình huống này đâu phải chưa từng xảy ra mà đã có bài học điều hành từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán!

Sự "lỗi nhịp" trên thị trường đặt ra vấn đề có hay không bất cập trong Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền nên nhìn thẳng vào thực tế để xem xét các kiến nghị như rút ngắn thời gian điều chỉnh giá, bao gồm cả ngày nghỉ và ngày lễ; bỏ quỹ bình ổn giá; xem lại quy định về chi phí định mức, các mức chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ duy trì hoạt động… Việc nghiên cứu, đề ra phương án khắc phục các khuyết điểm của cơ chế điều hành hiện tại là cần thiết, qua đó tiến tới tăng tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu.

Khi thị trường được vận hành đảm bảo minh bạch và sòng phẳng, chắc không ai có lý do gì để than phiền. Còn nếu lựa chọn việc kéo dài thời gian điều chỉnh giá dẫn đến tình trạng khan hàng, thiếu hàng, nhu cầu không được đáp ứng… thì đây không phải là điều người tiêu dùng mong muốn.

Nói cho cùng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý là đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, lành mạnh, không để xảy ra lợi ích nhóm ở bất cứ khâu nào trong chuỗi cung ứng, đồng thời phải đảm bảo hài hòa lợi ích chung của nền kinh tế - bao gồm các bên tham gia, từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!