Tâm điểm
Dương Xuân Nam

"Ra ngõ gặp hoa hậu"!

Ra ngõ gặp hoa hậu! - 1

Thi hoa hậu phải là một ngày hội văn hóa để các người đẹp trong cả nước từ biên giới đến hải đảo xa xôi có dịp gặp gỡ, giao lưu, hướng về cái đẹp (Ảnh minh họa: Anh Tú)

Tôi vừa đọc các bài viết phản ánh tình trạng "Bội thực… thi nhan sắc", "Sáu tháng hơn 10 cuộc thi hoa hậu" trên báo Dân Trí. Những bài báo này đã nói được phần nào sự bức xúc của công chúng yêu cái đẹp về các cuộc thi nhan sắc hiện nay.

Khi tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất  (năm 1988), bản thân tôi cũng như báo Tiền Phong đều nhằm hướng tới mục đích là tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và định hướng về cái đẹp cho tuổi trẻ. Chúng tôi coi các cuộc thi hoa hậu như là một hoạt động văn hóa mới, bổ ích, lý thú; các bạn trẻ trong khắp cả nước từ biên giới đến hải đảo tham gia như một ngày hội văn hóa để từ đó đến với tổ chức Đoàn, Hội. Ngoài ra không có mục đích nào khác!

Tôi còn nhớ sau cuộc thi hoa hậu đầu tiên vào năm 1988 thành công vang dội, đến năm 1989 bùng nổ các cuộc thi hoa hậu từ các tỉnh, thành, ngành... thậm chí cả phường, xã cũng tổ chức, tạo nên tình trạng "loạn" hoa hậu! 

Người ta kết cho tôi cái tội " kích động cả nước thi hoa hậu"; " tuyên truyền lối sống Mỹ...". Trong năm đó đã có một cuộc họp cấp thứ trưởng của nhiều bộ ngành và tôi đã giải trình tại cuộc họp vì sao chúng tôi thi hoa hậu. Cuối cuộc họp mọi người nhất trí giao cho tôi soạn thảo quy chế thi người đẹp. Đó là quy chế thi người đẹp đầu tiên ở nước ta được Bộ Văn hóa Thông tin thời đó ban hành cho đến năm 2006 mới sửa đổi. Nhờ có quy chế này mà suốt một thời gian dài các cuộc thi hoa hậu đã đi vào trật tự, không còn "loạn" nữa!

Theo tôi, để các cuộc thi hoa hậu ngày càng có chất lượng cao, để không còn tình trạng "loạn" thi hoa hậu , để công chúng yêu cái đẹp không bức xúc như hiện nay..., thì quy chế thi người đẹp nên có một số sửa đổi, bổ sung.

Trước hết phải nói đến danh xưng. Những cuộc thi sắc đẹp ở tầm quốc gia thì người đăng quang mới gọi là HOA HẬU, còn các cuộc thi tỉnh, thành, ngành nên gọi là HOA KHÔI, hay NGƯỜI ĐẸP. Ví như HOA KHÔI HÀ NỘI, HOA KHÔI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG... hay người đẹp ngành than, người đẹp ngành chè... Nếu không sẽ "loạn" danh xưng! Như nhiều người vẫn nói vui hiện nay: "Ra ngõ là gặp hoa hậu"...

Thứ hai là các đơn vị tổ chức, như quy chế thi người đẹp đầu tiên đã ghi rõ: Phải là cơ quan văn hóa, hoặc có liên quan đến lĩnh vực văn hóa; có kinh nghiệm tổ chức, có đủ kinh phí và điều quan trọng là phải vì mục đích tôn vinh cái đẹp - mục đích này phải đưa lên hàng đầu. Các thành viên ban giám khảo cũng phải có quy định những người như thế nào mới được tham gia...

Tôi nhất trí với nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định mỗi năm có bao nhiêu cuộc thi, mà nên quy định cụ thể về các cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn như trên mới được cấp phép. Qua đó các cuộc thi sẽ ít đi và sẽ được tổ chức tốt hơn. Cơ quan quản lý cũng thực hiện tốt sự công khai, minh bạch hơn.

Vấn đề hậu kiểm theo tôi là cần thiết. Sau mỗi cuộc thi, các cơ quan quản lý nên xem xét, đánh giá cụ thể, làm tốt thì biểu dương, khen thưởng; làm không tốt, vi phạm quy chế thi người đẹp thì phạt. Có thể phạt tiền thật nặng và cân nhắc việc tước vương miện hoa hậu, hoa khôi, người đẹp!

Ra ngõ gặp hoa hậu! - 2

(Ảnh tác giả cung cấp)

Thi hoa hậu phải là một ngày hội văn hóa để các người đẹp trong cả nước từ biên giới đến hải đảo xa xôi có dịp gặp gỡ, giao lưu, hướng về cái đẹp... Chứ không chỉ cho một số cô gái "ăn trắng, mặc trơn" hết tham gia cuộc thi người đẹp này lại chạy sang cuộc thi người đẹp khác.

Tôi nhớ lần đưa hoa hậu Bùi Bích Phương xuống Thái Bình dự một cuộc giao lưu do Tỉnh đoàn tổ chức (lúc đó đồng chí Hoàng Bình Quân đang là Bí thư Tỉnh đoàn - sau này đồng chí là ủy viên TƯ Đảng, Trưởng ban đối ngoại TƯ), hàng ngàn người nghe tin hoa hậu đã bỏ cả công việc đang làm kéo đến vây kín hoa hậu Bùi Bích Phương. Tỉnh đoàn phải nhờ xe cảnh sát " phá vây" mới đưa được hoa hậu vào hội trường. Người ta bảo đi " xem tiên"!

Hay như lần tôi cùng hoa hậu Nguyễn Thị Huyền đi trao sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình thương binh liệt sỹ ở một số tỉnh miền Trung, hàng ngàn người kéo đến, rất nhiều người đang gặt hái ngoài đồng cũng bỏ liềm hái... kéo về vây kín xe chúng tôi. Tỉnh đoàn Hà Tĩnh lại phải nhờ cảnh sát "mở đường" cũng chỉ đưa được hoa hậu đi còn tôi đành chịu, không chen vào được...

Tôi kể điều này để nói một thời công chúng rất ngưỡng mộ hoa hậu, chứ không như hiện nay!

Trên 20 năm làm trưởng ban tổ chức, kiêm trưởng ban giám khảo các cuộc thi hoa hậu Việt Nam và  làm giám khảo một số cuộc thi hoa hậu quốc tế, tôi thấy tổ chức các cuộc thi sắc đẹp rất khó, phải rất công phu, tốn kém và thực sự lao tâm, khổ tứ. Làm giám khảo hoa hậu cũng rất khó. Thời tôi là Trưởng ban tổ chức cuộc thi hoa hậu Việt Nam, Ban tổ chức mời những người không chỉ có tâm, có tài, nổi tiếng như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, NSND Trà Giang; GS Nguyễn Quang Quyền, TS Thẩm Hoàng Điệp..., mà họ còn "có con mắt tình đời" nói như cụ Nguyễn Du. Họ biết thẩm định, lựa chọn cái đẹp khá chuẩn xác, công bằng, khách quan.

Cái đẹp, nhất là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thật đáng trân trọng, nâng niu... Vì cái đẹp vốn rất mong manh. Thương mại hóa các cuộc thi sắc đẹp là hỏng! 

Tác giả: Nhà báo, nhà thơ Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) nguyên là Tổng biên tập Báo Tiền phong; Trưởng ban Tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến năm 2008.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!