Tâm điểm
Bích Diệp

Đón xuân nhẹ nhàng, không lo "trốn Tết"

Mùa Tết năm nay, thay vì mua về những chậu đào, quất lớn trưng Tết, gia đình tôi chỉ sắm mấy cành tuyết mai vừa phải và bình quất mini để bàn khách. Rút kinh nghiệm các năm trước, tôi cũng tối giản danh mục mua sắm.

Tôi nhớ những ngày còn nhỏ, để chuẩn bị cho Tết, từ trước lễ tiễn Ông Công Ông Táo, bà và mẹ tôi đã phải sắm sửa cơ man nào gạo nếp, rượu, thịt, rau củ quả, bánh kẹo, vàng mã… Trong suốt dịp lễ Tết, hễ nhà có khách, mẹ tôi lại tất tả dọn mâm mời mọi người ở lại ăn uống. Có người ngồi lại chưa kịp đụng đũa đã phải đi sang nhà khác, nhưng lệ thường vẫn phải dọn ra dọn vào.

Những năm gần đây, quan điểm "ăn Tết" đa dạng và phong phú hơn. Xu hướng đón Tết trở nên nhẹ nhàng, đặc biệt là với những người trẻ tuổi.

Bữa ăn trong ngày Tết có thêm các món đặc trưng, mang phong vị cổ truyền nhưng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy. Bởi, từ nhu cầu "ăn no, mặc ấm", rồi "ăn ngon, mặc đẹp", giờ đây hầu như ai cũng chỉ cần "ăn sạch, mặc chất". Đến nhà nhau chúc Tết chỉ ngồi lại chuyện trò, uống chén trà, ăn miếng bánh, không biện bày cao lương mỹ vị.

Đón xuân nhẹ nhàng, không lo trốn Tết - 1

Khách mua đào Tết ở khu phố cổ Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Việc sắm Tết có lẽ bởi vậy cũng sát hơn với nhu cầu của từng người từng nhà. Có người thích vào bếp làm khô gà, khô bò đãi khách; có người thích diện áo quần đẹp ra ngoài chụp ảnh; nhưng cũng lại có người muốn nghỉ ngơi. Có người thích về quê, thăm hỏi họ hàng, người quen; cũng có những người muốn tranh thủ kỳ nghỉ lễ dài để du lịch trong nước, ngoài nước.

Có nhà trang hoàng lộng lẫy, sáng rực bóng nháy, đèn lồng, hoa tươi ngập lối thì cũng không ít gia đình chỉ lau dọn gọn gàng, thêm cành đào cành quất và chút hương trầm là vị Tết đã lan tỏa. Có nơi loa đài làng trên xóm dưới nhạc Tết rộn ràng, lại cũng có nơi thật yên tĩnh.

Tết nào cũng là Tết cả, miễn rằng phù hợp, ai ai trong lòng đều vui vẻ, thoải mái.

Chẳng phải thấy người khác chi hàng chục, hàng trăm triệu đồng mua sắm Tết mà nhà mình không có Tết chỉ bởi sắm sanh tiết kiệm, vì còn nợ nần hay vì có ít tiền trong tài khoản. Dẫu Tết là lễ hội mua sắm lớn nhất năm, phố phường tấp nập, chợ búa rộn ràng, nhưng Tết không của riêng ai. Người ít tiền có cách tiêu Tết, đón Tết kiểu ít tiền. Thậm chí cả khi không có tiền sắm sanh thì Tết vẫn ở đó mà thôi.

Chắc chắn rằng niềm vui của một cành đào giá 150.000 đồng mang lại sẽ không ít hơn so với một cây đào trị giá 15 triệu, 150 triệu đồng. Và niềm vui của những người chi tiêu ít tiền cho Tết cũng không hẳn đã kém hơn những người đang mang cả thế giới đồ ăn thức uống, của ngon vật lạ vào nhà.

Chẳng hạn như tôi năm nay sắm Tết ít hơn, nhưng niềm phấn khích và sự háo hức đối với ngày Tết của tôi chẳng hề giảm đi so với năm ngoái.

Tôi không mua thức ăn chất đầy tủ lạnh, bởi chợ Tết họp đến hết sáng 30 và từ mùng 2 - mùng 3, các cửa hàng, siêu thị đã mở cửa trở lại, đâu cần tích trữ nhiều? Thực phẩm có hạn sử dụng, không dùng hết phải vứt đi, lãng phí vô cùng. Tôi cũng không chưng những cành đào lớn bởi việc xử lý khi ra Tết rất phiền.

Một vài bạn trẻ tâm sự với tôi, Tết không có thưởng, công việc không thuận lợi nên chẳng dám về quê thăm bố mẹ. Có bạn áy náy số tiền Tết biếu nội ngoại ít đi. Thế là, chỉ vì "lượng hóa" Tết qua những con số mà 9 ngày nghỉ trở thành gánh nặng, nỗi ám ảnh, không còn chút niềm vui nào nữa.

Nếu thực sự muốn một mình để nghỉ ngơi trong mấy ngày Tết, hãy cứ một mình, chẳng sao cả! Nhưng nếu muốn về quê sum vầy bên gia đình, bố mẹ, thăm hỏi họ hàng thì đừng bởi mặc cảm thất bại mà không dám cất bước trở về. Không mảnh đất nào chữa lành tổn thương và mang lại động lực sống tốt hơn là phía sau cánh cửa gia đình. Cũng sẽ không người cha người mẹ nào nỡ bớt xén tình thương con cái vì chúng không có tiền. Chẳng nhẽ năm ngoái biếu bố mẹ 10 triệu, năm nay còn 1 triệu mà bố mẹ sẽ giảm đi 9 triệu tình yêu và sự quan tâm trở lại? Nuôi con biển trời lai láng, đâu ai chờ ngày Tết để nhận thưởng từ con!

Cũng có khi ai đó trong chúng ta còn e ngại Tết, vì cái lệ quà cáp, lì xì. Thế là, thà "trốn Tết" để không cảm thấy mất mặt, ngượng ngùng do không sắm quà, không chuẩn bị tiền mừng tuổi. Nhưng, nghĩ lại mà xem, một quan hệ "đáng giá" sẽ không thể "định giá" mối thân tình bằng quà cáp. Trong phong bao lì xì kia là đồng tiền may mắn, và may mắn mang tính tượng trưng, mang giá trị tinh thần chứ không phải may mắn tính bằng mệnh giá.

Vậy nên, có lẽ khi ta nghĩ khác đi về tục lệ đón Tết, tiêu Tết thì sẽ bớt được nhiều gánh nặng cả về tinh thần và sức khỏe, để việc nghỉ Tết thực sự là niềm vui và là khoảng thời gian nhẹ nhõm, bình an.

Tết là bắt đầu một năm mới, là lúc tất cả mọi người cùng gác âu lo, khép lại những thành công, thất bại của năm cũ, rút ra bài học, có những chiêm nghiệm cho riêng mình. Tết cũng là bản lề cho sự khởi đầu, cho một trang mới trong cuộc đời mỗi người.

Tiền quan trọng nhưng không phải là yếu tố then chốt quyết định việc mỗi người nghỉ Tết và tiêu Tết ra sao. Cả khi không sắm Tết hoành tráng thì với một tinh thần phấn chấn, lạc quan, một kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý, kỳ nghỉ Tết với mỗi người đều trở nên giá trị và ý nghĩa!

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!