Cô gái sở hữu 3 bằng đại học bỏ phố về quê trồng quýt

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Có trình độ cao, công việc tốt ở TPHCM với thu nhập 40 triệu đồng/tháng, chị Liên bất ngờ về quê ở Đồng Tháp trồng quýt, chấp nhận vất vả để đổi lấy mức lãi cả năm chỉ bằng 2 tháng lương ở phố.

Chị Phan Thị Bích Liên (34 tuổi) là chủ nhân đời thứ 3 của khu vườn quýt hồng rộng hơn 3ha, lớn bậc nhất ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Là chủ, có 8 nhân công, nhưng chị Liên vẫn thường xuyên trực tiếp làm những công việc như trồng cây, đào đất, bón phân, nhổ cỏ…

Cô gái sở hữu 3 bằng đại học bỏ phố về quê trồng quýt - 1

Chị Liên đang chăm sóc vườn quýt đã truyền qua 3 thế hệ (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Từ khi về vườn mình là một nông dân thực thụ. Lao động khiến mình hiểu cây, hiểu đất để chăm sóc vườn tốt hơn, không thể chăm chăm vào sách vở được", chị Liên chia sẻ.

Mặc áo bà ba, tay quốc đất, mặt có vết lấm lem, nhưng bà chủ vườn quýt lại có trình độ "khủng" khi sở hữu 3 bằng đại học, thông thạo nhiều ngoại ngữ. Trước khi quyết định về quê gắn bó với vườn quýt, chị Liên từng có công việc tốt ở TPHCM với thu nhập 40 triệu đồng mỗi tháng.

Chị Liên chia sẻ, quýt hồng là đặc sản của Lai Vung, vườn quýt của gia đình lại là tâm huyết của ông nội và cha chị. Vừa là tình cảm với "hồn quê", vừa không dám phí hoài công sức của ông cha, năm 2020, chị quyết tâm rời phố về quê làm vườn.

Cô gái sở hữu 3 bằng đại học bỏ phố về quê trồng quýt - 2

Khu vườn đang được chị Liên cải tạo theo hướng hữu cơ (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Tôi định hướng sẽ hữu cơ hóa khu vườn, rất vất vả và tốn kém. Ví dụ nếu bón phân hóa học sẽ cần 1 tấn và 2 ngày công, nhưng muốn bón phân hữu cơ tôi sẽ phải tự ủ hoặc mua với giá cao hơn, khối lượng đến 7 tấn, khi bón cũng khó khăn hơn nhiều. Đến nay 1/3 khu vườn đã được chăm sóc hữu cơ hoàn toàn", chị Liên cho biết.

Một định hướng nông nghiệp khác mà chị Liên nghĩ tới ngay cả trước khi về làm vườn là du lịch nông trại. Vì vậy, từ khi bắt tay chăm sóc vườn quýt, cô chủ trẻ đã dốc tâm huyết cải tạo để cảnh quan sinh động, bắt mắt.

Sau 1 năm tiếp quản, năm 2021, chị Liên bắt đầu mở cửa vườn đón khách du lịch. Vào mùa rộ, những chùm quả đỏ vàng, căng mọng ở khắp mọi ngóc ngách của khu vườn. Từ cuối năm đến đầu năm sau là mùa quả chín, cũng là thời gian khu vườn tấp nập khách gần xa.

Cô gái sở hữu 3 bằng đại học bỏ phố về quê trồng quýt - 3

Khi vào mùa rộ, khu vườn sai trĩu những chùm trái đỏ vàng, căng mọng (Ảnh: CTV).

"Khi vào mùa, ngày vắng có khoảng 30 khách, ngày đông nhất vườn đón khoảng 500 khách. Khách ngoại tỉnh và nước ngoài tăng đều qua từng năm, ngoài tham quan, họ còn sử dụng dịch vụ ăn uống do vườn cung cấp.

Mỗi năm vườn thu hoạch trên 15 tấn trái, nhưng tiền bán trái chỉ chiếm 1/3 nguồn thu, phần còn lại là từ du lịch. Dù vậy, mỗi tháng khu vườn chỉ có lãi khoảng 8 triệu đồng, rất thấp", cô chủ vườn chia sẻ.

Dù thu nhập "thấp thấy thảm", công việc lại vất vả hơn nhiều khi còn ở phố, nhưng chị Liên khẳng định luôn thấy vui vì cuộc sống ở quê nhẹ nhàng, trong lành, bình yên. Hơn nữa, khu vườn đang phát triển đúng định hướng cô chủ trẻ mong muốn.

Cô gái sở hữu 3 bằng đại học bỏ phố về quê trồng quýt - 4

Chị Liên đang dành riêng một góc vườn để lai tạo giống mới (Ảnh: Nguyễn Cường).

Để tăng thu nhập và góp phần phát triển bền vững cây quýt hồng bản địa, chị Liên dành ra 1 khu đất riêng trong vườn để lai tạo giống mới. Chị kỳ vọng cây quýt có thể ra trái quanh năm, từ đó khu vườn có thể đón khách quanh năm thay vì chỉ 3 tháng như bây giờ.

"Tôi muốn bảo tồn giá trị truyền thống, nhưng không thể giữ khư khư lối mòn. Trồng quýt hiện nay chi phí gấp 3 lần thời ông nội tôi làm, nhưng năng suất không khác nhiều, rủi ro sâu bệnh lại cao, vì thế không ít khu vườn trong vùng đã bị chặt bỏ.

Nếu không có cải tiến, rất khó để người trồng quýt gắn bó với vườn. Tôi sẽ cố gắng, mong rằng mình đóng góp được phần nào đó phục tráng lại cây quýt hồng như thời hoàng kim trước đây", chị Liên nói.

Cô gái sở hữu 3 bằng đại học bỏ phố về quê trồng quýt - 5

Khu vườn của chị Liên đang thu hút hàng ngàn khách gần xa ghé thăm mỗi năm, du lịch mang lại nguồn thu chính (Ảnh: CTV).

Lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện Lai Vung cho biết, quýt hồng với các đặc trưng da đỏ vàng, mọng nước, ngọt hậu pha chút vị chua là nông sản đặc hữu của huyện, đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền. Hiện ở Lai Vung có khoảng 300ha vườn quýt.

Vị lãnh đạo cho biết địa phương cần và khuyến khích những người trẻ có kiến thức, có vốn như chị Liên quay về quê hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp là hướng đi mà huyện Lai Vung cũng như toàn tỉnh Đồng Tháp đang chú trọng thúc đẩy.